Seatimes – (ĐNA). Bích Đầm là hòn đảo mang nhiều tiềm năng tự nhiên, văn hóa xã hội để có thể phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Đảo cũng đã nhận được sự quan tâm, đầu tư và đặc hưởng các chính sách phát triển của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc xác định một mô hình, chiến lược kinh doanh nói chung cũng như mô hình Marketing thương hiệu phù hợp để phát triển du lịch tại đảo còn cần nhiều căn nhắc.
Trong bối cảnh các hoạt động du lịch sinh thái noi chung, cũng như du lịch biển đảo nói riêng đang để lại những hậu quả khó khắc phục về môi trường và xã hội, tiếp cận Marketing có trách nhiệm có thể là một hướng đi khả thi, bền vững cho Bích Đầm. Bài biết xác định vấn đề, tổng quan một số vấn đề lý thuyết và đề xuất một số giải pháp triển khai du lịch cộng đồng cho Bích Đầm theo hướng bền vững với tiếp cận Marketing có trách nhiệm.
Bích Đầm một hòn đảo thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Đảo Bích Đầm. Với vị trí địa lý và cảnh quan đặc sắc, Hòn đảo là một thắng cảnh thiên nhiên với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là hình thức du lịch cộng đồng. Với lợi thế nằm trong vịnh Nha Trang, Đảo Bích Đầm có đặc tính là một khu vực kín gió, cảnh quan đẹp, và môi trường sạch sẽ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch. Không những vậy, với đặc thù dân cư và xã hội của một hòn đảo, với sự biệt lập đã tạo nên cho Đảo Bích Đầm một cộng đồng dân cư thân thiện, và là một khu vực có an ninh tốt, giúp du khách yên tâm khi tham quan và nghỉ ngơi. Những yếu tố này kết hợp tạo nên nền tảng vững chắc cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại đảo Bích Đầm, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn môi trường và văn hóa địa phương.
Về cảnh quan, Bích Đầm có bãi cát rộng, thích hợp cho hoạt động cắm trại qua đêm, cùng với nghề gia công mỹ nghệ từ vỏ sò, ốc, có thể tạo ra sản phẩm quà lưu niệm độc đáo, làm đa dạng thêm trải nghiệm du lịch của du khách đối với hòn đảo này. Đến với Bích Đầm, du khách còn có thể đến các địa điểm tham quan như đình Bích Đầm, chùa Bích Sơn, và ngọn hải đăng Hòn Lớn (một trong năm ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam) là những điểm thu hút khách du lịch.
Trong những năm gần đây Bích Đầm nhận được sự quan tâm và hồ trợ lớn từ chính quyền địa phương, với kỳ vọng thúc đẩy kinh tế du lịch cho Đảo cùng với định hướng phát triển du lịch cộng đồng dựa vào tiềm năng và lợi thế của Đảo. Việc điều chỉnh phân vùng chức năng vịnh Nha Trang đã tạo điều kiện để phát triển sinh kế bền vững cho người dân, hỗ trợ bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên một cách hợp lý. Đầu tư vào mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, giúp tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho họ chính là mong muốn của người dân sinh sống trên hòn đảo này.
Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác tài nguyên biển cũng như khai thác các loại hình du lịch biển đảo cũng đã thể hiện nhiều điều đáng quan ngại cho môi trường, kinh tế và xã hội. Sự quá tải du khách trên những hòn đảo nhỏ với sơ sở hạ tầng hạn chế có thể gây nên ô nhiễm, tàn phá một cách nhanh chong các hệ sinh thái nhạy cảm như rạn san hô, bãi biển. Mặt khác, để đáp ứng cho một lượng du khách tăng lên đột biến nhờ vào các hoạt động Marketing du lịch, các cơ sở hạ tầng như cảng, đường, khách sạn hay nhà hàng… có thể được đầu tư một cách chóng vánh. Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch không hợp lý có thể dẫn đến ô nhiễm, phá vỡ cân bằng sinh thái.
