Seatimes – (ĐNA). Trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung, lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) nói riêng, kể từ ngày thành lập 22/12/1944, đã có rất nhiều rất nhiều ca khúc hay ca ngợi “Người lính Cụ Hồ”. Dù lịch sử đã trải qua chặng đường 80 năm chiến đấu và trưởng thành nhưng rất nhiều trong số những ca khúc ấy vẫn còn lắng dọng trong tâm trí và cảm nhận của đông đảo người dân Việt Nam.
Với những cảm tình đặc biệt pha lẫn lòng tự hào về những sỹ QĐND, “đi dân nhớ ở dân thương”, trong bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử hào hùng của đất nước từ hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đến giai đoạn xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Giai đoạn nào cũng có những ca khúc để đời, tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán thính giả, khẳng định và làm sáng lên bản chất tốt đẹp của người lính cách mang, để lại trong lòng dân từ em thiếu nhi đến các cụ phụ lão những tình cảm trìu mến, sự trân quý mà không phải đội quân của quốc gia nào cũng có được.
Khởi đầu cho những ca khúc cách mạng về người lính từ những năm tháng còn non trẻ đến những ngày đâuv kháng Pháp qua những ca khúc như: “Du kích ca” (Đỗ Nhuận); “Chiến sỹ Việt Nam”, “Du kích sông Thao” (Văn Cao); “Đoàn Vệ quốc quân” ( Phan Huỳnh Điểu); “Vì nhân dân quên mình” (Doãn Quang Khải); “Du kích Long Phú” (Quốc Hương)…qua những giai điệu, tiết tấu ngắn gọn, đầy quyết tâm chiến đấu.
Những năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ đã xuất hiện những ca khúc “đi cùng năm tháng” thể hiện sự lạc quan, niềm tin vào thắng lợi khi nhẹ nhàng, trìu mến, yêu thương như “Bộ đội về làng” (Nhạc Lê Yên, phổ thơ Hoàng Trung Thông) lúc mạnh mẽ quyết tâm như “Tiểu đoàn 307” (Nguyễn Hữu Trí); “Lá xanh” (Hoàng Việt)… Đặc biệt trong những năm cuộc của “Cuộc kháng chiến 9 năm” có những ca khúc nổi tiếng gắn liên với giai đoạn lịch sử đáng nhớ- chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như” “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân 1954) và chùm ca khúc “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ” của Đỗ Nhuận…
Sau năm 1954, giai đoạn chiến tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam xây dựng CNXH và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, có thể nói là nở rộ các ca khúc hay về “Anh bộ đội cụ Hồ” mà trong bài viết này không thể nêu hết được. Trong số những ca khúc giai đoạn này, “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho có thể được xem là ca khúc mở đầu giai đoạn lịch sử mới của đất nước, của QĐND Việt Nam trong chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Rất nhiều ca khúc hay đã ra đời từ cảm hứng sáng tác sâu sắc, chân thực, tự hào của các nhạc sỹ cả trong và ngoài quân đội, khắc họa đậm nét hình ảnh anh Bộ đội cụ Hồ, anh dũng, gần gũi, luôn được nhân dân tin yêu. Tiêu biểu là các ca khúc: “Anh vẫn hành quân (Huy Du), “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục); “Mỗi bước ta đi” (Thuận Yến); “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối); “Giải phóng quân ta ra đi” (Triều Dâng); “ Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” (Hoàng Vân); Ta ra trận hôm nay (Văn An); “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” (Thanh Phúc)…Trong giai đoạn này cũng không thể quên được những ca khúc có thể nói đã trở thành “quân đội ca”, khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sỹ QĐNDVN như: “ Người chiến sỹ ấy” (Hoàng Vân); “Dáng đứng Việt Nam” (Nhạc Nguyễn Chí Vũ, thơ Lê Anh Xuân)…. Ngoài ra, còn những ca khúc ca ngợi những chiến sỹ cụ thể như “Thái Văn A đứng đó” (sáng tác của Văn An, ca ngợi Anh hùng lực lượng vũ trang Thái Văn A), “Cùng anh tiến quân trên đường dài” (Nhạc Huy Du, lời Xuân Sách, ca người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân”…
Bên cạnh đó, còn có những ca khúc “chuyên đề” về quân binh chủng cũng rất hay như ca ngợi không quân nhân dân Việt Nam có “Phi đội ta xuất kích” (Tường Vy- binh chủng Không quân); “Tên lửa về bên sông Đà” (Hoàng Tạo – binh chủng Tên lửa); “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (Doãn Nho- Binh chủng Thiết giáp); “Nơi đảo xa” (Thế Song- Hải quân); Đêm trên Chalo (Phạm Tuyên-Bộ đội biên phòng); “Anh quân bưu vui tính”, “Tôi là Lê Anh nuôi” (Đàm Thanh-Binh chủng Thông tin và Hậu cần)…
Cùng với những ca khúc mạnh mẽ, đầy khí thế của người lính còn có những ca khúc với âm điệu nhẹ nhàng sâu lắng, tình cảm nhưng cũng “rất lính” như “Nhịp cầu nối những bờ vui”; “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” (Hoàng Hiệp- Phạm Tiến Duật)…
Sau ngày đất nước thông nhất, cả nước bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có những ca khúc về người lính để lại nhiều ấn tượng trong lòng người nghe. Giai đoạn chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam có những ca khúc như “Chiến đấu vì độc lập tư do” (Phạm Tuyên); “ Những đôi mắt mang hình viên đạn” (Trần Tiến); “Lời tạm biệt lúc lên đường” (Vũ Trọng Hối); “Bài ca người lính” (Diệp Minh Tuyền); “Cây đàn ghi ta của đại đội 3” (Xuân Hồng); “Trái tim người chiến sỹ” (Trần Viết Được) và những ca khúc về tình yêu người lính, cũng rất hay như “Mùa xuân bên cửa số” (Xuân Hồng); “Ngày mai anh lên đường” (Thanh Trúc); “Chút thư tình của người lính biển” (nhạc Hoàng Hiệp, phổ thơ Trần Đăng Khoa), “Gửi em ở cuối sông Hồng (Thuận Yến- Dương Soái)…
Trong các ca khúc về người lính không thể không nhắc đến rất nhiều ca khúc thiếu nhi viết về “Chú bộ đội”, những người mà các em luôn trân quý và yêu thương. Các ca khúc có thể kể đến như “Em yêu chú bộ đội”; “Màu áo chú bộ đội” (Nguyễn Văn Tý); “Chú bộ đội” (Hoàng Hà); “Cháu thương chú bộ đội” (Hoàng Văn Yến)…
Quả thật, đã có một “kho tàng đồ sộ” những ca khúc viết về người chiến sỹ QĐND Việt Nam anh hùng mà trong đó có rất nhiều ca khúc hay đi cùng năm tháng và lắng đọng mãi với thời gian. Với tầm hiểu biết còn hạn chế của mình, người viết chưa thể nêu hết được những ca khúc về đề tại QĐND, chỉ vì tình yêu quý “Anh Bộ đội Cụ Hồ” cùng một chút may mắn là được sống qua 2 thế kỷ nên có đôi điều cảm nhận từ góc độ cá nhân của mình về chủ đề này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024)./.
Dân Hùng/Nguyên Trưởng phòng Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng UBND TPĐN.