Seatimes – (ĐNA). Chiều ngày 16/1/2025, đã diễn ra hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam”. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ , ông Nguyễn Hòa Bình; đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã đồng chủ trì hội nghị.
“Kỳ vọng mong muốn Việt Nam có được 2 Trung tâm tài chính (TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) là tầm nhìn trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành một phần, ngày càng quan trọng của kinh tế thế giới. Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Trung tâm tài chính cính là một trong những quyết định mang tầm chiến lược trong phát triển kinh tế đất nước.
Tại sao chọn Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, các diễn giả, chuyên gia quốc tế đều đồng tình về sự lựa chọn này. Cả 2 thành phố cũng đều đưa ra được thế mạnh của mình. 2 thành phố cũng hội tụ đầy đủ yếu tố hiện tại, tiềm năng tương lai để thực hiện một Trung tâm tài chính quốc tế, và khu vực.”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Việt Nam, chuẩn bị cho kỷ nguyên mới của đất nước
Tham dự có khoảng 400 – 450 đại biểu đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương ; Văn phòng Quốc hội và đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội (Tài chính, Ngân sách, Kinh tế và Tư pháp); Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo UBND 5 thành phố trực thuộc TƯ, các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đại diện lãnh đạo các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán một số nước tại Việt Nam, cùng nhiều cơ quan đại diện ngoại giao trên địa bàn Đà Nẵng; Các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước ; Chuyên gia đến từ các tổ chức và định chế tài chính, công ty dịch vụ tài chính, ngân hàng; đại diện lãnh đạo một số cơ quan TƯ trên địa bàn; đại diện các cơ quan truyền thông …
“Phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Đà Nẵng đồng tổ chức hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam”, nhằm giới thiệu chủ trương, định hướng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, trong đó có Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi mong muốn được lắng nghe và ghi nhận nhiều ý kiến từ các cơ quan quản lý nhà nước; các nhà đầu tư chiến lược; các tổ chức, định chế tài chính; các quỹ đầu tư; các công ty tư vấn, cơ sở đào tạo cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các cơ chế chính sách đặc thù để Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sớm hình thành và phát triển.
Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 47-TB/TW (về việc) xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Đây là thách thức lớn, lĩnh vực mới mẻ, nhưng là chiến lược đột phá trong phát triển kinh tế, tài chính, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Để quán triệt và đảm bảo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Bộ Chính trị tại kết luận số 47-TB/TW, trong thời gian ngắn, Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện kết luận số 47-TB/TW và Quyêt định số 1718/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành Quyết định số 13111-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng do Bí thư Thành uỷ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, xây dựng Chương trình làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, ban hành Kế hoạch thực hiện để bảo đảm sự thống nhất, đạt kết quả cao trong quá trình triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo hôm nay, ngoài báo cáo đề dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm rõ các tiềm năng và điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, trong đó có Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng; hội thảo sẽ nghe các bài học kinh nghiệm quý báu rút ra trong quá trình xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính trên thế giới, các ý tưởng, khuyến nghị để Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sớm hình thành và phát triển.
Đây là hội thảo có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển đột phá, lâu dài của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến”. ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Đà Nẵng đã hình thành những nền tảng ban đầu của Trung tâm tài chính Đà Nẵng
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, ông Hồ Kỳ Minh, để hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi phải bảo đảm hạ tầng và nhân lực được đầu tư thỏa đáng và có sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế, chính sách.
Phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính, thành phố Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất 6,17ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích. Bố trí khu đất 9,7ha để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính nằm liền kề Khu Công viên phần mềm số 2, một khu vực trọng điểm thu hút các công ty công nghệ tiên tiến với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin chất lượng cao.
Trong dài hạn, theo nhu cầu phát triển Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất mới mở rộng thêm 62 ha để hình thành một tổ hợp đầy đủ về quy mô và không gian phát triển, gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư phát triển hạ tầng Trung tâm tài chính và thu hút các nhà đầu tư khác vào hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Đà Nẵng dự kiến cũng sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống cung cấp năng lượng và các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh.