Không những vậy, Sự phát triển nhanh chóng của du lịch có thể cạnh tranh với các hoạt động kinh tế truyền thống của cộng đồng như đánh bắt thủy sản, nông nghiệp của người dân đang sinh sống trên đảo. Dù rằng, việc khai thác du lịch theo định hướng cộng đồng có thể tạo ra sinh kế mới cho người dân, gắn chặt hoạt động du lịch vào đời sống người dân, nhưng sự chuyển dịch và thích nghi vẫn cần một thời gian dài để có thể hiện thực. Người dân phải chuyển đổi mô hình kinh tế, phát triển các năng lực liên quan đến dịch vụ du lịch… là điều không thể xẩy ra trong một thời gian ngắn.
Những vấn đề kinh tế xã hội lớn hơn như việc người dân địa phương có nguy cơ bị mất quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên biển khi các nhà đầu tư du lịch thâu tóm các tài nguyên du lịch quan trọng; ích chủ yếu chỉ tập trung vào các nhà đầu tư lớn, trong khi người dân địa phương không được hưởng lợi nhiều; Sự thâm nhập của văn hóa ngoại lai có thể làm mai một bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống, khiến các hòn đảo du lịch mất đi bản chất, bản sắc riêng, vốn là tài nguyên phát triển du lịch văn hóa hay du lịch cộng đồng; mang theo các tệ nạn xã hội, bất ổn xã hội vốn dĩ của các loại hình giải trí du lịch. Những vẫn đề mang tính kinh nghiệm đã được đúc kết từ quá trinh phát triển và khai thác các loại hình du lịch biển đảo khiến cho việc vây dựng chiến lược quảng bá, xây dựng thương hiệu và khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng tại Đảo Bích Đầm cần phải thực hiện một cách cẩn trọng và có trách nhiệm hơn.
Cơ sở lý thuyết
Marketing được coi là một lực lượng góp phần vào nhiều vấn đề xã hội và môi trường mà thế giới đang phải đối mặt. Điều này không ít vì marketing đã trở thành một phương tiện chủ yếu để tăng cường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, với những tác động sâu sắc đến các kết quả xã hội, kinh tế và môi trường (ví dụ: gia tăng bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, gia tăng lượng rác thải). Từ năm 1969, bản chất nghịch lý của marketing đã được Kotler và Levy (1969) chỉ ra, khi họ gợi ý rằng marketing có thể vừa gây hại vừa có lợi. Chúng tôi tin rằng marketing và các đặc điểm của nó, nếu được định hướng lại, có thể trở thành một lực lượng tích cực và hữu ích cho hành tinh và xã hội rộng lớn hơn.
Marketing Truyền Thống
Marketing là một mô tả toàn diện về các hoạt động, tổ chức và quy trình cung cấp giá trị cho khách hàng, đối tác và xã hội nói chung. Thuật ngữ “hoạt động” đề cập đến mọi việc mà các nhà marketing thực hiện để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nó bao gồm một nhóm các công ty và tổ chức tìm cách đạt được các mục tiêu marketing cụ thể thông qua một loạt các bước và quy trình, chẳng hạn như xác định thị trường mục tiêu và chọn các chiến lược phù hợp. Thuật ngữ “giá trị” đại diện cho những lợi ích mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại cho khách hàng, đối tác và xã hội nói chung. Trong những năm qua, marketing đã phát triển và mở rộng để bao gồm các lĩnh vực marketing mới như marketing dịch vụ, marketing quan hệ, marketing mạng và nhiều lĩnh vực khác và đặc biệt là Marketing du lịch. Do đó, định nghĩa về marketing cần phản ánh những thay đổi đã xảy ra như một hiện tượng và nên phát triển để liên kết với chiến lược thay vì tập trung vào các hoạt động hàng ngày.
Marketing nên được chuyển đổi từ một công cụ đơn thuần để giới thiệu và quảng bá sản phẩm và dịch vụ, cũng như tạo ra lợi nhuận, thành một đối tác chiến lược đóng vai trò cơ bản trong việc đạt được các mục tiêu và tầm nhìn của toàn bộ tổ chức (Grönroos, 2006). Marketing cũng liên quan đến việc một công ty xác định chính xác nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng trong các thị trường mục tiêu bằng cách đáp ứng tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh.
