Seatimes – (ĐNA). Hôm nay (23/11/2024), cả nước kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Tại Đà Nẵng trong các ngày 21 và 22/11/2024, đã diễn ra nhiều hoạt động, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân thành phố và du khách. “Chuyện làng, chuyện phố” là chủ đề được Bảo tàng Đà Nẵng chọn để thể hiện qua 60 bức ảnh (kể Chuyện làng) và 30 tác phẩm tranh ký họa (nói Chuyện phố) – là điểm nhấn của “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024” tại khuôn viên Thành Điện Hải, số 24 Trần Phú.
Cách đây 79 năm, khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới tròn hơn 2 tháng tuổi, trong bối cảnh nhiều thế lực ngoại xâm, lợi dụng tình thế muốn tước đoạt lần nữa chủ quyền và độc lập, tự do mà Việt Nam vừa mới giành được.
Dựa vào quân Anh, thực dân Pháp quay trở lại, đánh chiếm Nam bộ; ở Bắc bộ, quân đội Tưởng Giới Thạch cũng tràn vào đến Hà Nội (có cả tướng lĩnh Hoa Kỳ đi theo), uy hiếp, đòi Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ, phải nhượng ghế trong nội các Chính phủ cho chúng. Ngân khố trống rỗng, nước ta bị cả giặc đói, giặc dốt, các thế lực phong kiến phản động bên trong, kết hợp với đảng phái phản động từ bên ngoài thâm nhập vào (Việt Nam Quốc dân đảng {Việt Quốc}, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội {Việt Cách}, …), đe dọa. Đất nước lâm vào tình thế, mà các sử gia (Việt Nam cũng như quốc tế) sau này xác định là “Ngàn cân treo sợi tóc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện bảo tàng Khu tự trị Việt Bắc năm 1964 (ảnh trai) và sử dụng một nhạc cụ dân tộc. Nguồn: Bảo tàng Quân khu 1 (Lực lượng vũ trang Việt Bắc).
Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khôn khéo có những đối sách sáng suốt, linh hoạt. Mềm dẻo nhưng rất kiên quyết. Trước hết, xem nhiệm vụ xây dựng và củng cố chính quyền của liên minh vô sản công nông là cơ bản, cốt yếu, nên phải thực hiện một cách quyết liệt. Song song, đặt nền tảng lâu dài cho những yêu cầu bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc trên nhiều mặt trận và lĩnh vực khác.
Trong bối cảnh này, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện”. Sắc lệnh số 65/SL đã thể hiện tư tưởng, quan điểm căn bản, sâu sắc của Chính phủ trong bảo tồn di sản văn hóa, trở thành Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Theo Sắc lệnh, bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”; Đông Phương Bác cổ Học Viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, thay thế cho Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ; Giữ nguyên các luật lệ về bảo tồn cổ tích đã có trước đây; Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn; Chính phủ công nhận nguyên tắc những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, của mỗi kỳ hay mỗi tỉnh cho Đông Phương Bác cổ Học viện.
Cho đến nay, Sắc lệnh vẫn còn nguyên ý nghĩa, “mở đường, vạch lối” cho công cuộc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản, tinh hoa văn hóa của dân tộc, trong bối cảnh hội nhập. Từ năm 2005, theo quyết định số 36/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23 tháng 11 hằng năm, trở thành Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
Từ chuyện làng, chuyện phố thị đến di sản tranh dân gian
Tại Đà Nẵng trong các ngày 21 và 22/11/2024, đã diễn ra nhiều hoạt động, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân thành phố và du khách.
“Chuyện làng, chuyện phố” là chủ đề được Bảo tàng Đà Nẵng chọn để thể hiện qua 60 bức ảnh (kể Chuyện làng) và 30 tác phẩm tranh ký họa (nói Chuyện phố) – là điểm nhấn của “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024” tại khuôn viên Thành Điện Hải, số 24 Trần Phú.
