Lời phân trần là của ông Trương Xuân Danh – phó tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (chủ đầu tư hệ thống khách sạn Mường Thanh).
Ông Trương Xuân Danh cho biết: Mường Thanh hiện có 40 khách sạn trên cả nước, đa số là ở những nơi mà nhà đầu tư e ngại, những tỉnh xa xôi, ít phát triển về du lịch.
"Có nhiều nơi chúng tôi đầu tư là theo lời mời gọi của chính quyền sở tại và nhận được lời hứa sẽ xúc tiến nhanh về thủ tục. Thực tế có những công trình của Mường Thanh làm theo kiểu “vừa xếp hàng vừa hành quân”, tức là khởi công, xây dựng song song với quá trình xin giấy phép"- ông Danh nói.
Ông Thanh cũng cho rằng: "nói Mường Thanh xây không phép thì chúng tôi khẳng định không dám làm thế, chỉ là một số khâu chưa kịp làm đầy đủ, dẫn đến không đáp ứng kịp thủ tục. Khi đầu tư theo cách này, tôi nghĩ thủ tục đơn giản chứ không đến nỗi phức tạp và kéo dài thế. Đến khi báo chí vào phát hiện thì ai cũng sợ trách nhiệm, nên Mường Thanh giờ phải tự rút kinh nghiệm”.
Xây dựng kiểu… quán tính
Nhưng Mường Thanh biết rõ việc “rút ngắn thời gian” là sai?
Chúng tôi biết chứ. Nhà thầu cũng muốn xây nhanh, sợ lỡ mất cơ hội, còn chúng tôi muốn xây nhanh để nhanh chóng hoạt động, nhanh có lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương đó, như đã cam kết khi đầu tư. “Thương hiệu” của Mường Thanh là đầu tư bằng vốn của tập đoàn, không vay mượn, cho nên nôn nóng muốn làm nhanh.
Nhưng việc Mường Thanh xây dựng sai phép đâu chỉ ở các tỉnh ít nhà đầu tư, ngay tại TP.HCM, công trình khách sạn Mường Thanh Sài Gòn cũng bị đình chỉ vì xây dựng sai phép? Như vậy là biết sai mà vẫn làm?
Có lẽ do quán tính (?), chúng tôi cứ nghĩ cái gì làm nhanh, có lợi cho Nhà nước, cho tập đoàn thì làm. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đầu tư ở TP.HCM, đem áp dụng kiểu làm “song song” như ở các tỉnh nên mới sai phạm.
Chúng tôi thừa nhận công trình Mường Thanh Sài Gòn chưa hoàn thiện về giấy phép và không dám phân bua gì. Chúng tôi sẽ tuân thủ tuyệt đối các quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ của cơ quan chức năng tại TP.HCM.
Ông nói vậy, nhưng công trình Mường Thanh Sài Gòn khi bị đình chỉ thi công, nhà thầu vẫn tiếp tục xây dựng thêm một thời gian nữa?
Nhà thầu thi công cũng sợ mất cơ hội nên mới thế. Khi chúng tôi hỏi thì phía nhà thầu cứ nói không có lệnh ngưng thi công. Rồi trên dưới vênh nhau, nên nhiều lúc cũng không chấp hành được hết.
Công trình gần xong vẫn chưa xong thủ tục
Khi được hứa hẹn để làm nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng ở một số địa phương, Mường Thanh có lường được rủi ro không? Khi lời hứa đó (nếu có) không phải bằng văn bản, trong khi số tiền đầu tư rất lớn?
Rủi ro có lường trước nhưng chúng tôi cũng ngây thơ nghĩ rằng thủ tục sẽ được xúc tiến nhanh, nên mới tranh thủ xây dựng. Trong thực tế, có công trình dự kiến làm thủ tục chỉ một năm nhưng thời gian kéo dài đến ba năm nên khi xây gần xong mà vẫn chưa xong thủ tục. Mường Thanh không phải là doanh nghiệp bất chấp pháp luật hay có người “chống lưng” mà ngông nghênh như dư luận đặt vấn đề. Và đó cũng là “quán tính”, thấy nơi này làm được thì ở nơi khác cũng thế, chứ không phải chúng tôi không sợ hậu quả.
Có thuyết phục không khi một doanh nghiệp lớn như Mường Thanh mà lại “ngây thơ”?
Tất nhiên làm doanh nghiệp ai cũng phải tính đến lợi nhuận. Chúng tôi biết những vụ vừa qua chúng tôi sai và sẽ phải thay đổi. Sau này đầu tư vào đâu, có được cam kết, hứa hẹn gì đều phải có văn bản chứ không phải “nói miệng với nhau trên bàn nhậu”. Vì những cam kết của Mường Thanh về việc ký quỹ, tạo công ăn việc làm từ công trình đầu tư chúng tôi đều có văn bản và thực hiện nghiêm túc.