Thời gian qua, không khí mua sắm tại các trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội trở nên ảm đạm, vắng vẻ, ngay cả trong những dịp lễ, Tết. Mặc cho những chương trình khuyến mại được tung ra hàng loạt, vẫn khó thu hút khách đến mua. Trong khi các trung tâm thương mại kinh doanh ế ẩm, thì dự kiến đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ xây dựng thêm 1.000 siêu thị.
Là một trong những trung tâm thương mại lâu năm ở Hà Nội, Trung tâm thương mại Parkson Thái Hà đi vào hoạt động được hơn 5 năm với nhiều mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. 90% diện tích ở trung tâm mua sắm này được lấp đầy. Tuy nhiên, khách hàng đến Parkson Thái Hà lại ngày càng thưa thớt. Những lối đi trong trung tâm vắng bóng khách hàng. Nhân viên các quầy thanh toán không chút bận rộn.
Chị Nguyễn Thu Duyên, quản lý tại một gian hàng thời trang ở trung tâm thương mại Parkson cho biết, cách đây 3 năm trở về trước doanh thu của Parkson khá tốt, lượng khách vào trung tâm cũng nhiều hơn. Bây giờ khi có nhiều Trung tâm thương mại mở ra, lượng khách bị san sẻ. Lượng khách vào trung tâm thương mại đã giảm bớt. Khách hàng có tâm lý đợi giảm giá mới mua hàng.
Cùng chung tình trạng này, một số trung tâm thương mại khác như The Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), IPH (Xuân Thủy, Cầu Giấy), Vincom (Long Biên), Mipec Tower (Tây Sơn, Đống Đa), Parkson tại Keangnam Landmark (Phạm Hùng)…, không khí mua sắm khá trầm lắng. Mặc dù các trung tâm thương mại phối hợp với các gian hàng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn song vẫn không níu được chân người mua.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, nhân viên cửa hàng quần áo tại Trung tâm thương mại The Garden chia sẻ: Trung tâm chỉ đông khách vào cuối tuần, những ngày thường vắng lặng chỉ có khoảng dưới 5 khách. Điều này đã dẫn đến doanh thu của trung tâm giảm thấp, chưa đến 100 triệu đồng/tháng.
Sức mua thấp, kinh doanh thua lỗ, nhiều gian hàng phải đóng cửa hoặc chuyển nhượng, không ít tiểu thương phải ngậm ngùi rời bỏ các trung tâm thương mại. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các trung tâm thương mại lớn, mà còn xảy ra ngay với cả với mô hình chợ truyền thống sau khi được nâng cấp lên trung tâm thương mại.
Điển hình như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), chợ Việt Hưng (quận Long Biên)…Chỉ riêng chợ Hàng Da được đầu tư tới 250 tỷ đồng, ở vị trí đắc địa, kết hợp mô hình chợ truyền thống với trung tâm thương mại hiện đại, nhưng từ khi được nâng cấp, chợ vốn sầm uất lại thưa vắng người mua.
Hiện đã có hơn 400 hộ đang kinh doanh tại đây. Mặc dù Trung tâm thương mại Hàng Da được đổi tên thành Hà Nội Square và miễn phí thuê mặt bằng trong 1 năm nhưng việc kinh doanh ở đây vẫn ế ẩm. Nhiều gian hàng đóng cửa hoặc còn trống, một số khác treo biển chuyển nhượng.
Anh Nguyễn Văn Thành, chủ cửa hàng bán túi xách ở Trung tâm thương mại Hàng Da nói: “Hầu hết các trung tâm thương mại tình hình kinh doanh đi xuống, mức phát triển không khởi sắc như mấy năm trước, sức cầu kém. Lượng khách hiện tại ở trung tâm thì có thể duy trì ở mức độ vừa phải. Mặc dù hiện nay cửa hàng chưa phải thuê mặt bằng, nhưng bắt đầu từ năm thứ hai sẽ tính 30% giá trị hợp đồng”.
Hà Nội hiện có 25 trung tâm thương mại, 120 siêu thị. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, nguyên nhân dẫn đến cảnh vắng khách của các trung tâm thương mại xa xỉ đình đám một thời, trước hết là do tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Đồng thời, những trung tâm thương mại chủ yếu kinh doanh hàng hiệu, tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp, thay vì số đông người Việt.
Trong khi đó, thị trường bán lẻ chưa hồi phục, việc ồ ạt mở ra nhiều khu trung tâm thương mại càng khiến tình hình kinh doanh ế ẩm. Đến quý 3/2014, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội chưa có dấu hiệu phục hồi, điều này dẫn đến công suất thuê giảm 8% và giá thuê giảm 10% so với cùng kì năm ngoái.
Vậy mà trong bối cảnh này, Hà Nội lại dự định kêu gọi đầu tư 1.000 siêu thị gồm 23 siêu thị hạng 1, 111 siêu thị hạng 2 và 865 siêu thị hạng ba từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các trung tâm hiện nay đang vắng khách phải chấp nhận một thực tế về sức mua của thị trường. Trong vòng 1 – 2 năm tới vẫn có những khó khăn.
“Các trung tâm thương mại không nên thành lập mới, cần phải đặc biệt chú ý tới việc tránh sự cạnh tranh trực tiếp về mặt cơ cấu hàng giữa các siêu thị. Còn về việc xây dựng 1.000 siêu thị mới nên coi đó là định hướng quy hoạch, không nên coi đó là chương mang tính chất đầu tư tiền ngân sách".
"Nên công bố quy hoạch, thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa, trên tinh thần tận dụng cao nhất cơ sở thương mại hiện có, thay vì xây dựng mới và tốn ngân sách, không đáp ứng được cân đối cung cầu của thị trường xét về mặt hệ thống bán lẻ”, Chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận định.
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc mở rộng trung tâm thương mại cần tránh ồ ạt, mà có tính toán, quy hoạch hợp lý, không chỉ về số lượng mà còn cả về phân khúc khách hàng, sản phẩm, phù hợp với sức mua của thị trường.