Seatimes – (ĐNA). Không chỉ nổi danh bởi những di sản kiến trúc và cảnh quan thơ mộng, Huế còn được biết đến như cái nôi của nền ẩm thực truyền thống Việt Nam, nơi giao thoa tinh hoa của ba dòng ẩm thực: cung đình, dân gian và chay thực. Mỗi món ăn nơi đây không chỉ là hương vị mà còn là kết tinh của văn hóa, lịch sử và nghệ thuật sống tinh tế. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, kho báu ẩm thực ấy vẫn chưa được khai thác xứng tầm để trở thành thế mạnh chủ lực cho du lịch và dịch vụ Huế. Nguyên nhân là gì? Và Huế đang làm gì để thay đổi thực trạng này?

Ẩm thực Huế: một kho báu văn hóa sống
Trong bản đồ ẩm thực Việt, Huế luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Ẩm thực cung đình Huế là đỉnh cao của sự cầu kỳ và tinh xảo, nơi hội tụ các tinh hoa nấu nướng phục vụ hoàng gia xưa với tiêu chí “mỹ vị thiên hạ”. Hàng trăm “phẩm vị cung đình” được ghi chép đầy đủ trong các công trình sử liệu của triều Nguyễn như Châu bản, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ…cùng hàng chục công trình nghiên cứu về ẩm thực Huế từ xưa đến nay cho thấy đây là một nền ẩm thực đặc biệt với các món ăn thức uống vừa mang giá trị khoa học và dinh dưỡng cao, vừa thể hiện nghệ thuật tạo hình, trang trí tinh tế.
Ẩm thực dân gian Huế lại gần gũi, bình dị nhưng không kém phần hấp dẫn: bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bún bò, cơm hến, bánh canh…cùng hàng trăm món chè, cháo đều mang dấu ấn địa phương rất rõ, từ nguyên liệu đến khẩu vị. Đặc biệt, ẩm thực chay Huế, vốn phát triển gắn liền với truyền thống Phật giáo lâu đời, lại khiến bao người trầm trồ bởi độ phong phú, hài hòa, thanh đạm mà vẫn ngon miệng và đầy sáng tạo.
Chính sự giao thoa giữa tinh hoa hoàng cung và nét bình dị của dân gian, giữa tâm linh và đời sống thường nhật, đã tạo nên một bản sắc ẩm thực Huế vừa sâu sắc vừa quyến rũ.

Vì sao ẩm thực Huế chưa bứt phá thành thế mạnh du lịch?
Dù có nền tảng vững chắc và giá trị đặc biệt như vậy, nhưng ẩm thực Huế vẫn chưa thực sự trở thành một ngành kinh tế ẩm thực mạnh, hay một “sản phẩm du lịch chiến lược” đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Có nhiều nguyên nhân sâu xa và mang tính hệ thống:
Thứ nhất, thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp và bài bản. Cơ sở hạ tầng, không gian trải nghiệm ẩm thực tại Huế còn hạn chế, chưa có các chuỗi nhà hàng hoặc khu ẩm thực cao cấp mang tính đặc trưng. Nhiều nhà hàng mang danh “ẩm thực cung đình” nhưng cách làm còn hời hợt, thiếu chiều sâu văn hóa.
Thứ hai, thương hiệu ẩm thực Huế chưa rõ nét. Huế có hàng trăm món ăn ngon, nhưng không có một biểu tượng đại diện đủ mạnh. Điều này khiến ẩm thực Huế “phủ rộng mà không sâu”, chưa tạo điểm nhấn trên thị trường du lịch quốc tế như phở hay bánh mì.
Thứ ba, chưa phát huy được vai trò đặc biệt của các nghệ nhân ẩm thực – những người lưu giữ kỹ thuật, hương vị, triết lý và văn hóa ẩm thực truyền thống Huế. Đây vốn là nguồn lực quý báu có thể trở thành “thương hiệu sống” cho du lịch Huế, nhưng lại chưa được khai thác đúng mức. Nhiều nghệ nhân gắn bó cả đời với bếp núc truyền thống vẫn hoạt động lặng lẽ trong không gian gia đình hoặc nhà hàng nhỏ, chưa có cơ chế tôn vinh, kết nối hay hỗ trợ hiệu quả từ các tổ chức du lịch và quản lý văn hóa.
Thứ tư, sự kết nối giữa văn hóa – ẩm thực – du lịch còn yếu. Ẩm thực vẫn chưa được lồng ghép hiệu quả vào các chương trình tour, lễ hội, hay các chuỗi trải nghiệm du lịch văn hóa, dẫn đến việc thiếu kịch bản giới thiệu bài bản cho du khách.
Thứ năm, thiếu doanh nghiệp dẫn dắt. Hầu hết các cơ sở kinh doanh ẩm thực ở Huế quy mô nhỏ, vận hành theo hình thức hộ cá thể, thiếu năng lực cạnh tranh, thiếu vốn, thiếu chiến lược marketing, chưa có ai thực sự đóng vai trò “đầu tàu” để nâng tầm ẩm thực Huế.
Thứ sáu, quảng bá và truyền thông còn yếu. Những câu chuyện về món ăn Huế, về nghệ nhân, về giá trị ẩm thực chưa được kể đúng cách, đủ hấp dẫn và chưa được đưa lên các nền tảng truyền thông hiện đại để lan tỏa rộng rãi.
Để khắc phục tình trạng này, cần một chiến lược tổng thể và bài bản nhằm xây dựng thương hiệu ẩm thực Huế mang tầm quốc tế. Trước hết, cần xác định các “đại diện thương hiệu” – những món ăn tiêu biểu, có khả năng thích ứng và phổ biến rộng rãi. Sau đó là đầu tư vào việc chuẩn hóa quy trình, đào tạo đầu bếp, xây dựng câu chuyện thương hiệu giàu bản sắc và triển khai các chiến dịch truyền thông hướng đến các thị trường mục tiêu. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đầu bếp Huế tham gia vào các sự kiện quốc tế, xây dựng các chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Huế ở các đô thị lớn trong và ngoài nước. Việc hình thành các mô hình “phố ẩm thực Huế”, “trung tâm trải nghiệm ẩm thực Huế” kết hợp du lịch – văn hóa cũng là hướng đi cần được khuyến khích.

