Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố kết quả đăng ký đấu giá phiên chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ – Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Theo kế hoạch, phiên IPO của Vinatex sẽ được tổ chức từ 8h30 ngày 22/9/2014 tại HoSE với giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phiếu.
Theo số liệu công bố, có tổng cộng 87 nhà đầu tư đăng ký đấu thầu 110,56 triệu cổ phiếu Vinatex. Cơ cấu nhà đầu tư bao gồm: 54 cá nhân trong nước đăng ký mua 53,67 triệu cổ phần; 12 tổ chức nước ngoài đăng ký mua 55 triệu cổ phần; 3 tổ chức trong nước đăng ký mua 1,85 triệu cổ phần và 3 cá nhân nước ngoài đăng ký mua 32.900 cổ phần.
Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu đăng ký mua là 110,56 triệu chỉ đạt gần 91% số lượng đấu giá là 122 triệu đơn vị. Nói cách khác, Vinatex đang "ế" khoảng 11,44 triệu cổ phiếu trong đợt IPO này.
Tập đoàn dệt may Vinatex có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phần. Trong đợt IPO này, Nhà nước vẫn nắm giữ 225 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ; khối lượng cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 3 triệu cổ phần, chiếm 0,6% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 120 triệu cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ.
Trong đó, vị trí nhà đầu tư chiến lược của Vinatex đã chính thức được trao cho Tập đoàn Vingroup (VIC) và CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID) với tỷ lệ đăng ký mua lần lượt là 10% (50 triệu cổ phần) và 14% vốn điều lệ (70 triệu cổ phần).
Tuy nhiên, việc cổ phần hoá và "lên sàn" của Vinatex có vẻ như không được thuận lợi theo kế hoạch. Đầu tiên, việc hai nhà đầu tư chiến lược đều là doanh nghiệp trong nước và không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc đã phần nào "đi chệch" so với kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp Vinatex. Bởi khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, ngoài khả năng tài chính, các doanh nghiệp cổ phần hoá thường đánh giá cao và lựa chọn những đối tác có kinh nghiệm và bề dày trong lĩnh vực tương đồng để có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, việc không thể bán hết được số cổ phiếu "chào sàn", không có cảnh tượng "sốt sình sịch" như Thế giới di động ít tháng trước cũng phần nào cho thấy các nhà đầu tư chưa "mặn mà" lắm với kế hoạch phát triển lâu dài của Vinatex.