Khi Chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics – ông Lee Kun Hee – đi thị sát nhà máy, công tác chuẩn bị được lên kế hoạch như đón nguyên thủ quốc gia.
Các công nhân được lệnh đỗ xe sau nhà máy vì những chiếc xe xấu xí của họ sẽ làm nghịch mắt lãnh đạo. Kẹo bạc hà được bố trí trong nhà vệ sinh để giúp các nhân viên có hơi thở thơm tho. Một chiếc thảm đỏ được trải dài tới cửa xe limo của ông, đứng hai bên là hai hàng bảo vệ. Mọi người được lệnh không được nhìn ông đi vào qua cửa sổ.
“Chúng tôi không được phép nhìn ông từ trên tầng cao. Samsung gần như là một tôn giáo, còn Chủ tịch Lee là một ông thánh”, ông Masaki Oguro – kiến trúc sư người Nhật làm việc tại một nhà máy Samsung ở Suwon, gần Seoul, cho biết.
Tuy nhiên trong thời gian sắp tới, có thể Samsung sẽ được dẫn dắt bởi một nhân vật cấp tiến hơn trong cuộc chiến đối đầu kỳ phùng địch thủ Apple và những nhà sản xuất đến từ Trung Quốc.
Vị chủ tịch 72 tuổi đã phải nằm viện sau khi hứng chịu một cơn đau tim vào tháng Năm, ông chỉ có một người con trai duy nhất tên Lee Jae Yong để truyền lại của cải.
Phó chủ tịch 46 tuổi này của Samsung kín tiếng đến nỗi ông chưa bao giờ có một cuộc phỏng vấn chính thức đối với báo chí.
Theo đánh giá của nhiều người, tính cách của Lee Jae Yong phù hợp với Samsung ngày nay hơn.
Ông được xem là khá giản dị, thân thiện, nói thành thạo ba thứ tiếng, những đặc điểm có thể giúp công ty chuyển giao sự tập trung của công ty từ phần cứng sang phần mềm, nội dung cũng như mở rộng hợp tác với nhiều đối tác quốc tế.
Ông cũng từng xây dựng mối quan hệ với Steve Jobs, giúp Samsung cung cấp nhiều thiết bị cho các sản phẩm của Apple, ví dụ như iPod.
“Vị hoàng đế tiếp theo”
Tuy nhiên, khả năng lãnh đạo của ông vẫn chưa được chứng minh, ông Chang Sea Jin – trưởng phòng chính sách kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore, kiêm tác giả của cuốn "Sony đối đầu Samsung” – nhận xét.
Mặc dù ông nội ông sáng lập Samsung, sau đó cha ruột của ông gây dựng công ty trở thành tập đoàn kinh doanh lớn nhất Hàn Quốc, bản thân Lee Jae Yong chỉ có vài thành tựu được thế giới biết đến.
“Tôi không biết rõ về năng lực của ông ấy. Ai cũng hiểu ông ấy sẽ là vị hoàng đế tiếp theo, nên ông không bao giờ phải chứng minh điều gì”, giáo sư nói.
Chiều theo ý cha, vị phó chủ tịch Samsung đã lánh xa ống kính báo chí.
Tính đến thời điểm hiện tại, cha ông – Lee Kun Hee là người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc, với tài sản ròng đạt 11,6 tỷ USD tính đến 26/8, theo chỉ số tỷ phú Bloomberg.
Trong khi đó, tài sản ròng của Lee Jae Yong là 4,4 tỷ USD, hầu hết trong số đó là các tài sản từ Samsung được bố ông mua giúp.
Khó khăn bủa vây
Cơn bạo bệnh của Chủ tịch Lee và bước chuyển mình của Samsung diễn ra đúng trong giai đoạn khó khăn của công ty lớn nhất Hàn Quốc này.
Tăng trưởng doanh thu đã chậm dần lại trong bốn quý liên tiếp khi Apple thu hút khách hàng phân khúc cao cấp với sản phẩm iPhone, còn nhà sản xuất Xiaomi và Lenovo của Trung Quốc thống lĩnh thị trường điện thoại giá cả phải chăng.
Thị phần smartphone của Samsung đã trượt xuống 25% trong quý II, thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của IDC.
Ngôi vương của Samsung trong phân khúc điện thoại cao cấp màn hình cỡ lớn có thể gặp sức ép nếu Apple tung ra thế hệ iPhone mới với kích cỡ lớn hơn trong tháng Chín tới.