Quá trình chỉnh trang đô thị, với yêu cầu quy hoạch và tổ chức lại từ không gian đến kiến trúc mới cho diện mạo thành phố, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, được xem là yêu cầu thường xuyên, tính cấp thiết cao.
Trên chặng đường dài hình thành và phát triển, Đà Nẵng – mảnh đất đầu tiên sau hành trình Nam tiến, vượt qua Hải Vân quan, trở thành điểm “đầu sóng ngọn gió” của cả xứ Đàng Trong, đã trải qua biết bao thăng trầm, biến động của lịch sử. Đà Nẵng giờ đây vươn mình phát triển thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của Miền Trung – Tây Nguyên.
Rất đông học sinh – sinh viên đến với Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024” tại khuôn viên Thành Điện Hải. Ảnh: T.Ngọc.
Diện mạo thành phố thay đổi từng ngày. Điều đáng mừng, giữa lòng một thành phố biển, đang ngày một hiện đại, vẫn hiện hữu nhiều công trình kiến trúc, mang đậm dấu ấn riêng, trở thành nhịp cầu và là nhân chứng của cả quá khứ và hiện tại, mang trong lòng biết bao câu chuyện về lịch sử – văn hoá của thành phố. Ngày qua ngày, mỗi công trình, mỗi câu chuyện, góp phần làm nên “cái hồn đô thị” cho Đà Nẵng.
Trong hai ngày 22 và (hôm nay) 23/11/2024; tại Bảo tàng Đà Nẵng, diễn ra triển lãm “Chuyện làng”, kể về sự khởi đầu của các đình làng tại Đà Nẵng trong dòng chảy lịch sử cùng với các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với mỗi đình làng; triển lãm “Chuyện phố” giới thiệu các tác phẩm ký họa, vẽ lại một phần bức tranh đô thị Đà Nẵng trong thời kỳ thuộc Pháp, giúp người xem hình dung rõ hơn về một thời kỳ không thể quên. Đó là giai đoạn “thị dân nhượng địa Đà Nẵng”, chịu ảnh hưởng sâu nặng văn minh Tây phương Tây, đi vào ký ức nhiều thế hệ.
Đặc biệt, triển lãm “Hồn phố”, trưng bày 10 tác phẩm nổi bật, vào vòng chung kết cuộc thi làm mô hình các công trình kiến trúc tiêu biểu tại thành phố Đà Nẵng. Công chúng vừa thưởng lãm vừa tham gia bình chọn cho (mô hình) tác phẩm mình yêu thích nhất (có cả bình chọn trực tuyến).
Triển lãm “Hồn phố” giúp công chúng hiểu biết về các di tích, công trình kiến trúc một cách sống động và đa chiều hơn.Ảnh: T.Ngọc
Nhằm tăng thêm cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá lịch sử, văn hóa đầy ý nghĩa và thú vị về các di sản kiến trúc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Ban tổ chức “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024, còn mở cuộc thi “Khám phá di sản kiến trúc Đà Nẵng” dành cho các em học sinh khối Trung học cơ sở trên địa bàn quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ ; trưng bày một số sản phẩm lưu niệm thủ công là mô hình làm từ tăm tre, gỗ (do cộng đồng người yếu thế làm) về các công trình kiến trúc nổi bật của Đà Nẵng. Bảo tàng Đà Nẵng cũng phối hợp với Chi hội Di sản văn hóa và một số nhà sưu tập tư nhân, tổ chức chương trình “Chợ phiên đồ xưa Đà thành”, và gameshow “Hội làng giữa phố” với các cuộc thi nướng bánh tráng, Thi làm mì quảng trộn, Thi các trò chơi dân gian, cùng nhiều các hoạt động trải nghiệm (vẽ tranh ký hoạ, vẽ tranh trên nón lá/giỏ xách/giấy, tô màu trên gỗ, ẩm thực truyền thống…).
