Seatimes – (ĐNA). Hệ thống giáo dục đại học duyên hải Miền Trung: Những hạn chế so với yêu cầu phát triển và giải pháp cho điểm nghẽn.
Tại hội thảo “Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ” Chiều 15/11/2024, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng phân tích: Đối với vùng bắc Trung bộ – Duyên hải trung bộ, hiện nay có rất nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, lẻ, {một số Trường} nguồn lực đầu tư hạn chế, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu yếu cả về số lượng lẫn chất lượng nên không còn phù họp với xu thế cần tri thức, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực. Một số ngành đào tạo thiếu linh hoạt, hiệu quả, chưa bắt kịp xu thế để thích ứng, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, dịch vụ; chưa thu hút các nhà đầu tư, dự án lớn; nguy cơ “chảy máu chất xám”, khó giữ chân người tài.
Đổi với Đại học Đà Nẵng, thách thức lớn {hiện tại} là thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, … tương xứng với yêu cầu, sứ mệnh mới. Tính tự chủ còn giới hạn trong khuôn khổ của một Đại học vùng nên chưa kịp thời đổi mới ngành nghề, phương thức đào tạo theo đòi hỏi của thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng; cũng chưa hài hòa giữa đào tạo khoa học cơ bản, hàn lâm với các ngành có truyền thống, thế mạnh khác; Quy mô đào tạo quốc tế chưa cao. Do nguồn lực còn khiêm tốn, Đại học Đà Nẵng còn gặp rất nhiều khó khăn trong trao đổi học thuật, phương pháp luận với các đại học quốc tế. Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong cập nhật chương trình đào tạo, chậm phù hợp với đà phát triển đang diễn ra nhanh chóng.
Đại học Đà Nẵng còn thiếu các chính sách thu hút, đãi ngộ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; thiếu cả nguồn lực đế đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; cơ chế tài chính chưa được giao quyền tự chủ đủ mạnh, cơ cấu nguồn thu chưa cân đối, còn phụ thuộc chủ yếu vào học phí (theo Nghị quyết số 165/NQ- CP, đại học công lập chưa tăng học phí). Trong khi đó, lộ trình tự chủ đại học của các trường thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc còn lắm khó khăn, bất cập, chưa có tính bền vững…
Những hạn chế này làm giảm năng lực cạnh tranh của Đại học Đà Nẵng. {Trong đó, có cả yếu tố chuyển giao công nghệ}, vẫn chưa có nhiều dự án, sản phẩm có tầm ảnh hưởng, ứng dụng sâu rộng, hiệu quả vào thực tiễn.
“Vì vậy, xây dựng Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia, không phải là để thay đổi danh xưng, mà là nhằm đồi mới căn bản, kiến tạo nên quy trình, chính sách mới, thiết lập mô hình quản trị đại học mới với tính tự chủ cao, được đầu tư nguồn lực thích hợp; là hạt nhân quy tụ các cơ sở giáo dục đại học khác trong vùng thành Cụm Đại học mạnh”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (3), việc xác định thế mạnh và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ, có liên quan mật thiết đối với giáo dục đào tạo nói chung và đối với giáo dục đại học nói riêng. Nhiệm vụ đào tạo (ở các trình độ đại học), nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong Vùng.
PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy cho biết, với 44 cơ sở giáo dục đại học trong đó có 2 đại học Vùng (là Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng), Vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ là Vùng đứng thứ 3 trên cả nước về số lượng các cơ sở giáo dục đại học, góp phần quan trọng trong “nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho toàn Vùng, cho cả nước, thúc đấy nghiên cứu khoa học và chuyến giao công nghệ, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của Vùng phát triển.
Quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trong Vùng tăng dần qua các năm, đứng thứ 3 trong 6 Vùng kinh tế – xã hội, cụ thế: năm học 2020-2021 Vùng có 254.965 sinh viên; năm học 2021 – 2022, Vùng có 282.982 sinh viên đại học và năm học 2022-2023, Vùng có 304.504 sinh viên đại học. Nguồn nhân lực này sau khi tốt nghiệp, đã tham gia vào các ngành, thành phần kinh tế của Vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ, đóng vai trò quyết định, thúc đấy các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Vùng phát triển. Nhờ thế mà tỷ trọng GDP của Vùng đang ngày một cải thiện, đứng thứ 3/6 Vùng kinh tế – xã hội, GDP bình quân các địa phương trong Vùng đạt 82,6 nghìn tỷ đồng/địa phương, bằng khoảng 64,5% bình quân cả nước.
PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh thêm rằng: Bên cạnh những điểm sáng trong giáo dục đại học, thì Vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ cũng còn những điểm yếu cần được quan tâm và thúc đẩy trong thời gian tới. Cụ thể : Về cơ cấu đào tạo, tỷ trọng sinh viên theo các ngành STEM của các trường đại học Vùng thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước (15% so với mức 28% năm 2021), trong khi đó nhiêu ngành công nghiệp cần lực lượng lao động STEM, lại là các ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội chưa được triển khai đúng mức, đã dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Sự gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn của các doanh nghiệp còn tương đối yếu, chưa thu hút được nhiều kinh phí từ doanh nghiệp cho đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đây là nội dung đồng quan điểm với TS. Nguyễn Dũng Anh- Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III.
