Aeatimes – (ĐNA). Thị xã Sa Pa, Lào Cai là một địa danh trải nghiệm nổi tiếng nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam. Với độ cao 1600 mét so với mực nước biển, Thị xã Sa Pa có khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ với những nét văn hóa bản địa đặc sắc. Với Sa Pa, bất cứ khoảng thời gian nào trong năm, chúng ta cũng có thể được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, con người, cũng như đời sống của bà con vùng cao.
Những ngày đầu xuân Ất Tỵ, Thời tiết tại Thị xã Sa Pa rất chiều lòng người, trời trong xanh, tạnh ráo, hửng nắng, rất phù hợp cho các hoạt động du xuân, nghỉ dưỡng. Từ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán, rất đông du khách thập phương trong và ngoài tỉnh lựa chọn Thị xã Sa Pa là điểm đến tham quan, trải nghiệm trong dịp đầu năm mới.
Trong mắt du khách quốc tế, Sa Pa được biết đến với hình ảnh của một thành phố cổ kính ngập tràn sương mờ bởi những cung đường đi bộ qua ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ.
Theo tư liệu, Thị xã Sa Pa xưa vốn gọi là Hùng Hồ, nghĩa là Suối Đỏ. Thực dân Pháp đánh Lào Cai vào tháng 3/1886 và chiếm Sa Pa vào tháng 11. Sau khi chiếm được Hùng Hồ, cảm nhận được khí hậu tuyệt vời của mảnh đất này, Pháp tập trung xây dựng và biến nơi đây thành khu nghỉ mát lý tưởng dành cho du lịch trong những tháng hè nóng nực.
Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.
Chị Trần Thị Thanh Thuỷ, du khách đến từ Hà Tĩnh chia sẻ, “Gia đình chúng tôi lựa chọn đến Sa Pa du xuân để chinh phục đỉnh Fansipan hùng vĩ và khám phá những nét văn hoá bản địa tại nơi đây. Mặc dù Sa Pa vào dịp tết Ất Tỵ này rất đông nhưng chúng tôi cũng có những trải nghiệm rất thú vị thú vị”.
Chìm trong làn mây bồng bềnh của Thị xã Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng. Nằm ở độ cao trung bình 1500-1800m, nên khí hậu Sa Pa ít nhiều lại mang sắc thái của xứ ôn đới bởi nhiệt độ trung bình 15-18°C. Từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều.
Đến với Sa Pa mùa này, du khách sẽ có cơ may được ngắm tuyết rơi đẹp như châu Âu trong sương mù, tạo nên phong cảnh tuyệt mỹ như tranh thủy mặc.
“Thời tiết Sa Pa năm nay rất đẹp, phù hợp với những khám phá dành cho du khách, bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng được nâng cấp đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên, lượng khách quá đông khiến việc di chuyển trở nên khó khăn”, Anh Đặng Văn Hạnh, du khách đến từ Kỳ Anh, Hà Tĩnh chia sẻ.
Sa Pa mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm bởi mây núi, sương mù tạo nên khung cảnh đẹp tới nao lòng mà ít nơi nào ở Việt Nam có được. Sự biến hóa kỳ ảo của thiên nhiên, khí hậu ở Sa Pa hòa cùng bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của đồng bào vùng cao Tây Bắc đã đủ sức mê hoặc lòng người.
Fansipan là một trong những điều thú vị ấy, cách Thị xã Sa Pa khoảng 9 km về phía Tây Nam, nằm nơi giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Người dân tộc nơi đây gọi Fansipan là “Hủa Xi Pan” và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh.
Nếu du khách đi Fansipan vào mùa xuân, mùa hạ, chúng ta sẽ có cơ hội ngắm nhìn những cánh rừng hoa đỗ quyên nở đỏ rực. Mùa thu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng thửa ruộng bậc thang chín vàng. Nếu đến đây vào mùa đông, chúng ta sẽ có cơ hội thưởng thức hơi lạnh của băng tuyết.
Chưa dừng lại ở đó, ngay sát Thị xã Sa Pa, du khách có thể đi bộ lên Núi Hàm Rồng. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, chúng ta được ngắm toàn cảnh Sapa, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Ngay trung tâm Thị xã Sa Pa là nhà thờ Đá được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến Sa Pa mù sương.
Có thể nói, du lịch Sa Pa đã bùng nổ ngay từ những ngày đầu năm 2025, bởi từ trước đó, địa phương đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ nhu cầu vui Xuân, đón Tết của người dân cũng như thu hút du khách. Ngoài ra, thời gian nghỉ Tết dài cùng với thời tiết thuận lợi cũng là lợi thế để thu hút du khách.
Tăng Anh Thành