Huế nỗ lực thay đổi: Hành trình định danh “Kinh đô ẩm thực”
Nhận rõ tiềm năng và cả những rào cản tồn tại, những năm gần đây, Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khẳng định thương hiệu “Huế – Kinh đô ẩm thực”.
Sở Du lịch, Sở Văn hóa & Thể thao và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực Huế, các tuần lễ quảng bá ẩm thực chay, tổ chức liên hoan ẩm thực ba miền, phục dựng không gian ẩm thực cung đình xưa, đồng thời hỗ trợ các nghệ nhân ẩm thực truyền thống tham gia các hội chợ, sự kiện văn hóa trong và ngoài nước.
Nhiều doanh nghiệp trẻ và đầu bếp Huế hiện đại cũng đang tìm cách sáng tạo lại các món ăn truyền thống theo hướng mới mẻ hơn, hợp khẩu vị và thẩm mỹ hiện đại – một hướng đi quan trọng để giữ hồn xưa nhưng vẫn bắt nhịp thời đại.
Cùng với đó, Huế đang tích cực số hóa dữ liệu ẩm thực, xây dựng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện (video, website, mạng xã hội) để tiếp cận du khách trẻ trong và ngoài nước.

Những tín hiệu tích cực
Những nỗ lực ấy bước đầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Ẩm thực Huế ngày càng được chú ý nhiều hơn trong các tour du lịch; các nhà hàng ẩm thực chay Huế được xếp hạng cao trên các nền tảng du lịch như TripAdvisor. Một số món ăn Huế cũng đã có mặt trong danh sách những món ngon châu Á do các tạp chí ẩm thực quốc tế bình chọn.
Năm 2025, với vai trò là Thành phố trực thuộc Trung ương và là địa phương đăng cai Năm Du lịch Quốc gia, Huế có thêm cơ hội vàng để đẩy mạnh truyền thông và định vị lại thương hiệu ẩm thực trong chiến lược phát triển du lịch bền vững, sáng tạo và mang bản sắc văn hóa.
Huế có quyền tự hào với kho tàng ẩm thực tinh hoa mà hiếm nơi nào sánh kịp, một di sản sống động kết tinh từ lịch sử, văn hóa và tâm hồn xứ sở. Thế nhưng, để niềm tự hào ấy trở thành động lực thực sự cho phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ, Huế không thể chỉ dừng lại ở lời ca ngợi. Hành trình phía trước đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp, nghệ nhân và cộng đồng, những người cùng nhau thắp lửa và giữ lửa cho “kinh đô ẩm thực”. Danh xưng ấy không chỉ là một mỹ từ, mà là giấc mơ hoàn toàn có thể thành hiện thực, nếu Huế biết phát huy tiềm năng đúng lúc, đúng cách và vươn lên đúng tầm. Khi đó, ẩm thực Huế sẽ không chỉ là niềm tự hào, mà còn là sức mạnh đưa vùng đất cố đô tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới.

Hương Bình