Đối với nguồn nhân lực, thành phố sẽ tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, quản trị tài chính số và các chuyên ngành liên quan để phục vụ nhu cầu nhân lực tại chỗ trong hoạt động và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng; liên kết, hợp tác với các trung tâm đào tạo quốc tế để cử các cán bộ của thành phố Đà Nẵng đến học tập kinh nghiệm, thực tập tại các trung tâm tài chính quốc tế lớn trên thế giới. Đà Nẵng cũng sẽ đề xuất TƯ có chính sách vượt trội, liên quan đến thu hút nhân lực chất lượng cao trên thế giới đến sinh sống và làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Trung Đông, Thuỵ Sĩ rất quan tâm đến việc phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị – kinh tế quan trọng trong hành lang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của thành phố Đà Nẵng, tạo nên sự kết hợp khác biệt giữa các dịch vụ tài chính truyền thống và công nghệ tiên tiến hàng đầu, thúc đẩy giao lưu, hợp tác và đầu mối giao thương của tất cả các bên trong chuỗi giá trị toàn cầu đang dịch chuyển.
Đây là định hướng phù hợp với thực tiễn phát triển và thời cơ mới từ việc hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Khu thương mại tự do Đà Nẵng, phát huy được các điều kiện, lợi thế của thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, đáp ứng sự quan tâm của các tổ chức, quỹ đầu tư, nhà đầu tư, kinh doanh thương mại quốc tế đặt ra khi nghiên cứu đầu tư vào thành phố Đà Nẵng, mở ra triển vọng đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư – thương mại – tài chính – công nghệ của quốc gia, khu vực.
Về mô hình chung, Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng đề xuất phát triển hệ sinh thái đa thành phần, tập trung theo 3 nhóm dịch vụ:
Cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh, trong đó có các dịch vụ tài chính gắn liền với sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Thực hiện các dịch vụ Fintech và TechFin như cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain…đồng thời cung cấp không gian ươm tạo cho các startup, các công ty Fintech tìm kiếm sự tăng trưởng, đổi mới và quốc tế hoá.
Đây là định hướng phát triển cộng hưởng với các nền tảng mà Đà Nẵng đang xây dựng để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các cơ chế, chính sách đặc thù mà Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội đã cho phép, nhất là trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Và thứ ba, là các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, casino, cho thuê, định giá bất động sản và các tài sản liên quan để tạo hệ sinh thái đa dạng, phát triển Đà Nẵng theo định hướng trung tâm tài chính và giải trí thế giới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đỗ Thành Trung cũng cho rằng Đà Nẵng cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống…; cũng như tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại Trung tâm tài chính của các địa phương. Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng không chỉ là biểu tượng của sự thịnh vượng của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh “Chúng ta biết rõ điểm yếu, điểm mạnh trong khi lựa chọn, quyết tâm xây dựng Trung tâm tài chính ở hai thành phố này. Điểm yếu rất lớn là chúng ta bắt đầu những bước chập chững, không có kinh nghiệm về Trung tâm tài chính.
Dù biết là khó nhưng vẫn phải đi, không đi thì không thể đến, dù quá trình có thể có những vấp váp này khác. Tôi tin rằng với sự hỗ trợ của chuyên gia, cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ chắc chắn vượt qua.
Con đường làm giàu kiến thức ngắn nhất là đi học các chuyên gia, các trung tâm lớn.
Thuận lợi lớn là chúng ta có một đất nước ổn định, một cuộc sống thanh bình, an toàn với những người dân cần cù, luôn luôn mong muốn sáng tạo, hết sức thân thiện với mọi người. Từ lãnh đạo cao nhất đến địa phương, đều có quyết tâm khát vọng là phải xây dựng hai trung tâm thành thành công.
