Seatimes – (ĐNA). Mùa hè năm nay, du lịch Quảng Ninh sẽ trở nên sôi động, nhộn nhịp khi đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng. Du lịch biển, đảo luôn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Để sẵn sàng đón khách, các địa phương, đơn vị đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, từ hạ tầng du lịch đến chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.

Cuối tháng 3/2025, Quảng Ninh chính thức khai trương các hành trình tham quan, du lịch Vịnh Bái Tử Long. Mỗi hành trình đều mang đến những trải nghiệm khác biệt, từ thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ đến tìm hiểu đời sống văn hóa của ngư dân địa phương. Du khách không chỉ được tham quan, nghỉ dưỡng tại các địa danh đã nổi tiếng như: đảo Quan Lạn, Minh Châu mà còn được tìm hiểu, khám phá những điểm đến mới hấp dẫn như: Đảo Phất Cờ nơi có động Phất Cờ – hang động lớn nhất nhì của Vịnh Bái Tử Long, du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền kayak, khám phá thăm trang trại nổi nuôi trồng rong sụn trên mặt biển hoặc thư giãn tại bãi tắm hoang sơ, xinh đẹp trên đảo… Ngay sau lễ công bố khai trương các hành trình du lịch Vịnh Bái Tử Long, tại Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên đã có tàu du lịch phục vụ khách tham quan Vịnh Bái Tử Long hàng ngày. Đặc biệt, hiện tỉnh Quảng Ninh chưa thu phí tham quan các tuyến điểm trên Vịnh Bái Tử Long, du khách chỉ phải trả vé tàu và phí dịch vụ qua cảng. Đến dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới đây, các tàu tham quan du lịch mới sẽ được bổ sung để đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng cao điểm của du khách.
Cùng với việc phát triển tuyến tham quan Vịnh Bái Tử Long, tỉnh cũng sẽ đổi mới các tuyến tham quan Vịnh Hạ Long. Cụ thể, tại cuộc họp đầu tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh đã kết luận: “Trong năm nay, tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm mở thông tuyến du lịch từ Vịnh Lan Hạ sang Vịnh Hạ Long, đi trên hành trình tuyến 3 và tuyến 4, nơi tập trung rất nhiều điểm du lịch, khu vực cảnh quan hoang sơ, nhiều bãi cát đẹp, tùng áng, nhiều điểm có tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp… Từ đó tận dụng tối đa tài nguyên của di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam, góp phần thu hút thêm khoảng 500.000 lượt khách đến Vịnh Hạ Long, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.”
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ sớm mở tour du lịch tàu nhà hàng, đi từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đến khu vực cột 8; phát triển các tour du lịch ven Vịnh Hạ Long. Đồng thời, chỉnh trang cải tạo cảnh quan khu vực trên bờ và dưới biển của tuyến tham quan ven bờ này, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để gia tăng trải nghiệm cho du khách. Song song với đó, phát triển các sản phẩm thể thao như: chèo thuyền kayak theo các quy định của pháp luật hiện hành. Các tàu hoạt động trên vịnh cần sắp xếp, điều chỉnh quy định về tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, khuyến khích các chủ tàu có tàu sắp hết hạn đầu tư đóng các con tàu mới sang trọng, đẳng cấp hơn, có quy mô đón khách lớn hơn.
Cùng với việc đưa vào hoạt động các tour tuyến trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, các địa phương cũng tích cực xây dựng, hoàn thiện các tuyến tham quan biển đảo để phục vụ nhu cầu của du khách. Tại Cô Tô, huyện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án phát triển tour tham quan các đảo trên địa bàn huyện. Dự kiến, huyện sẽ đưa vào hoạt động các tuyến đảo có tiềm năng như: Tuyến 1: Cảng Cô Tô – Hòn Cá Chép – Hòn Sư Tử – Cô Tô Con; Tuyến 2: Cảng Cô Tô – Hòn Cá Chép – Hòn Sư Tử – Cô Tô Con – Thanh Lân; Tuyến 3: Cảng khu 1 – Hòn Cá Chép – Hòn Sư Tử – Cô Tô Con; Tuyến 4: Cảng khu 1 – Đảo Đông Nam – Hòn Cá Chép – Hòn Sư Tử; Tuyến 5: Cảng Thanh Lân – Hòn Cá Chép – Hòn Sư Tử – Cô Tô Con; Tuyến 6: Cảng Cô Tô – Hòn Cá Chép – Cô Tô Con – Đảo Trần.