Các đặc điểm cơ bản của marketing
Hiểu biết về khách hàng và nhu cầu; phân biệt sản phẩm và phát triển các thông điệp thuyết phục, rất quan trọng trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu. Ví dụ, giá trị (theo nghĩa rộng nhất, cho xã hội và môi trường) mà một sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại cho khách hàng có thể được thể hiện một cách phù hợp hơn.
Giao tiếp hiệu quả, điều thiết yếu để truyền tải những thông điệp về giá trị rộng lớn hơn và thúc đẩy hành động, là rất quan trọng để tạo ra sự thay đổi hành vi có lợi cho xã hội.
• Có thể định vị và phân biệt sản phẩm và dịch vụ của một công ty để khuyến khích và tạo điều kiện cho những lựa chọn tiêu dùng “tốt hơn” dựa trên các thuộc tính có trách nhiệm hoặc có ý thức xã hội.
Marketing có thể gia tăng tiêu thụ, thì cũng có thể giảm hoặc xem xét lại tiêu thụ (tiêu thụ tuần hoàn) và tạo ra giá trị rộng hơn, đặc biệt là thông qua việc thúc đẩy các mô hình tiêu thụ bền vững và tuần hoàn hơn, như đã được khuyến nghị trong (Tiêu thụ và Sản xuất Bền vững)
Marketing Có Trách Nhiệm
Khái niệm Marketing Có Trách Nhiệm
Với sự gia tăng của các hình thức quảng cáo và marketing quá mức, không chân thực, độ tin cậy của marketing và hành vi của các nhà marketing đang bị thách thức. Do đó, điều thiết yếu là phải tuân theo các thực hành marketing tốt và loại bỏ những tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm. Cụ thể, chiến lược marketing phải có trách nhiệm, chân thực và thật sự phù hợp với các giá trị, mục đích và hành động của tổ chức, thay vì chỉ là một chiêu trò marketing nông cạn, hướng đến những lợi ích ngắn hạn, trước mắt.
Các khái niệm về marketing và tính bền vững không hoàn toàn mới. Chúng đã phát triển qua nhiều thập kỷ để trở thành những yếu tố quan trọng trong chiến lược, khả năng cạnh tranh và đổi mới. Đây là cách mà thuật ngữ “marketing bền vững” xuất hiện trong thế giới kinh doanh. Từ đầu thế kỷ 20, và đặc biệt trong sáu mươi năm qua, marketing đã phát triển từ việc tập trung vào sản phẩm và tăng doanh số (Marketing 1.0) sang tập trung vào người tiêu dùng (Marketing 2.0). Hiện nay, một phương pháp mới (Marketing 3.0) đã xuất hiện, được đặc trưng bởi các giá trị. Các cá nhân không còn được coi đơn giản là một phân khúc mục tiêu tiêu dùng dựa trên các yếu tố nhân khẩu học, mà là những đối tác với các cách suy nghĩ, trí tuệ, và các giá trị tinh thần và đạo đức cụ thể (Seretny & Seretny , 2012).
Marketing đã trở thành một ngành công nghiệp độc lập, xem xét các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, khi mà các cá nhân hiện nay ngày càng nhận thức rõ hơn về các khía cạnh đạo đức. Người tiêu dùng cũng luôn được thông tin về những vẫn đề gian lận, lừa dối… các vấn đề tiêu cực của doanh nghiệp và sản phẩm qua nhiều kênh truyền thông khác nhau. Tất cả điều này yêu cầu các tổ chức và doanh nghiệp, bất kể tính chất hay định hướng của họ, bất kể lĩnh vực hay loại hình kinh doanh, phải cam kết hoàn toàn với tính minh bạch, thông báo và làm mọi điều trong năng lực để hướng đến việc để bảo vệ cho khách hàng hoặc người tiêu dùng, đặc biệt là bảo vệ lợi ích công cộng. Đây chính là khởi nguồn của việc hình thành nên marketing trách nhiệm.
Sự gia tăng của marketing có trách nhiệm là kết quả của việc tích hợp marketing với các nguyên tắc trách nhiệm xã hội, dẫn đến sự xuất hiện của một số khái niệm mới được gọi là marketing xã hội, marketing có trách nhiệm hoặc marketing bền vững. Mặc dù có nhiều thuật ngữ và khái niệm, nhưng tất cả đều chia sẻ một mục tiêu chung là marketing phục vụ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong khi vẫn mang lại lợi ích cho xã hội nói chung.
