Seatimes – (ĐNA). Trong bức tranh văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của Việt Nam, Huế nổi lên như một “kho tàng sống” lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, đặc biệt là hệ thống lễ hội phong phú phản ánh rõ nét đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân miền núi, đồng bằng và ven biển. Trước những thách thức và cơ hội của thời đại, việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống không chỉ là nhiệm vụ cấp bách về văn hóa – xã hội, mà còn mở ra hướng đi chiến lược trong phát triển du lịch bền vững, góp phần khẳng định vị thế của Huế như một trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả nước và khu vực.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng ấy, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) đã đăng ký thành công và chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế” do TS. Phan Thanh Hải làm chủ nhiệm. Đề tài được triển khai trong thời gian 24 tháng, từ tháng 4/2022 và được gia hạn đến hết tháng 9/2024 theo Quyết định số 44/QĐ-SKHCN ngày 8/3/2024. Đây là công trình nghiên cứu bài bản, công phu, kết hợp giữa các phương pháp khoa học truyền thống và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, nhằm số hóa, lưu trữ và phổ biến dữ liệu lễ hội trên nền tảng số phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và phát triển du lịch.
Lễ hội Huế, di sản sống và tấm gương phản chiếu văn hóa cộng đồng
Với bề dày hơn ba thế kỷ từng là trung tâm quyền lực, Huế không chỉ lưu giữ hệ thống kiến trúc cung đình, mà còn tích tụ một kho tàng lễ hội phong phú, phản ánh chiều sâu văn hóa tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương qua nhiều thế hệ. Hệ thống lễ hội ở Huế trải dài từ những nghi thức mang tính điển chế trong không gian cung đình như tế Giao, tế Xã Tắc, Lễ Đại triều – Thường triều, cho đến các lễ hội dân gian gắn liền với đời sống bản địa như lễ hội Cầu ngư, lễ Cúng rừng, lễ Mừng lúa mới, lễ giỗ Tổ ngành nghề, hội vật làng Sình, hội vật làng Thủ Lễ, trò diễn sắc bùa, hát trò, tập chèo… Mỗi lễ hội là một thực thể sống động, mang trong mình lớp trầm tích văn hóa, tâm linh và giá trị biểu tượng sâu sắc, góp phần tái hiện thế giới quan, nhân sinh quan của con người xứ Huế. Chính sự đa dạng về loại hình, không gian tổ chức và tầng lớp tham gia đã tạo nên một mạng lưới lễ hội có sức sống bền bỉ, vừa gắn bó chặt chẽ với cộng đồng, vừa làm phong phú thêm bản sắc văn hóa vùng đất cố đô.
Tính đa dạng của hệ thống lễ hội Huế không chỉ được thể hiện qua quy mô tổ chức hay nghi thức hành lễ, mà còn nằm ở chiều sâu văn hóa gắn liền với môi trường sống đặc thù của từng cộng đồng cư dân. Cư dân ruộng nước sống quần tụ theo mô hình làng xã truyền thống; cư dân nương rẫy sinh sống giữa rừng núi hiểm trở với nền văn hóa nông nghiệp du canh du cư; trong khi cư dân ven biển lại gắn bó mật thiết với nghề cá và chu kỳ sinh tồn của biển cả. Chính sự đa dạng về điều kiện sinh thái xã hội ấy đã hình thành nên những lễ hội mang đậm dấu ấn của cộng cảm, nơi cộng đồng cùng hướng về các giá trị thiêng liêng, đề cao sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên, giữa quá khứ được gìn giữ và hiện tại đang tiếp nối. Lễ hội vì thế không chỉ là sự kiện văn hóa, mà còn là không gian thiêng nơi các cộng đồng cư dân khẳng định bản sắc, củng cố sự gắn kết và truyền trao những giá trị cốt lõi qua thời gian.
Từ khảo cứu truyền thống đến số hóa hiện đại
Dựa trên một hệ thống tư liệu phong phú và có giá trị, từ các thư tịch cổ như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, đến các tập san nổi tiếng như BAVH – Những người bạn Huế xưa, cùng nhiều công trình nghiên cứu của học giả trong và ngoài nước, đề tài đã triển khai một cách bài bản quá trình điều tra, khảo sát, phân tích và đánh giá toàn diện hệ thống lễ hội trên địa bàn Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế). Đặc biệt, phương pháp điền dã Dân tộc học được lựa chọn làm công cụ nghiên cứu chủ đạo. Phương pháp này không chỉ cho phép tiếp cận trực tiếp với không gian lễ hội và người thực hành, mà còn giúp tái hiện sinh động các lớp văn hóa thông qua việc thảo luận nhóm với nghệ nhân, phỏng vấn nhân chứng văn hóa, ghi chép thực địa, kết hợp với chụp ảnh và quay phim nhằm lưu giữ những khoảnh khắc chân thực nhất. Đây chính là cách tiếp cận vừa khoa học, vừa nhân văn, góp phần làm rõ vai trò của lễ hội trong đời sống đương đại và quá trình kiến tạo bản sắc văn hóa địa phương.
Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy hệ thống lễ hội trên địa bàn thành phố Huế hiện có quy mô và mật độ tổ chức đáng kể, với tổng cộng 520 lễ hội đang tồn tại và diễn ra thường xuyên. Trong đó, 472 lễ hội truyền thống chiếm tỷ trọng áp đảo, phản ánh chiều sâu văn hóa lịch sử của vùng đất cố đô; tiếp đến là 23 lễ hội văn hóa, 20 lễ hội ngành nghề và 5 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài, cho thấy sự giao thoa văn hóa trong bối cảnh hội nhập. Không chỉ dừng lại ở việc thống kê và phân loại, nhóm nghiên cứu còn tiến hành thiết kế và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết, chuyên sâu, tích hợp nền tảng bản đồ số (GIS) và các ứng dụng công nghệ số đa phương tiện. Hệ thống dữ liệu này bao gồm:
Phần mềm quản lý, tra cứu lễ hội trên nền web, có khả năng tương tác, chia sẻ dữ liệu giữa các cấp quản lý, các nhà nghiên cứu, công ty truyền thông và người dân;
Ứng dụng di động (app) trên hệ điều hành Android và iOS, phục vụ quảng bá, giáo dục văn hóa và du lịch;
Trang web trình diễn các lễ hội tiêu biểu gắn với yếu tố địa lý, có thể tích hợp trên GISHue và các bản đồ số;
Kho tư liệu ảnh, phim và dữ liệu mô tả các lễ hội tiêu biểu, được lưu trữ và số hóa đầy đủ.
Với hệ thống dữ liệu đa phương tiện này, Huế đã có một công cụ khoa học và hiện đại để vừa bảo tồn lễ hội, vừa đưa lễ hội “sống” trong không gian số, đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế.
Đòn bẩy cho phát triển du lịch bền vững
Một trong những đóng góp quan trọng nhất của đề tài chính là tính ứng dụng thực tiễn cao trong phát triển du lịch văn hóa lễ hội. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu được thiết lập công phu, ngành du lịch thành phố Huế có thể dễ dàng thiết kế các tour chuyên đề theo mùa vụ, theo vùng miền (biển, núi, đồng bằng) hoặc theo loại hình (lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội ngành nghề…). Từ đó, hình thành nên các chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, có chiều sâu văn hóa, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng đa dạng của du khách trong nước và quốc tế.
Không dừng lại ở khai thác du lịch, việc số hóa và công khai thông tin lễ hội còn góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội một cách minh bạch, đúng quy định, phù hợp với định hướng bảo tồn gắn với phát triển bền vững. Thông tin đầy đủ về thời gian, địa điểm, nội dung và giá trị của từng lễ hội được cập nhật trên nền tảng số sẽ giúp hạn chế các biểu hiện lệch chuẩn như mê tín dị đoan, thương mại hóa quá mức, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm văn hóa cho người dân và du khách. Các công ty lữ hành, nhà nghiên cứu và cộng đồng cư dân cũng có thể dễ dàng tiếp cận nguồn dữ liệu này để phục vụ các mục tiêu học thuật, khai thác sản phẩm, hoặc đơn thuần là tìm hiểu và kết nối với di sản.
Đặc biệt, hệ thống dữ liệu này còn là cơ sở khoa học quan trọng để thành phố Huế tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ đề cử lễ hội tiêu biểu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, hướng đến mục tiêu xa hơn là công nhận của UNESCO. Đây là bước đi chiến lược nhằm củng cố và khẳng định vị thế của Huế không chỉ là thành phố di sản, mà còn là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam” và “Trung tâm văn hóa – du lịch đặc sắc của khu vực Đông Nam Á” trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.
Mở đường cho sự phát triển lâu dài
Từ những kết quả cụ thể và thiết thực, đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế” không chỉ mang lại nguồn tư liệu khoa học có giá trị, mà còn góp phần định hướng các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội trong bối cảnh mới. Nhóm nghiên cứu đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng như: đẩy mạnh số hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước về lễ hội; bố trí nguồn lực tài chính để bảo tồn di tích gắn với không gian lễ hội; tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa; và đặc biệt là từng bước hình thành cơ sở dữ liệu lễ hội cấp quốc gia.
Về phía địa phương, UBND thành phố Huế cũng cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan triển khai hiệu quả Thông tư 04/2023/TT-BTC về quản lý thu, chi trong hoạt động lễ hội; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức lễ hội, từ đó phát huy tiềm năng kinh tế du lịch một cách bền vững, gắn với bảo tồn kho tàng lễ hội giàu bản sắc của vùng đất cố đô.
Lễ hội không chỉ là nhịp đập tâm linh của cộng đồng, mà còn là nơi lắng đọng hồn cốt văn hóa Huế qua bao thế hệ. Việc nghiên cứu, số hóa và phát huy giá trị hệ thống lễ hội không đơn thuần là hoạt động khoa học, mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển Huế trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch mang tầm quốc gia và khu vực. Trong dòng chảy ấy, đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế” chính là dấu mốc quan trọng, góp phần đặt nền móng cho sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, nơi di sản văn hóa không chỉ được bảo tồn, mà còn được lan tỏa và sống động trong kỷ nguyên số.
Thanh Hải – Văn Dũng