Quy mô và chất lượng giảng viên của các trường đại học trong Vùng còn thấp hơn so với các Vùng khác. Tỷ lệ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ của các trường đại học trong Vùng chiếm tương ứng là 7,14%; 10,26%; 11,67%; 13,35% / tổng số trên cả nước, so với 62,13%>; 58,92%>; 51,01%; 39,68% ở Vùng Đồng bằng Sông Hồng và 25,58%; 22,32%>; 24,66%; 30,75% ở Vùng Đông Nam bộ. Giảng viên có trình độ tập trung chủ yếu ở 2 đại học Vùng là Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng.
Tiềm năng nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học chưa được phát huy triệt để; mục tiêu, nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có sự chuyến hướng kịp thời với sự phát triển của kinh tế – xã hội; sự phối hợp nghiên cứu khoa học với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều công trình nghiên cứu khoa học chưa được áp dụng nhiều trong thực thế hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nội dung mà PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng từng nhìn nhận và chia sẻ.
Chỉ ra những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy cho rằng, Vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ có địa bàn rộng, địa hình bị chia cắt, khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai thường xuyên xảy ra và gây ra hậu quả lớn, làm ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng của Vùng nói chung và hạ tầng ngành Giáo dục nói riêng. Trong khi đó, nguồn lực thu hút đầu tư cho giáo dục chưa tương xúng với tiềm năng.
Ngay như công tác xã hội hóa giáo dục, việc thực hiện các văn bản liên quan hãy còn thiếu đồng bộ, chưa triệt để; doanh nghiệp, nhà đầu tư khi vay vốn (đàu tư vào lĩnh vực giáo dục) còn gặp nhiều khó khăn về trình tự, thủ tục. Chính sách ưu đãi đất đai khó thực hiện do hạn chế về công tác quy hoạch. Cơ chế, chính sách về đầu tư công, đối tác công tư, xã hội hóa chưa đủ mạnh, chưa tạo sự cạnh tranh công bằng giữa giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập nên chưa đủ sức thu hút nhà đầu tư tham gia.
Đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với yêu cầu; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có khả năng làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới. Chưa có cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Nghị quyết 26 đã có những chỉ đạo cụ thể, bám sát bối cảnh và thế mạnh của Vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ, trong đó xác định Vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ là Vùng “mạnh về biển, giàu từ biển’’. Việc đào tạo nguồn nhân lực phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế mũi nhọn trong Vùng trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học trong Vùng khẳng định vai trò, vị thế và năng lực của mình trước những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động trong Vùng. Các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động có kế hoạch tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, chủ động hoạch định chiến lược và quy mô đào tạo phù họp với định hướng phát triển của Vùng và của cả nước để hòa nhịp cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội chung.
“Tính cấp thiết của yêu cầu và sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ, đặt ra cho giáo dục đại học toàn nhiều thách thức. Đó là phải dự báo được sự phát triển các ngành nghề trong kỷ nguyên số, định hướng phát triển các ngành kinh tế của các địa phương trong khu vực dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và lợi thế của địa phương để bắt kịp xu thế phát triển các ngành nghề trên thế giới;
Trong phát triển các ngành mũi nhọn của Vùng, nhất là các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước theo chủ trương chung của Chính phủ rất cần có những cơ chế chính sách ưu tiên và kịp thời.
Ngòai ra, cũng cần có chiến lược liên kết vùng phù hợp, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của Vùng về kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, để trên cơ sở đó, các trường Đại học phát triển các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tương ứng”. PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, -phân tích.
Hội thảo “Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ” – một trong các sự kiện điểm nhấn, do Đại học Đà Nẵng chủ trì, trong dịp kỷ niệm 30 năm xây dựng – phát triển Đại học Đà Nẵng, một trong những Đại học vùng trọng điểm quốc gia.
Với tính cấp thiết của chủ đề, hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học với hơn 70 bài viết gửi về Ban tổ chức. Các tham luận đã tập trung vào chủ đề chính của hội thảo trên nhiều góc độ khác nhau: Từ nhu cầu nhân lực ở nhiều góc độ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế và liên kết vùng. Đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với đại học trong quá trình đào tạo nhằm gắn kết đào tạo và thực tế sử dụng nguồn nhân lực. Chủ đề khác là trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế, các ngành nghề mới như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn phù hợp với tiềm năng sáng tạo của người miền Trung. Cuối cùng là các định hướng phát triển mới, bền vững với đề xuất, từ tiềm năng của Vùng, phát triển các ngành kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ./.
Trần Ngọc
(2) Tham luận của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Năng: Phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học quốc gia để đảm nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ; Phát biểu đề dẫn hội thảo.
(3) Tham luận của PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh thuộc vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ, theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảmquốc phòng, an ninh vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.