Seatimes – (ĐNA). Ngày 19/2/2025, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, tuyên bố cuộc đàm phán Nga – Mỹ ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia là “khúc dạo đầu” cho nỗ lực đầy hứa hẹn nhằm khôi phục quan hệ song phương cũng như giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nhận định cuộc đàm phán tại Riyadh là “bước tiến rất, rất quan trọng”, hướng tới việc đạt được giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gặp nhau trực tiếp sớm nhất trong tháng này và các nhà ngoại giao hai bên sẽ bắt đầu làm việc theo thỏa thuận đạt được tại Riyadh.
Trong cuộc hội đàm kéo dài 4,5 giờ đồng hồ tại Riyadh ngày 18/2, các quan chức Mỹ và Nga đã thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, không có quan chức Ukraine hay châu Âu nào được mời tham dự cuộc họp này. Cả châu Âu và Kyiv đều tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có sự tham và đồng ý từ trước của họ.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tiến hành cuộc họp tiếp theo sau cuộc họp khẩn ngày 17/2 tại thủ đô Paris (Pháp) để bàn về cách thức can dự vào tiến trình đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, cuộc họp lần này sẽ được mở rộng cho cả các nước bên ngoài châu Âu tham gia, nhưng hiện chưa biết cụ thể là nước nào.

EU: Nga là bên chiến thắng trong cuộc đàm phán với Mỹ
Theo RT, quan chức ngoại giao hàng đầu của EU cho rằng các cuộc đàm phán ở Riyadh, Ả rập Xê út cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Moscow và cho rằng Nga mới là bên chiến thắng.
Moscow đã trở thành bên chiến thắng trong cuộc gặp gần đây giữa Mỹ và Nga tại Ả rập Xê út khi nắm quyền định hướng các cuộc đàm phán, Trưởng đại diện chính sách đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas, nhận định.
Các cuộc đàm phán cấp cao tại Riyadh vào ngày 18/2, tập trung vào việc khôi phục quan hệ và giải quyết xung đột Ukraine, đã khiến EU thất vọng. Các quốc gia thành viên không đồng tình với việc Washington đã gạt EU và Kiev ra ngoài trong quá trình thương lượng.
“Tất nhiên, người Mỹ có thể gặp bất kỳ ai họ muốn”, phát biểu với Euractiv, bà Kallas được hỏi về việc châu Âu bị loại khỏi các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào liên quan đến Ukraine muốn có hiệu quả thì phải có sự tham gia của châu Âu và Ukraine.
“Nếu bạn nhìn vào hình ảnh từ Ả rập Xê út, rõ ràng người Nga là bên thắng cuộc. Họ đang ở thế mọi người đều đến với chúng tôi và đưa ra những thứ chúng tôi mong muốn. Đừng để mắc bẫy của Nga”, bà Kallas cảnh báo.
Cuộc họp tại Riyadh diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó hai nhà lãnh đạo đồng ý bắt đầu đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã tuyên bố rằng Washington sẽ không triển khai binh sĩ Mỹ để đảm bảo an ninh cho Kiev. Động thái này đã thúc đẩy một cuộc họp khẩn cấp của các đồng minh NATO châu Âu tại Pháp vào ngày 17/2 nhằm thống nhất lập trường chung của EU, nhưng không đạt được kết quả cụ thể nào.
Khi được hỏi châu Âu có thể làm gì nếu ông Trump tiếp tục không đưa EU vào bàn đàm phán, bà Kallas trả lời: “Nếu một thỏa thuận được thông qua mà chúng tôi không đồng ý, thì nó sẽ thất bại, vì nó sẽ không thể thực thi”.
Bà cũng đề cập đến những thông điệp mâu thuẫn từ phía Mỹ, thậm chí từ cùng một cá nhân trong các cuộc họp khác nhau. “Việc hiểu được những điều chưa thống nhất này vẫn là một thách thức”, bà Kallas nói, nhấn mạnh rằng châu Âu phải thích nghi với cách tiếp cận của chính quyền mới.
“Hiện tại, chúng ta cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ Ukraine, bởi họ càng mạnh trên chiến trường thì càng có lợi thế trên bàn đàm phán”, bà nhấn mạnh.

Vào ngày 19/2, Politico dẫn lời các nhà ngoại giao EU cho biết khối này đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự trị giá ít nhất 6,2 tỷ USD cho Ukraine. Gói này dự kiến bao gồm 1,5 triệu quả đạn pháo và hệ thống phòng không, một trong những cam kết viện trợ quân sự lớn nhất của EU kể từ khi xung đột leo thang vào năm 2022.
Truyền thông phương Tây cũng đưa tin rằng EU đã đồng ý về gói trừng phạt thứ 16 đối với Nga. Các biện pháp này vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng các ngoại trưởng EU dự kiến sẽ phê duyệt vào tuần tới.
Moscow đã cảnh báo rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ kéo dài xung đột mà không thay đổi được kết quả cuối cùng, đồng thời làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cho rằng EU có thể góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách ngừng hỗ trợ quân sự và hậu cần cho Kiev.
Thế Nguyễn