Thuật ngữ marketing xã hội lần đầu tiên được giới thiệu trong một nghiên cứu của (Kotler & Zaltman, 1971), trong đó ý tưởng cơ bản của marketing này là sử dụng các khái niệm và phương pháp marketing truyền thống để đạt được các mục tiêu xã hội và thay đổi hành vi của cá nhân và xã hội theo hướng tích cực. Theo (Andreasen, 1994), marketing xã hội được định nghĩa là việc điều chỉnh các kỹ thuật marketing thương mại cho các chương trình nhằm ảnh hưởng tự nguyện đến hành vi của đối tượng mục tiêu để cải thiện phúc lợi cá nhân của họ và phúc lợi của cộng đồng mà họ thuộc về.
Để được thực hiện đúng cách, marketing có trách nhiệm nên được tích hợp vào chiến lược của tổ chức. Cách tiếp cận có trách nhiệm không nên là một gánh nặng hoặc chi phí bổ sung cho tổ chức. Do đó, việc áp dụng marketing có trách nhiệm nên được thực hiện một cách có lợi, dựa trên một mô hình kinh doanh kết hợp các yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường, dẫn đến việc tạo ra giá trị chung có lợi cho cả người tiêu dùng và tổ chức. Vì vậy, marketing có trách nhiệm là marketing đạt được sự cân bằng giữa các mục tiêu lợi nhuận của tổ chức và vai trò của nó trong xã hội bằng cách tích hợp các khía cạnh xã hội và môi trường vào các chiến lược của mình và nhúng các ý tưởng bền vững vào tất cả các hoạt động của mình. Marketing có trách nhiệm trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của tổ chức, phản ánh cam kết của doanh nghiệp trong việc đạt được phát triển bền vững và sự tham gia tích cực vào xã hội (Bandyopadhyay & Ray, 2018).
Đặc điểm của marketing có trách nhiệm
Trách nhiệm Marketing là khái niệm chỉ sự cam kết của các doanh nghiệp và nhà tiếp thị trong việc thực hiện các hoạt động marketing một cách đạo đức và có trách nhiệm với xã hội. Điều này bao gồm việc:
Đạo đức: Tôn trọng các nguyên tắc đạo đức trong việc quảng bá sản phẩm và dịch vụ, tránh sử dụng các chiến thuật lừa dối hoặc gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Trách nhiệm xã hội: Đảm bảo rằng các chiến dịch marketing không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn hướng đến lợi ích cộng đồng và môi trường, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững.
Minh bạch: Cung cấp thông tin rõ ràng và chính xác về sản phẩm, dịch vụ, và các tác động của chúng để người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định sáng suốt.
Đối thoại với các bên liên quan: Lắng nghe và phản hồi ý kiến từ khách hàng, nhân viên, và cộng đồng để điều chỉnh chiến lược marketing cho phù hợp với mong đợi và nhu cầu của họ.
Tuân thủ pháp luật: Đảm bảo rằng tất cả các hoạt động marketing đều tuân thủ các quy định pháp luật và tiêu chuẩn ngành.
Triển khai Marketing có trách nhiệm cho du lịch cộng động tại Đảo Bích Đầm
Marketing Có Trách Nhiệm xem xét góc độ rộng hơn của các bên liên quan trong các phương pháp marketing và nhằm mục tiêu vượt ra ngoài việc tạo ra lợi nhuận như là chức năng chính. Một công ty áp dụng phương pháp Marketing Có Trách Nhiệm sẽ đặt ra các câu hỏi sau:
Sản phẩm hoặc dịch vụ của chúng tôi mang lại điều gì tốt đẹp cho xã hội hoặc môi trường?
Các phương pháp marketing của chúng tôi có thể gây hại cho nhà cung cấp hoặc các bên liên quan khác không?
Các chiến lược quảng bá của chúng tôi có đạo đức và minh bạch không?
Làm thế nào marketing có thể tạo ra giá trị bằng cách tưởng tượng lại các thách thức xã hội (như nghèo đói, hành động vì khí hậu và bình đẳng giới) như là cơ hội marketing?
Và làm thế nào để có thể tạo ra lợi nhuận một cách đạo đức trong khi giải quyết những thách thức xã hội?”
