Seatimes – (ĐNA). Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 11.700 doanh nghiệp tư nhân. Riêng năm 2024, có 2.070 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đầu tư của kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, bình quân tăng trên 10%/năm, tỷ trọng của kinh tế tư nhân chiếm khoảng 70% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Quảng Ninh luôn xác định kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân đã được Quảng Ninh tập trung hoàn thiện. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU triển khai thực hiện nghị quyết. Theo đó, các địa phương, sở, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, quán triệt, tuyên truyền đầy đủ nội dung nghị quyết và chương trình hành động của tỉnh tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lãnh đạo các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Nhằm thúc đẩy phát triển, tỉnh không ngừng nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”; Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 13-NQ/TU về “Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo đến năm 2030”. HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 13 nghị quyết để thúc đẩy phát triển KTTN. Trong đó có: Nghị quyết 148/2018/NQ-HĐND về hỗ trợ doanh nghiệp tới năm 2020; Nghị quyết 155/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, nguồn vốn, đất đai, mở rộng thị trường…
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản về cơ chế, chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, nhập khẩu và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn từ năm 2021- 2023, tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực cho khu vực tư nhân.
Để khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức. Trực tiếp thông qua các hội nghị do tỉnh, các bộ, ngành trung ương tổ chức để quảng bá hình ảnh, giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh, định hướng thu hút đầu tư, các cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh. Chú trọng tổ chức các đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại, du lịch, ngoại giao tại nước ngoài; tăng cường xây dựng mối quan hệ thường xuyên với các tổ chức quốc tế… Đồng thời, thành lập các tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh; tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án động lực của tỉnh để giải quyết nhanh chóng những thủ tục đầu tư, kinh doanh, đất đai, giải phóng mặt bằng…
Quảng Ninh cũng đã kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nội lực, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đầu tư công. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, vượt qua các thách thức, quản trị tốt rủi ro, trở thành địa phương duy nhất nhiều năm liền dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô lớn (trên 11.700 doanh nghiệp). Riêng năm 2024, có 2.070 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 87,7% cùng kỳ, bằng 103,5% so với kế hoạch được giao. Đầu tư của kinh tế tư nhân không ngừng tăng, bình quân tăng trên 10%/năm, tỷ trọng của kinh tế tư nhân chiếm khoảng 70% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, khu vực tư nhân góp phần rất quan trọng không chỉ về kinh tế, mà cả về xã hội. Đó là giải quyết lao động, việc làm, đảm bảo an sinh, công tác nhân đạo, từ thiện. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực KTTN ngày càng mạnh mẽ, trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Nguyễn Sơn