Phó Thủ tướng thường trực, ông Nguyễn Hòa Bình nêu rõ 5 việc cần làm sắp đến, bám sát chương trình hành động và kế hoạch mà Chính phủ đã đặt ra. Thứ nhất, pháp luật và cơ chế chính sách ưu đãi, hạ tầng pháp lý. Trung tâm tài chính muốn vận hành tốt thì phải có hạ tầng pháp lý tốt. Việt Nam cam kết hạ tầng pháp luật (đang nghiên cứu) sẽ thông thoáng, cởi mở, minh bạch, đáng tin cậy và đạt đẳng cấp quốc tế. Một số chính sách khi điều kiện cho phép có thể làm ngay.
Thứ hai, về nhân lực, các chuyên gia khuyến cáo phải có hiền tài, phải có chuyên gia. Chúng ta hiện tại chưa có chuyên gia quản trị, vận hành, xử lý rủi ro, giải quyết tranh chấp liên quan Trung tâm tài chính. Tôi yêu cầu 2 thành phố chuẩn bị đội hình chuyên gia, đưa chuyên gia đến thực tập tại các Trung tâm tài chính, đảm bảo đội ngũ này có thể vận hành ngay được Trung tâm tài chính. Nếu có những bản án đầu tiên tại Trung tâm tài chính trên lãnh thổ mình, Thẩm phán – Trọng tài kinh tế Việt Nam có thể xử được không ? có đủ năng lực để giải quyết không ?
Thứ ba, chuẩn bị về hạ tầng, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, môi trường sống, môi trường làm việc và hạ tầng còn là một hệ sinh thái kinh tế, làm hậu thuẫn cho Trung tâm tài chính, như trung tâm thương mại, bảo hiểm,… Hai thành phố phải chuẩn bị, tiếp tục nghiên cứu, hạ tầng nào thiếu phải bổ sung. Nhân sự về Trung tâm tài chính là nhân tài, mà nhân tài chỉ sống ở nơi đáng sống. Nên môi trường sống phải rất hấp dẫn.
Thứ tư, chúng ta phải lựa chọn hướng đi đúng, hướng đi độc đáo, đặc thù của Việt Nam và các giải pháp liên quan. Nếu chúng ta làm như Hồng Kông thì họ sang Hồng Kông sẽ yên tâm hơn. Cho nên cần lựa chọn hướng đi hấp dẫn, như: xanh, blockchain, Fintech, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ,… như gợi ý của các chuyên gia.
Cuối cùng cần kết nối thu hút truyền thông lan tỏa. Hai của 2 thành phố phải tăng cường kết nối với các Trung tâm tài chính khác,kết nối các chuyên gia, lan tỏa thông tin về Trung tâm tài chính của Việt Nam. Việc này cần phải có chiến lược cùng với sự đồng hành của các chuyên gia, các nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các tham luận, các phát biểu gợi mở của các diễn giả. Ông khẳng định “rất đáng nghe, đáng nghiên cứu, hấp dẫn”, đến mức, “tôi cảm tưởng như đang học một khóa bồi dưỡng về Trung tâm tài chính”. Những gợi mở này rất giá trị. Các diễn giả quốc tế đều đồng tình về sự lựa chọn này Tại sao chọn Đà Nẵng và TP HCM.. Hai thành phố cũng đã đưa ra thế mạnh của mình. Có thể nói, 2 thành phố hội tụ đầy đủ yếu tố hiện tại, tiềm năng tương lai để thực hiện TTTC quốc tế, khu vực. Điều rất vui là có nhiều cam kết rất nhiệt huyết, khẳng định tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên con đường còn nhiều khó khăn này.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định “Việt Nam sẽ luôn chủ động, và chuyên nghiệp. Nhưng cũng rất cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia. Và trong tương lai gần sẽ có “đạo luật đủ hấp dẫn, đáng tin cậy, một hạ tầng đẳng cấp, môi trường sống hấp dẫn, cơ chế chính sách thông thoáng để 2 Trung tâm tài chính nhanh chóng trở thành hiện thực”./.
Trần Ngọc