Seatimes – (ĐNA). Theo The Hill, nước Nga tiêu tốn nhiều nguồn lực vào xung đột Ukraine, đồng thời hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ và phương Tây. Dẫu vậy, kinh tế Nga vẫn ổn định và phát triển, nhiều đô thị Nga vẫn có được mức độ hiện đại và số hóa cao khiến giới hoạch định chính sách phương Tây không khỏi bất ngờ.
Bức tranh bất ngờ về đô thị Nga và lòng dân Nga
Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã bước sang giai đoạn mới sau khi Ukraine đột kích vào tỉnh Kursk của Nga. Tuy nhiên, cả cuộc đột kích của Ukraine lẫn những lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây dường như không gây bất mãn trong cả công dân bình thường lẫn tầng lớp giàu có của Nga.
Sau hơn hai năm rưỡi xung đột vũ trang khốc liệt giữa Nga và Ukraine, người Nga dường như vẫn rất hài lòng, thậm chí còn có tâm thế thoải mái hơn so với thời điểm đầu cuộc xung đột này. Tất cả những điều này gây bất ngờ cho nhiều nhà hoạch định chính sách của phương Tây.
Những nhân vật Nga bất đồng chính kiến thì kỳ vọng người dân thủ đô Moscow cũng như thành phố Saint Petersburg sẽ hậm hực với “nền kinh tế thời chiến” khi không còn được hưởng thụ các xa xỉ phẩm phương Tây, truy cập internet không giới hạn và những chuyến du lịch dễ dàng tới thủ đô các nước Tây Âu vào kỳ nghỉ cuối tuần. Nhưng, nếu muốn thì một dân thường Nga vẫn có thể tới được Paris (Pháp) hay Berlin (Đức), chỉ có điều là gián tiếp thông qua ngả Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc Doha (Qatar).
Mặc dù người ta thường hình dung Nga nằm ở tuyến đầu đối chọi với phương Tây, trên thực tế nhiều vùng đô thị của Nga có mức độ Âu hóa cao, đặc biệt là trong thập kỷ gần đây.
Mức độ hiện đại hóa, tự động hóa và chuyển đổi số tại thủ đô Nga
Hãy thử nhìn lại thủ đô Moscow. Nơi đây, chúng ta không chỉ chứng kiến sự tập trung của cải (Moscow đóng góp tới 20% tất cả các loại thuế cho ngân sách liên bang Nga) mà còn cả sự hiện đại hóa nhanh chóng cơ sở hạ tầng thành phố cũng như bước phát triển mạnh các dịch vụ số hóa đa dạng gần như ở khắp mọi nơi.
Chính quyền thủ đô Nga đã đầu tư mở rộng cơ sở vận tải và khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ tư nhân tham gia đáp ứng nhu cầu gia tăng.
Trong 10 năm qua, 78 ga tàu điện ngầm mới đã được xây dựng – nhiều hơn mức của 4 thập kỷ trước đó. Mạng lưới di chuyển bằng vé tháng đã được tích hợp với hệ thống đường sắt rộng hơn, hiện nay khá giống với mạng lưới Métro-RER tại Paris. Bất chấp sự bao vây và gây khó dễ về mọi mặt của phương Tây, Moscow hiện sở hữu đội xe bus điện hiện đại và lớn nhất châu Âu; đáng chú ý, các xe này đều được sản xuất tại Nga. Moscow còn có đội thuyền điện hoạt động trên sông, hỗ trợ thêm cho di chuyển nội đô.
Mặc dù các hãng Visa và MasterCard của phương Tây đã ngừng hoạt động ở Nga, người dân Nga tiếp tục sử dụng Hệ thống thanh toán tức thời (IPS) của Ngân hàng Trung ương Nga. Hệ thống này cho phép chuyển khoản lập tức bất cứ lượng tiền nào, chỉ cần sử dụng số điện thoại di động để định danh.
Các thủ phủ tại Nga hiện đi trước các thành phố lớn của châu Âu về sử dụng thanh toán bằng mã QR và nhận diện khuôn mặt trong giao dịch tài chính. Dữ liệu di động ở Nga vẫn ở mức rẻ nhất và nhanh nhất châu Âu.
Các cửa hàng tạp phẩm Nga vẫn phân loại hàng hóa như trước xung đột vũ trang, gồm vang Pháp và bánh kẹo Italy. Việc phân phối hàng hóa và thực phẩm tới tận cửa nhà bằng robot tự động là khá phổ biến.
Lệnh trừng phạt của phương Tây tỏ ra phản tác dụng
Các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga từ năm 2022 có gây ra sự sụt giảm đột ngột hoạt động xuất khẩu vốn của Nga. Gần như tất cả các khoản tiền đáng lẽ được đầu tư vào bất động sản sang trọng ở châu Âu thì nay lại bắt đầu chảy vào chính các thành phố như Moscow và Saint Petersburg cùng vùng ngoại ô các đô thị này.
Chính sự phát triển kinh tế của Nga ngay cả trong thời kỳ diễn ra xung đột Ukraine đã làm xói mòn những tâm lý chống chính quyền trong dân chúng. Thực tế là những nỗ lực của phương Tây nhằm phá hoại kinh tế Nga kể từ tháng 2/2022 đến nay chỉ tạo ra tác dụng ngược, ít nhất là cho tới lúc này.
Chy Lê