Trong khi đó, Xiaomi vừa chính thức soán ngôi nhà sản xuất điện thoại hàng đầu tại Trung Quốc từ tay Samsung, tiếp đó lên kế hoạch thâm nhập thị trường Ấn Độ và Brazil.
>> Xem thêm: Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
“Thách thức đang ập đến từ mọi phía, từ phân khúc cao cấp, trung cấp, đến bình dân. Jae Yong có rất nhiều việc phải làm”, ông Warren Lau – chuyên gia phân tích ngân hàng Maybay Kim Eng ở Hongkong nhận xét.
Rủi ro và cơ hội
Jae Yong nhận bằng đại học tại trường đại học quốc gia Seoul, khoa Lịch sử Đông Á, và bằng thạc sỹ từ trường đại học Keio của Nhật Bản.
Sau đó, ông học lên tiến sỹ tại trường đại học kinh doanh Harvard trong 5 năm, tuy nhiên không nhận được bằng sau đó.
Sau khi gia nhập Samsung vào năm 2001, ông được bố trí ngồi trong một căn phòng kính, xung quanh là thư ký từ mọi phòng ban kinh doanh. Họ giúp ông tích góp kiến thức về cấu trúc khổng lồ của tập đoàn, ông Ryozo Yoshikawa – nhân viên có thâm niên làm việc 20 năm tại Samsung, biết Jae Yong từ thời cậu còn là sinh viên – cho hay.
Jae Yong đã giữ nhiều chức vụ trong công ty, từ giám đốc tài chính đến giám đốc điều hành, sau đó lên giữ chức Phó chủ tịch năm 2012, tuy nhiên, năng lực cụ thể của ông vẫn là một dấu hỏi lớn với công luận.
Lai lịch của Jae Yong được giữ kín vì Samsung không muốn bất cứ sai lầm nào cản trở niềm tin đặt vào người thừa kế này, ông Chung Sun Sup – chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Chaebul.com nhận xét.
“Chủ tịch Lee không cho phép danh tiếng của Samsung bị hủy hoại trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, ông nói.
Kể cả vậy, nhiều trang tin vẫn lật lại được thất bại của Jae Yong trong một dự án kinh doanh trực tuyến trước khi ông chính thức gia nhập Samsung.
Năm 2000, khi bong bóng dot-com vỡ, ông xây dựng một công ty có tên eSamsung, nhưng phải đóng cửa chỉ sau một năm hoạt động.
Kỷ nguyên mới
Lee Jae Yong sẽ lên nắm quyền khi Samsung bước vào một kỷ nguyên mới.
Doanh thu hợp nhất của Samsung trong năm 2013 cán mốc 225 tỷ USD, cao gấp gần 100 lần so với doanh thu tập đoàn thời Chủ tịch Lee chính thức lên nắm quyền năm 1987.
Hàn Quốc cũng đang thay đổi. Mặc dù những tập đoàn đa ngành như Samsung và Hyundai được chính phủ hậu thuẫn trong hàng thập kỷ để hiện đại hóa đất nước, đang nổi lên nhiều luồng ý kiến từ dư luận cho rằng những tập đoàn gia đình như thế này đang trở nên quá quyền lực và làm thui chột sự cải tiến.
Gia tộc Lee đang hứng nhiều chỉ trích vì quyền lực chi phối quá mạnh đối với 74 công ty con của tập đoàn Samsung, mặc dù chỉ nắm trong tay chưa đầy 2% tổng cổ phần.
Thêm vào đó, Chủ tịch Lee Kun Hee cũng vừa bị kết tội trốn thuế vào năm 2008 khi bán cổ phiếu từ công ty Samsung SDS với giá rẻ mạt cho con trai Lee Jae Yong. Ông được ân xá vào năm 2009, Jae Yong cũng không bị truy cứu.
Lãnh đạo Lee mới của Samsung có thể mang phong cách khác biệt so với người cha ruột, một phần do tính cách, một phần khác do yếu tố thời cuộc.
Ông cần phải dân chủ và hợp tác hơn để chứng minh năng lực trong thời điểm Samsung chuyển mình, ông Chang nhận xét.
“Ông ấy sẽ phải tỏ ra khiêm tốn, và chấp nhận đứng ngoài nhiều quyết định, cũng như khuyến khích các giám đốc sáng tạo nhiều hơn, và ủy thác nhiệm vụ nhiều hơn. Đây là cả một sự thay đổi về mặt văn hóa. Ông cần gửi đi thông điệp khẳng định: ‘Tôi cũng chỉ là người thường mà thôi’”.