“Đà Nẵng là đô thị từ làng lên phố và trong phố có làng. Điều này lý giải cho lý do vì sao “văn minh đô thị” và “văn hóa làng” vẫn song hành và trở thành “nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh” của đất và người Đà Nẵng. Giữa một diện mạo đô thị hiện đại với những con đường khang trang, những cây cầu nối liền “hai bờ vui” vẫn thấp thoáng bóng dáng của cây đa, bến nước, sân đình, miếu xóm đầy những câu chuyện thâm trầm qua năm tháng; vẫn những lễ hội cổ truyền xôm tụ, đông vui và nghề thủ công truyền thống quanh năm đỏ lửa. Tất cả tạo nên một không gian di sản văn hoá đặc sắc ngay trong lòng phố với những sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng, các thiết chế và mối liên kết truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, chia sẻ.
Chào mừng kỷ niệm ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều qua, 22/11/2024, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã khai mạc triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam”, tôn vinh những giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mỹ thuật dân gian truyền thống quý báu của dân tộc.
Tranh dân gian Việt Nam có lịch sử lâu đời, đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, trong tâm linh, tín ngưỡng của người dân Việt. Nét độc đáo là tranh được sáng tạo rồi có quá trình kế thừa, phát triển bởi các Nghệ nhân, xuất thân là tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam. Chính vì vậy nội dung tranh rất phong phú, đa dạng, sinh động, mỗi dòng tranh thể hiện khát vọng ngàn đời của người dân: Hướng tới một đời sống no ấm, tốt đẹp, trong hòa bình, hạnh phúc. Mỗi dòng tranh đều có lối thể hiện rất riêng biệt, màu sắc tự nhiên rực rỡ, nét khắc, vẽ điêu luyện… Ban tổ chức quyết định kéo dài triển lãm đến 30/11/2024.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 100 hiện vật thuộc các dòng tranh dân gian Việt ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam như: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình, tranh Kính Huế, tranh kính miền Nam, tranh kính Khmer, tranh sơn mài dân gian, tranh gói vải… mang đậm bản sắc dân tộc.
Tác phẩm tranh, hiện vật (một số mộc bản) được chọn từ bộ sưu tập 341 hiện vật do Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hòa (Hà Nội); Nghệ nhân ưu tú Năm Tịnh (Bình Dương), Nghệ nhân Nam Chi (Hà Nội), Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên (Huế)… đã dày công sưu tầm, gìn giữ hoặc chế tác và hiến tặng cho Bảo tàng (trên 350 hiện vật mỹ thuật dân gian), trong thời gian từ năm 2022 – 2024.
“Nghĩa cử cao đẹp đó, không chỉ góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập của bảo tàng chúng tôi, mà còn giúp công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, có cơ hội lưu giữ bền vững và truyền lại những giá trị nghệ thuật truyền thống vô giá này, cho nhiều thế hệ mai sau.
Qua triển lãm, chúng tôi mong muốn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, sự gắn kết cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đồng thời tạo điều kiện để công chúng hiểu thêm về giá trị của mỹ thuật dân gian – một kho tàng quý báu của dân tộc Việt Nam.
Bởi mỗi dòng tranh, như chúng ta đang thấy, không chỉ mang giá trị nghệ thuật, thể hiện tình yêu về cái đẹp và “gu thẩm mỹ” tinh tế, mộc mạc của người Việt, qua các thời kỳ; mà còn chứa đựng những câu chuyện văn hóa có chiều sâu. Với cách phối màu tự nhiên, bố cục hài hòa, các nét khắc, vẽ điêu luyện, chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tranh dân gian, đã góp phần làm nên bản sắc của mỹ thuật dân gian Việt Nam nói riêng và bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung”, bà Nguyễn Thị Trinh – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, phân tích.
Không chỉ mở cửa đón khách tham quan đến thưởng lãm bộ sưu tập tranh dân gian độc đáo và hiếm quý; Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng còn mở hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian Làng Sình.
Trần Ngọc