Seatimes – (ĐNA). Ngày 15/5/2025, đài truyền hình tư nhân NTV có trụ sở tại Cologne, Tây Đức đã gây chấn động dư luận khi đăng tải thông tin về một vụ bê bối nghiêm trọng có thể xảy ra trong ngành chế tạo vũ khí. Theo bài viết, nhiều nhân viên thuộc cơ quan mua sắm của NATO đang bị điều tra với cáo buộc cung cấp thông tin mật cho các công ty vũ khí. Các cuộc đột kích và bắt giữ đã diễn ra đồng loạt tại một số quốc gia, làm dấy lên lo ngại về mức độ lan rộng của vụ việc.

Điều tra quốc tế nghi án tham nhũng trong hoạt động mua sắm vũ khí của NATO
Các công tố viên tại nhiều quốc gia châu Âu đang tiến hành điều tra nghi án tham nhũng liên quan đến hoạt động mua sắm vũ khí thông qua Cơ quan Hỗ trợ và Mua sắm NATO (NSPA), đặt trụ sở tại Luxembourg. Văn phòng công tố liên bang Bỉ xác nhận, cuộc điều tra tập trung vào nghi vấn một số nhân viên NSPA đã tuồn thông tin mật cho các công ty quốc phòng nhằm thao túng các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD.
Bên cạnh cáo buộc tiết lộ thông tin mật, giới chức Bỉ cho biết còn có dấu hiệu cho thấy các khoản tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp này đã được rửa thông qua việc lập các công ty tư vấn giả danh. Các hợp đồng bị nghi ngờ có liên quan bao gồm thỏa thuận cung cấp máy bay không người lái và đạn dược.
Trong khuôn khổ điều tra, hai nghi phạm đã bị bắt giữ hôm thứ Hai tại thành phố Bredene, vùng Tây Flanders. Một trong hai người đã bị ban hành lệnh tạm giam. NATO xác nhận đã có thêm các vụ bắt giữ tại một số quốc gia khác, nhưng không công bố chi tiết. Phát ngôn viên NATO khẳng định liên minh đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật để làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Theo NATO, cuộc điều tra bắt nguồn từ một đơn tố cáo nội bộ do chính NSPA khởi xướng.
Hiện chưa có thông tin chính thức về quy mô thiệt hại tài chính hay danh tính các công ty quốc phòng được hưởng lợi. Các cuộc điều tra đang được mở rộng sang Luxembourg, Tây Ban Nha và Hà Lan, với sự phối hợp từ Cơ quan Hợp tác Tư pháp Hình sự châu Âu (Eurojust). Các tội danh tiềm tàng bao gồm: tham gia tổ chức tội phạm, tham nhũng (chủ động và thụ động) và rửa tiền.
NSPA là cơ quan đóng vai trò trung tâm trong việc mua sắm vũ khí cho NATO, với tổng giá trị hợp đồng thường lên đến hàng tỷ USD. Gần đây nhất, NSPA công bố ký kết các thỏa thuận cung cấp đạn pháo trị giá khoảng 1,1 tỷ euro. Đức cũng là một trong những quốc gia tham gia thỏa thuận này. Trước đó, một hợp đồng mua 1.000 tên lửa phòng không Patriot với trị giá 5,5 tỷ USD cũng đã được thông qua.
Vụ việc đặt ra hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát nội bộ của các tổ chức quốc tế như NATO – nơi được kỳ vọng duy trì các tiêu chuẩn minh bạch và liêm chính ở mức cao nhất. Việc để lộ thông tin mật cho các nhà thầu quốc phòng không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của liên minh quân sự này, mà còn gây rủi ro nghiêm trọng cho an ninh khu vực, khi các lợi ích nhóm có thể bóp méo quá trình đấu thầu vũ khí – một lĩnh vực vốn đòi hỏi sự giám sát đặc biệt chặt chẽ.
Diễn biến điều tra ở nhiều quốc gia cho thấy đây có thể là một mạng lưới tham nhũng có tổ chức và mang tính xuyên quốc gia. Nếu các cáo buộc được xác thực, vụ việc không còn là những sai phạm cá nhân mà là biểu hiện của sự thông đồng giữa các lợi ích trong và ngoài tổ chức nhằm trục lợi từ ngân sách quốc phòng – điều có thể kéo theo nhiều hệ lụy về chính trị, ngoại giao và chiến lược an ninh.
NATO hiện đang đối mặt với một phép thử lớn: xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể liên quan, đồng thời khôi phục niềm tin từ các quốc gia thành viên cũng như công chúng quốc tế. Vụ việc này đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường giám sát độc lập, siết chặt quy trình mua sắm và đảm bảo tính minh bạch trong các hoạt động nội bộ. Chỉ khi được xử lý công khai, nghiêm túc và triệt để, NATO mới có thể vượt qua khủng hoảng này mà không làm suy giảm vai trò và vị thế trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp.
Hồ Ngọc Thắng/biên dịch từ nguồn: https://www.n-tv.de/politik/Moeglicher-Ruestungsskandal-Ermittlungen-gegen-Nato-Mitarbeiter-article25768537.html
Hồ Ngọc Thắng/biên dịch từ nguồn: https://www.n-tv.de/politik/Moeglicher-Ruestungsskandal-Ermittlungen-gegen-Nato-Mitarbeiter-article25768537.html