Seatimes – (ĐNA). Ngày 16/05/2025, tờ Thế Giới Trẻ có trụ sở tại Berlin đã đăng tải bài viết của nhà báo Đức Frederic Schnatterer với tiêu đề “Ảnh hưởng của Hoa Kỳ giảm dần – Bắc Kinh giành được thế mạnh”. Bài viết đề cập đến Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-CELAC, nơi các quốc gia Mỹ Latinh đang tích cực tìm kiếm giải pháp thay thế cho ảnh hưởng truyền thống của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết tăng cường hợp tác và hỗ trợ khu vực, mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại sân sau lâu nay của Washington.

CELAC, viết tắt của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (tiếng Tây Ban Nha: Comunidad de Estados Latinoamericanos y Caribeños), là một tổ chức khu vực tập hợp toàn bộ các quốc gia có chủ quyền tại châu Mỹ, ngoại trừ Hoa Kỳ và Canada. Với hơn 550 triệu dân và tổng diện tích vượt 20 triệu km², CELAC hiện là một trong những khối liên kết chính trị – kinh tế quan trọng nhất tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Sự phụ thuộc lâu nay của Mỹ Latinh vào Hoa Kỳ không còn là điều không thể thay đổi. Đó là thông điệp rõ ràng được phát đi từ cuộc họp giữa Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) với Trung Quốc, diễn ra tại Bắc Kinh vào thứ Ba vừa qua. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và đa phương ngày càng sâu sắc, tầm quan trọng của các đối tác đến từ những khu vực ngoài châu Mỹ đối với các nước CELAC – đặc biệt trong lĩnh vực thương mại – ngày càng gia tăng. Chính sách đối ngoại thiếu ưu tiên dành cho Mỹ Latinh dưới thời Tổng thống Donald Trump dường như đã góp phần thúc đẩy xu hướng này, mở đường cho những mối quan hệ mới, đặc biệt là với Trung Quốc.
Với Trung Quốc, cuộc họp lần này được xem là một thắng lợi ngoại giao. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ, Bắc Kinh tiếp tục khẳng định quyết tâm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, đặc biệt tại các khu vực đang phát triển. Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện cử chỉ hữu nghị với các nước Mỹ Latinh, khi đề xuất 33 quốc gia thành viên CELAC hợp tác chặt chẽ hơn nhằm đối phó với “tình hình bất ổn địa chính trị” và “những rào cản ngày càng gia tăng từ chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ”. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc cùng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe là “những thành viên quan trọng của Nam bán cầu”, đồng thời khẳng định: “Độc lập là truyền thống vẻ vang của chúng ta, phát triển và phục hồi là quyền tự nhiên của chúng ta, còn công bằng và chính nghĩa là khát vọng chung của chúng ta.”
Mười năm sau cuộc gặp đầu tiên giữa các ngoại trưởng tại Diễn đàn CELAC–Trung Quốc, hội nghị lần thứ tư diễn ra năm nay đã cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của cơ chế hợp tác này. Sự hiện diện trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho thấy rõ điều đó. Đáng chú ý, ba tổng thống cánh tả từ Nam Mỹ – Luiz Inácio Lula da Silva (Brazil), Gabriel Boric (Chile) và Gustavo Petro (Colombia) – cũng đã có mặt tại Bắc Kinh, cho thấy sự ủng hộ ngày càng rõ nét của khu vực Mỹ Latinh đối với vai trò đang lên của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Chủ tịch đương nhiệm của CELAC, Tổng thống Colombia Gustavo Petro, đã nhấn mạnh tính cấp thiết của hợp tác toàn cầu trong bài phát biểu tại hội nghị. Ông cảnh báo nhân loại đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: “hợp tác hoặc diệt vong”. Theo ông Petro, thế giới hiện nay đang bị chi phối bởi “sự phân mảnh, căng thẳng địa chính trị, chiến tranh, tàn phá môi trường và bất bình đẳng”. Trước thực trạng đó, ông kêu gọi CELAC cần đối thoại với tất cả các bên “theo chiều ngang, không phải chiều dọc”, và mạnh mẽ phản đối “chủ nghĩa độc đoán và chủ nghĩa đế quốc”.