Tiếp cận theo các khía cạnh của Marketing có trách nhiệm, các doanh nghiệp du lịch cần chuyển hòa các hoạt động Marketing truyền thống theo các thành phần mới đã được trách nhiệm hóa. Trong đó bao gồm thực hiện 7 cấu thành của hoạt động Marketing, Bao gồm: Sản phẩm có trách nhiệm; Định giá có trách nhiệm; Phân phối có trách nhiệm; Khuyến mại có trách nhiệm; Cá nhân có trách nhiệm; Hoạt động có trách nhiệm; Bằng chứng vật lý có trác h nhiệm.
Marketing Có Trách Nhiệm nhấn mạnh trách nhiệm của từng nhà marketing trong việc vượt ra ngoài khách hàng của họ để xác định và hiểu nhu cầu của các bên liên quan như một cơ sở để giải quyết các các mục tiêu bền vững. Tuy nhiên, nếu Marketing có trách nhiệm muốn trở thành xu hướng chủ đạo trong thực thi marketing và có thể là một phần của giải pháp cho các thách thức môi trường, thì việc các nhà marketing du lịch cần tham gia vào các trải nghiệm Marketing Có Trách Nhiệm là điều cần thiết. Điều quan trọng là chúng ta phát triển các nhà marketing du lịch có khả năng đối mặt với bản chất nghịch lý của marketing và tham gia vào các hoạt động và thực hành thực sự thúc đẩy các nguyên tắc marketing có trách nhiệm.
Đánh giá sát quy mô năng lực phục vụ của Đảo.
Việc Marketing quá mức đã khiến cho nhu cầu du khách đến với các hòn đảo du lịch nói chung, cũng như các đảo tại Nha Trang trong thời gian qua tăng lên đáng kể. Việc gia tăng khánh du lịch ở các đảo cũng đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, các công ty du lịch. Tuy nhiên, sự quá tải của khả năng phục vụ của các doanh nghiệp địa phương, sự quá tải trong việc khái thác các nguồn tài nguyên tự nhiên như thủy hải sản tự nhiên, cũng như sự quá tải của hệ thống hạ tầng khiến việc gia tăng du khách từ các hoạt động Marketing gây nên các hệ lụy về mặt môi trường và xã hội.
Điều này có thể được giải quyết triệt để thông qua việc ước tính năng lực phục vụ tối đa của Đảo. Cụ thể hơn là cần có các nghiên cứu, đánh giá cụ thể về việc tiêu tốn tài nguyên, tái tạo tài nguyên, số lượng du khách tối ưu để hoạt động du lịch không bị xâm lấn cảnh quan, không phát thải (xác định lượng cung). Chính quyền địa phương trên cơ sở đó có thể quy định số lượt khách tối đa được đến tham quan và lưu trú tại Đảo trong một ngày, số lượng du khách tối đa được lưu trú qua đêm… Đây chính là cơ sở tạo nên sự khan hiếm, giúp cho các doanh nghiệp du lịch địa phương có điều kiện nâng dần giá bán của các sản phẩm du lịch, gia tăng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận trên từng lượt khách hàng. Giải pháp này bước đầu giúp du lịch Nha Trang thoát khỏi định vị gắn với chi phí thấp, giá rẻ, số lượng lớn.
Quy định trách nhiệm xã hội đối với công ty khai thác du lịch
Các doanh nghiệp khai thác sản phẩm du lịch địa phương hiển nhiên thường vẫn hướng đến các lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Lợi ích này được đặt lên hàng đầu so với các mục tiêu khác, trong đó có mục tiêu xã hội và môi trường. Trong quá trình theo đuổi mục tiêu này, các doanh nghiệp thường chọn các giải pháp và phương án kinh doanh có hiệu quả kinh tế tốt nhất và chấp nhận các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và xã hội. Do đó, nếu thiếu định hướng, quy định và các chế tài chặt chẽ và nghiêm khắc từ các cơ quan quản lý thì việc đảm bảo các yếu tố môi trường chủ động từ doanh nghiệp sẽ cực kỳ hạn chế. Do đó, các quy đinh và chề tài từ cơ quan quản lý có thể điều chỉnh các hoạt động thiết kế, vận hành và khai thác du lịch của các công ty nói chung, cũng như tổng thể hoạt động Marketing du lịch tại Bích Đầm sẽ hướng đến cộng đồng và hướng đến các hoạt động có trách nhiệm.