Hiện, địa phương đang lựa chọn các bến cảng đủ điều kiện hoạt động; thành lập các Tổ tự quản để quản lý, khai thác, vận hành tổ chức hoạt động tham quan được trật tự và quy củ. Đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, biện pháp xử lý, thu gom rác thải; đảm bảo ANTT và quản lý chặt chẽ các phương tiện hoạt động, yêu cầu các cơ sở kinh doanh và phương tiện chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Qua đó, tạo khung pháp lý cho hoạt động khai thác tour tham quan các đảo theo hướng bền vững, an toàn, có kiểm soát. Đảm bảo an toàn, chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững, nâng tầm thương hiệu du lịch Cô Tô. Đồng thời, thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh phát triển du lịch.
Trong nhiều năm nay, du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh luôn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, nhất là vào dịp hè. Để sẵn sàng đón khách, các địa phương, đơn vị đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, từ hạ tầng du lịch đến chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Như tại Bến cảng quốc tế Ao Tiên, năm 2025 ước tính lưu lượng hành khách cho mùa hè đạt 400.000-450.000 lượt khách, chủ yếu các tuyến đi Cô Tô, Minh Châu, Quan Lạn.

Theo ông Tạ Đức Quyền, Giám đốc Điều hành Bến cảng quốc tế Ao Tiên: “Đón đầu mùa du lịch cao điểm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đón tiếp khách bài bản, thường xuyên kiểm tra, bảo trì và nâng cấp các thiết bị tại cảng như: Cầu tàu, hệ thống đón trả khách, hệ thống an ninh, hệ thống bán vé, kiểm soát vé… để đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu và hành khách được an toàn. Bên cạnh đó, cải thiện các dịch vụ tiện ích cho hành khách, tăng cường dịch vụ khách hàng, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, xử lý các tình huống và hướng dẫn khách hàng. Cùng với đó, để đón lượng khách tăng cao, chúng tôi cũng lên kế hoạch dự phòng, ứng dụng công nghệ trong quản lý và gia tăng trải nghiệm cho du khách.”
Cùng với việc nâng cao hạ tầng các cảng bến, các cơ sở lưu trú cũng được đầu tư đồng bộ để gia tăng trải nghiệm cho du khách. Hiện, hạ tầng lưu trú, du lịch tại huyện Vân Đồn ngày càng được hiện đại hóa với những dự án, tổ hợp quy mô lớn, đa tiện ích, đa trải nghiệm (All in One). Tiêu biểu, tại khu vực Bãi Dài – một trong những bãi biển đẹp nổi tiếng của Vân Đồn, khu tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Sonasea Vân Đồn Harbor City do Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư đã hoàn thiện nhiều phân khu và công trình quan trọng như Khu phố thương mại Singapore Shoptel, khu nghỉ dưỡng 5 sao mang thương hiệu quốc tế đầu tiên tại khu vực: Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn, một phần bãi biển Sonasea Long Beach… Huyện Vân Đồn đang tái khởi động dự án Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn tại xã Vạn Yên, tổng vốn đầu tư khoảng 50.365 tỷ đồng; phối hợp sớm khánh thành đưa vào sử dụng dự án Khu du lịch Hòn Rồng; Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn giai đoạn 1 của Tập đoàn Everland; khu khách sạn Phương Đông 350 phòng…
Các cơ sở lưu trú du lịch biển đảo trên địa bàn tỉnh cũng đã được đầu tư đa dạng hơn, đáp ứng xu hướng mới. Khu du lịch nghỉ dưỡng Ðầu Rồng, huyện Hải Hà là một trong những sản phẩm du lịch nổi bật, được du khách yêu thích trong dịp hè. Ðây là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại đảo Cái Chiên, đi vào hoạt động từ năm 2023 với 42 căn bungalow chất lượng cao là thành quả từ sự nỗ lực thu hút đầu tư của huyện Hải Hà, tạo động lực thúc đẩy du lịch xã đảo phát triển bứt phá.
Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, các địa phương, đơn vị cũng hướng đến nâng cao trải nghiệm cho du khách, đưa vào các sản phẩm phục vụ riêng cho dòng khách chi trả cao, khách hạng sang. Trong đó, nhiều đơn vị đã đầu tư các du thuyền cá nhân phát triển các dịch vụ trải nghiệm cao cấp trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.
Sơn Nguyễn