Seatimes – (ĐNA). Ngày 7/10/2024, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Slovakia Robert Fico, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal tuyên bố, Ukraine sẽ không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga khi hết hạn vào cuối năm 2024. Điều này diễn ra bất chấp việc hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine vẫn là tuyến đường quan trọng để cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu.
Hợp đồng kết thúc vào ngày 31/12/2024
Ngày 3/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố rằng, sẽ “không có ai” gia hạn thỏa thuận với Nga, mặc dù mang lại lợi ích tài chính cho cả hai bên.
Khí đốt của Nga được vận chuyển qua Ukraine theo hợp đồng được ký kết vào năm 2019 kéo dài trong 5 năm, cho đến ngày 31/12/2024, giữa các công ty Ukraine là Naftogaz và GTSOU, cùng với gã khổng lồ Gazprom của Nga.
Theo Naftogaz, hợp đồng này quy định “khối lượng vận chuyển tối thiểu 65 tỷ m3 cho năm 2020 và 40 tỷ m3 cho năm 2021-2024”. Ông Volodymyr Zelensky khi đó đã ca ngợi thỏa thuận này sẽ mang lại “hơn 7 tỷ USD” (tương đương 6,3 tỷ euro theo tỷ giá hiện tại). Theo EU, thị phần khí đốt của Nga trong nhập khẩu của Bratislava vẫn ở mức 69% vào năm 2023 và khoảng 60% đối với Áo.
Tuy nhiên, một trong hai điểm nhập khí đốt của Nga vào Ukraine, tại Sokhranivka (phía đông), trong khu vực bị Moscow chiếm đóng, đã bị ngừng hoạt động kể từ khi Kiev tuyên bố tình trạng “bất khả kháng” vào tháng 5/2022 sau cuộc tấn công của Nga. Cơ sở hạ tầng quan trọng khác, trạm đo tại Soudja, thuộc khu vực Kursk của Nga, đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Ukraine vào đầu tháng 8 trong một cuộc tấn công bất ngờ.
Azerbaijan có thể là giải pháp thay thế?
Liên minh châu Âu (EU), nơi nhập khẩu khí đốt từ Nga đã giảm xuống dưới 10% vào năm 2023, cho thấy rằng các quốc gia bị ảnh hưởng bởi việc chấm dứt hợp đồng này có “các giải pháp cung cấp khác”. Ý dự kiến mua thêm khí đốt từ Algeria, nhưng Slovakia, do vị trí địa lý nên không có lựa chọn thay thế rõ ràng nào.
Vào đầu tháng 7, ông Volodymyr Zelensky cho biết Kiev đang thảo luận với Azerbaijan, một nhà khai thác khí đốt lớn, nhằm thay thế khí đốt của Nga vận chuyển qua Ukraine đến châu Âu bằng khí đốt từ Azerbaijan.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev tiết lộ rằng, EU và Kiev đã “tiếp cận” ông để “tạo điều kiện” cho các cuộc thảo luận với Moscow và đạt được thỏa thuận phù hợp với tất cả các bên, dự kiến sử dụng cơ sở hạ tầng của Nga để vận chuyển khí đốt từ Baku đến mạng lưới của Ukraine.
Một giải pháp khác là Gazprom sẽ cung cấp thêm khí đốt thông qua đường ống TurkStream. Tuy nhiên, năng lực của tuyến đường này vẫn còn hạn chế ở giai đoạn này, bất chấp mong muốn của ông Vladimir Putin là phát triển “một trung tâm khí đốt” ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Chy Lê