Truyền thông trách nhiệm du lịch đến với du khách
Các hoạt động truyền thông trong Marketing du lịch thường hướng đến các thông điệp về sản phẩm, về giá và các yếu tố cấu thành sản phẩm. Điều này vốn dĩ đang được làm tốt và tạo nên một lượng lớn du khách đến với các điểm du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo tại Nha Trang. Điều đáng nói là với quy hoạch du lịch theo định hướng giới hạn (tức là xác định cụ thể quy mô du khách, số lượng du khách được đến đảo trảo nghiệm du lịch) thì việc truyền thông mang tính khuyến khích tiêu dùng không còn phù hợp. Thay vào đó, việc truyền thông để tìm và lọc đối tượng khách hàng phù hợp đến với Đảo Bích Đầm trở nên quan trọng hơn.
Đối tượng khách hướng đến nên là nhóm khách quan tâm đến thiên nhiên, có trách nhiệm với môi trường, quan tâm văn hóa địa phương và đời sống cộng đồng bản địa, có mức sẵn sàng chi tiêu cao hơn… Đây là đối tượng phù hợp với phân khúc sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng. Điều này đặt ra bài toán đối với các nhà kinh doanh du lịch và các nhà Marketing trong việc thay đổi chiến lược và phương pháp thực hiện chiến lược truyền thông, thay đổi thông điệp truyền thông.
Phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại Đảo Bích Đầm là hướng đi đúng đắn giúp phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân, đồng thời tạo điều kiện khai thác một cách bền vững và có hiệu quả các nguồn tại nguyên sẵn có của Đảo nói riêng cũng như của Nha Trang, Khánh Hòa nói chung. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh khai thác kinh tế du lịch trên địa bàn Đảo cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Điều này đã được minh chứng từ những bài học phát triển nóng du lịch biển đảo ở các khu vực khác. Do đó, cần có một giải pháp mang tính cách mạng, dẫn đạo và định hướng cho hoạt động khai thác du lịch tại hòn đảo này, tránh lặp lại các bài học môi trường không thể vãn hồi. Marketing có trách nhiệm là giải pháp khả thi, hướng đến sản phẩm, giá , phân phối, xúc tiến và các khía cạnh khác của truyền thông, định vị thương hiệu du lịch cộng đồng Bích Đầm một cách chắc chắn, ổn định và bền vững.
TS.Văn Hữu Quang Nhật/Trường Đại học Thái Bình Dương
Tài liệu tham khảo
1.Andreasen, A. (1994). Social Marketing:Its Definition and Domain. Journal of Public Policy & Marketing, pp. 108-114.
2.Bandyopadhyay, C., & Ray, S. (2018, oct 16). Responsible Marketing: Can Social Enterprises Show the Way? JOURNAL OF NONPROFIT & PUBLIC SECTOR MARKETING,Routledge Tayor and Francis group, pp. 1-20.
3.Grönroos, C. (2006). On defining marketing: finding a new roadmap for marketing. Sage Journals,Volume 6(4), 395-417.
4.Kotler, P., & Zaltman, G. (1971). SocialMarketing:AnApproach to Planned Socia lChange. Journal of Marketing, pp. 3-12.
5.Kotler, P., & Levy, S. J. (1969). Broadening the concept of marketing. Journal of Marketing, 33, 10- 15
6.Seretny, m., & seretny. A, a. (2012). Sustainable marketing -a new era in the responsible marketing development. Foundations of Management, Vol. 4, No. 2, pp. 63-76.
7.Thanh Hòa & Đỗ Vương, (2022), Biển Nha Trang đang bị đe dọa ô nhiễm môi trường https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/bien-nha-trang-dang-bi-de-doa-o-nhiem-moi-truong-195282.html
8.Hữu Long, (2023), Đảo Bình Ba tràn ngập rác thải mỗi dịp cuối năm, https://laodong.vn/xa-hoi/dao-binh-ba-tran-ngap-rac-thai-moi-dip-cuoi-nam-1133698.ldo