Seatimes – (ĐNA). Đó là tiêu đề của bài báo được đăng trên tờ Thế Giới Trẻ, có trụ sở tại thủ đô Berlin, vào ngày 12/5/2025. Trong bài viết, nhà báo Dieter Reinisch cho rằng tại Áo, chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít đã được tưởng niệm thông qua một số cuộc mít tinh diễn ra vào ngày thứ Năm và thứ Sáu.

Không giống như tại Berlin, lễ kỷ niệm ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng Áo ở Vienna đã diễn ra trong không khí yên bình, không xảy ra sự cố lớn nào. Vào tối ngày 9/5, hàng ngàn người đã tuần hành trên tuyến đường dẫn đến quảng trường Schwarzenbergplatz. Tại đây, một cuộc mít tinh lớn với các bài phát biểu và chương trình biểu diễn âm nhạc đã được tổ chức trước Đài tưởng niệm, nhằm tưởng nhớ và vinh danh những người lính Hồng quân đã hy sinh trong chiến dịch giải phóng Vienna vào ngày 13/4/1945. Sự kiện kéo dài đến tận đêm khuya mà hầu như không có hành vi phá rối nào. Cảnh sát Vienna đã phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức phía Nga để bảo đảm lễ kỷ niệm diễn ra suôn sẻ và trang nghiêm.
Lễ kỷ niệm được tổ chức bởi hai đại sứ quán của Liên bang Nga tại Áo. Do Vienna là nơi đặt trụ sở của Liên Hợp Quốc, nhiều quốc gia lớn có hai cơ quan đại diện ngoại giao tại đây. Vào ngày thứ Năm, Phái đoàn thường trực của Nga bên cạnh các tổ chức quốc tế đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm ngay tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Bài phát biểu khai mạc được trình bày bởi ông Mikhail Ulyanov, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế. Trong cuộc phỏng vấn sau đó với tờ Thế Giới Trẻ (Junge Welt), ông Ulyanov nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của ngày này: “Nga đã mất 27 triệu người trong cuộc chiến, trong đó có 18 triệu thường dân. Chủ nghĩa anh hùng ấy thật không thể nào quên”. Ông cũng chia sẻ về ý nghĩa cá nhân sâu sắc của ngày kỷ niệm: “Cha tôi đã tình nguyện gia nhập Hồng quân khi mới 17 tuổi và bị thương nặng ngay trong những ngày đầu ở mặt trận”. Ngoài ra, ông cho biết một người chú của mình từng tham gia chiến dịch giải phóng Praha và sau đó đã hy sinh vì vết thương khi còn ở Áo.
Vào thứ sáu, lễ kỷ niệm bắt đầu vào khoảng trưa với nghi lễ đặt vòng hoa của một số đại sứ quán tại Đài tưởng niệm Hồng quân ở Schwarzenbergplatz. Ngoài đại diện của Nga, các đoàn đại biểu từ Trung Quốc và các nước châu Á khác cũng đã đến đặt vòng hoa. Chỉ có một nhóm nhỏ khoảng hai chục người biểu tình mang theo cờ Ukraine và Chechnya xuất hiện. Họ đã cố gắng phá hoại buổi lễ tưởng niệm bằng loa phóng thanh lớn và nhạc techno, nhưng đã thất bại.
Buổi lễ kỷ niệm buổi tối tại Maria-Theresien-Platz được khai mạc bởi diễn giả Tibor Zenker, chủ tịch Đảng Lao động. Trong một cuộc phỏng vấn với jW, ông nhấn mạnh rằng 80 năm trước, “chủ nghĩa phát xít lịch sử, đặc biệt là chủ nghĩa phát xít Đức và Ý”, đã bị đánh bại: “Chủ nghĩa phát xít như một biểu hiện của giai cấp tư sản vẫn chưa bị đánh bại, vì nó có liên hệ trực tiếp với chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc”, Zenker nói. Hiện nay, ông nhận thấy mối nguy hiểm chính là chủ nghĩa phát xít có thể một lần nữa được sử dụng như một công cụ của giai cấp thống trị.
Sau đó, hàng ngàn người đã diễu hành qua trung tâm thành phố qua Vành đai đến Schwarzenbergplatz, mang theo dải ruy băng Thánh George, cờ Nga và Belarus, cùng nhiều lá cờ đỏ có hình búa liềm. Họ được Đại sứ Liên bang Nga, Dmitri Lyubinsky chào đón tại đó: “Hôm nay chúng ta kỷ niệm ngày Liên Xô giải phóng châu Âu, nhưng chúng ta đoàn kết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, cuộc chiến mà chúng ta cùng nhau tiếp tục cho đến ngày nay”, ông nói và nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên”. Ngoài người dân từ các quốc gia thành viên của Liên Xô, nhiều người Áo cũng tham gia lễ kỷ niệm. Đại diện chính thức của Áo đã không tham dự. Ở đây cũng có những cuộc phản đối nhỏ của khoảng 30 người mang theo cờ Ukraine và biểu tượng Bandera.
Tại lễ kỷ niệm thường niên ngày giải phóng trại tập trung Mauthausen, Nga tiếp tục bị loại khỏi danh sách tham dự năm thứ tư liên tiếp. Sự kiện năm nay, diễn ra vào Chủ Nhật, thu hút hơn 20.000 người tham gia, bao gồm một số người sống sót và cặp đôi hoàng gia Tây Ban Nha, dù hiệp hội nạn nhân đã kêu gọi họ không góp mặt do mối liên hệ lịch sử giữa chế độ độc tài Franco và hoàng gia Tây Ban Nha. Trong khi đó, Nga đã tổ chức lễ tưởng niệm riêng vào ngày hôm trước. Một số hậu duệ của tù nhân Liên Xô từng bị giam tại đây cũng đã đến viếng, trong đó có cháu trai của Dmitri Karbyshev, người bị sát hại tại trại Mauthausen vào tháng 2 năm 1945.
Hồ Ngọc Thắng/chuyển ngữ