Seatimes – (ĐNA). Sáng 30/4/2025, giữa những tia nắng đầu hè rực rỡ, thành phố Hồ Chí Minh khoác lên mình tấm áo lộng lẫy nhất trong suốt nửa thế kỷ qua. Hàng triệu người dân và du khách từ khắp mọi miền đổ về trung tâm thành phố giữa một rừng cờ hoa rực rỡ, ngập tràn niềm tự hào, để cùng chứng kiến, hòa mình vào khoảnh khắc thiêng liêng: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông liền một dải.

Từ những tuyến đường rợp sắc cờ hoa, đến khu vực lễ đài tại đường Lê Duẩn – nơi diễn ra lễ diễu binh, diễu hành trọng thể, bầu không khí mang đậm tính thiêng liêng và tự hào. Sau những bài ca, bản nhạc hào hùng hực hực khí thế “Cả nước trọn niềm vui”, đúng 7 giờ sáng, đại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính thức bắt đầu. Đại bác rền vang, đoàn quân bước đều, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió sớm – như một khúc ca nối dài từ quá khứ oanh liệt đến hiện tại rạng ngời.

Trong sự kiện trọng đại ấy, không chỉ có lực lượng vũ trang và các khối quần chúng thành phố diễu binh diễu hành trong khí thế hào hùng, mà còn có sự góp mặt đầy ấn tượng của các đoàn nghệ thuật từ nhiều vùng miền đất nước. Ngoài các đoàn nghệ thuật gồm các nghệ sỹ, nghệ nhân nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp tham gia vào đoàn diễu hành, các đoàn nghệ thuật của các tỉnh, thành đều có mặt trên các khán đài, hay dọc các tuyến phố với màu sắc riêng. Mỗi đoàn là một đại diện văn hóa, một lời chào trang trọng gửi đến thành phố mang tên Bác, biểu tượng bất khuất và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.

Nổi bật trong dòng chảy cảm xúc ấy là Đoàn nghệ thuật Nhà hát Ca kịch Huế, thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế. Tối 30/4, tại sân khấu đường hoa Nguyễn Huệ, đoàn đã mang đến một chương trình nghệ thuật đặc biệt, đậm đà bản sắc cố đô nhưng vẫn hòa chung trong giai điệu tự hào “Non sông liền một dải”. Những tiết mục được dàn dựng công phu, kết hợp âm hưởng ca Huế sâu lắng với hình thức trình diễn hiện đại như “Nón Bài thơ- Tà áo dài xứ Huế”, Thương em điệu lý Mười thương”, “Thần kinh non nước hữu tình”, “Thương màu mắt Huế”, “Lý chiều chiều”, “Lý ngựa ô”…, đã khiến khán giả vỡ òa trong xúc động.

Điểm nhấn đặc biệt là hình ảnh những nghệ sĩ trong tà áo dài truyền thống, áo nhật bình, áo ngũ thân nhiều sắc màu, uyển chuyển giữa không gian lung linh ánh sáng, như dẫn dắt người xem đi qua dòng chảy lịch sử – từ cung đình xưa đến hiện thực hòa bình hôm nay. Tất cả hòa quyện trong đại cảnh sân khấu rực rỡ, càng trở nên huy hoàng khi ánh pháo hoa bừng sáng trên bầu trời thành phố từ phía sông Sài Gòn, nơi có bến Nhà Rồng vẫn ghi dấu chân Bác Hồ năm xưa, trước khi bước chân lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế chia sẻ với phóng viên Tạp chí Đông Nam Á: “Việc Nhà hát Ca kịch Huế được mời tham gia chương trình nghệ thuật tối 30/4 là niềm tự hào lớn của Huế. Chúng tôi muốn mang đến thành phố Hồ Chí Minh không chỉ âm nhạc, mà còn là hồn cốt văn hóa xứ kinh kỳ, nơi từng in dấu biết bao trang sử đấu tranh vì độc lập, thống nhất đất nước. Huế là nơi Bác Hồ và gia đình từng gắn bó suốt hơn 10 năm khi Người còn ở tuổi thiếu thời.”

Không khí lễ hội còn lan tỏa suốt chiều và tối với các hoạt động văn hóa đặc sắc. Những màn trình diễn của đoàn nghệ thuật xứ Tây Đô- thành phố Cần Thơ, Những bài hát hiện đại đầy sức sống của các đoàn nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh…, đã cùng đoàn nghệ thuật xứ Huế tạo nên một “bản giao hưởng đoàn kết” sống động và ấm áp.

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, chương trình nghệ thuật “50 năm một dải hòa ca” quy tụ hơn 500 nghệ sĩ, kết hợp giao hưởng, múa đương đại và hình ảnh tư liệu lịch sử, khiến hàng nghìn khán giả rơi nước mắt. “Tôi sinh năm 1975, đúng ngày giải phóng. Hôm nay, tôi như sống lại trong ký ức của mẹ cha. Cảm ơn thành phố đã cho tôi một buổi tối quá đỗi thiêng liêng”, chị Ngọc Hương, một khán giả trung niên xúc động nói.

Kết thúc ngày đại lễ, bầu trời thành phố Hồ Chí Minh bừng sáng bởi 30 điểm bắn pháo hoa rực rỡ, trong tiếng reo vui của người dân. Nhưng có lẽ, ánh sáng đẹp nhất đêm ấy chính là những giọt nước mắt hạnh phúc, những cái nắm tay thật chặt giữa các thế hệ, những người từng đi qua chiến tranh và những người đang sống trong hòa bình.
Ngày 30/4/2025 không chỉ là một dấu mốc vàng son, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ rằng, Việt Nam đã đi qua đau thương để đến với ánh sáng, đã hàn gắn chia cắt để nối liền trái tim và đã vươn mình từ quá khứ để kiến tạo tương lai…

Minh Anh