Tổng thống Chile Gabriel Boric cũng bày tỏ kỳ vọng về một bước tiến mới trong quan hệ kinh tế giữa khu vực và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc then chốt trong hợp tác quốc tế: “phải duy trì sự tôn trọng lẫn nhau và công nhận những đặc điểm riêng biệt cũng như pháp quyền của mỗi quốc gia”.
Trong vài thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Mỹ Latinh, chỉ đứng sau Hoa Kỳ về sức mạnh kinh tế tại khu vực. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện là đối tác chiến lược của các nền kinh tế lớn như Brazil, Chile, Uruguay và Peru. Năm ngoái, tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, tăng gần 40 lần so với đầu thế kỷ 21. Bên cạnh đó, hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ và triển khai đã và đang được tiến hành, trong đó có nhiều công trình quy mô lớn. Tiêu biểu là việc Trung Quốc khai trương siêu cảng Chancay tại Peru năm ngoái, dự kiến sẽ trở thành đầu mối vận chuyển chính, giúp rút ngắn thời gian giao thương giữa Nam Mỹ và Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh vào thứ Ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết một hạn mức tín dụng mới khoảng 8,25 tỷ euro, tương đương gần một nửa so với mức cam kết trong lần hợp tác cách đây một thập kỷ. Ông cũng hứa sẽ tăng cường nhập khẩu từ khu vực Mỹ Latinh và thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ hơn tại đây. Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Laura Sarabia khẳng định: “Chúng ta phải giải quyết vấn đề đa dạng hóa thị trường. Hôm nay, từ Bắc Kinh, chúng tôi gửi đi thông điệp rõ ràng rằng chúng ta là những khu vực kết nghĩa.”
Đại diện CELAC đồng thời cảnh báo về nguy cơ thay thế sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ bằng một sự lệ thuộc mới vào Trung Quốc. Tổng thống Chile Gabriel Boric nhấn mạnh rằng với chính phủ của ông, chủ quyền đồng nghĩa với “quyền tự do quyết định chúng ta muốn giao dịch với ai và khi nào”. Ông khẳng định: “Chúng ta không muốn phải lựa chọn giữa cái này và cái kia.” Trong khi đó, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva nhấn mạnh rằng “số phận của Mỹ Latinh không phụ thuộc vào Chủ tịch Tập Cận Bình, không phụ thuộc vào Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu. Nó chỉ phụ thuộc vào việc chúng ta muốn lớn mạnh hay vẫn nhỏ bé.”
Brazil, cùng với Trung Quốc, là thành viên của nhóm BRICS và cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Mỹ Latinh. Năm ngoái, gần một nửa trong tổng số 240 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ các quốc gia CELAC đến từ nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này. Nhằm mở rộng quan hệ thương mại, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trị giá gần 5 tỷ USD, bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng hạt nhân và kỹ thuật, ngay bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-CELAC tại Bắc Kinh không chỉ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên, mà còn phản ánh xu hướng thay đổi cán cân quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu. Mỹ Latinh đang từng bước đa dạng hóa đối tác kinh tế và chính trị, khẳng định mong muốn phát triển độc lập và chủ quyền trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động. Với những cam kết mạnh mẽ từ Trung Quốc cùng tiếng nói cương quyết của các nhà lãnh đạo CELAC, khu vực này có thể sẽ trở thành điểm hội tụ mới trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh, đồng thời cũng là minh chứng cho nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng và lựa chọn đa chiều trên trường quốc tế.
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.jungewelt.de/artikel/500117.us-einfluss-schwindet-beijing-gewinnt-an-boden.html