Seatimes – (ĐNA). Trong nội dung kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nêu rõ:
“..Trước mắt, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch – dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo …”.
Với tầm nhìn xa về nguồn lực, ngày 27/9/2024 vừa qua, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã tổ chức 2 hoạt động trong khuôn khổ chuỗi sự kiện diễn ra trong ngày: “Phát triển Fintech trong thời đại số”.
Trong đó, phiên hội thảo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực fintech trong thời đại số, được ghi nhận là “thiết thực làm rõ trọng trách và sứ mệnh của một đại học chuyên sâu đào tạo – nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số, đối với sự nghiệp đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao về kinh tế số nói chung và Fintech nói riêng cho TP Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung”.
Nhận diện Fintech tại Việt Nam – Định hình Trung tâm tài chính Đà Nẵng
Theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng VKU, Fintech đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, trong thay đổi diện mạo của ngành tài chính toàn cầu. Tại Việt Nam, hệ sinh thái Fintech đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Số lượng các công ty fintech tại Việt Nam đã tăng từ 39 công ty vào năm 2015 lên khoảng 200 công ty năm 2024.
Còn theo TS.Trần Thế Sơn, Phó Hiệu trưởng VKU, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển rất lớn về Fintech. Tỷ lệ sử dụng internet của người dân cao (80% dân số), sử dụng điện thoại thông minh cũng tương tự (84%, dự báo sẽ tiệm cận 100% trong thời gian ngắn). Thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang phát triển mạnh. Bên cạnh đó, phương thức thanh toán không tiền mặt đang được khuyến khích. Nhiều người dân Việt Nam hiện đã sử dụng (các loại) ví điện tử. Mã QR cũng đã trở thành phương thức thanh toán thay thế cho sử dụng tiền mặt. Sau đại dịch Covid-19, thanh toán không tiền mặt phát triển nhanh chóng.
Số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech đang dần tăng, làm nên nền tảng ban đầu cho hệ sinh thái của Fintech Việt Nam, và đã cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng cho người dân, doanh nghiệp: Nân hàng số (neobank), cho vay số, thanh toán số (chiếm tỷ trọng cao nhất của ví điện tử Momo, VNPay, ViettelPay, ZaloPay, ShoppePay, SePay,…), hay đầu tư quản lý tài sản số, công nghệ bảo hiểm số (2-3%). Theo xu thế, Fintech tại Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.
TS.Trần Thế Sơn cũng nêu một số điểm nổi bật của phát triển Fintech ở Việt Nam thời gian qua: Liên tục tăng trưởng giá trị giao dịch từ 2021, 2022. Năm 2023 (dẫn theo BDA Partners), giá trị giao dịch của toàn thị trường (fintech Việt Nam), đạt 27,2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 31,6 tỷ USD vào năm 2024. Tổng đầu tư vào thị trường fintech Việt Nam năm 2022, là 138 triệu USD. Dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Mức giảm sút được ghi nhận chỉ rơi vào năm 2021 (do tác động của đại dịch COVID-19 toàn cầu).
5 năm trước đây, câu chuyện Đà Nẵng sẽ hình thành một Trung tâm tài chính, là mục tiêu, định hướng, đã được Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24 tháng 1 năm 2019, của Bộ Chính trị, nêu rõ:
“Tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu tổng quát mà: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của đất nước; …”.
Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng nước – Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, thì một định hình Trung tâm tài chính Đà Nẵng trong tương lai, đó là kiến tạo môi trường khởi nghiệp hấp dẫn, nơi các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech, tìm đến và đầu tư, mở trụ sở, chi nhánh, hoạt động tại thành phố biển.
Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII, xác định “… {Thành phố Đà Nẵng cần} Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…Chuyển đổi Khu Công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn”.
Một môi trường tài chính mới và sự sẵn sàng ngay từ bây giờ về nguồn nhân lực
Phát biểu tại phiên khai trương và đưa vào vận hành VKU Fintech Hub, ông Sangil Kim Giám đốc điều hành of Hanwha Life Korea, cũng nhấn mạnh rằng: Các dịch vụ tài chính mà trước đây chúng ta không thể tưởng tượng được, nay đã trở thành hiện thực nhờ Fintech.Hơn thế, sự phát triển trong lĩnh vực này đang tạo ra những thay đổi lớn không chỉ trong phạm vi ngành tài chính mà còn trong đời sống của toàn xã hội.
Fintech là sự hội tụ của công nghệ và tài chính, vượt xa sự tiến bộ công nghệ đơn giản trước đây và đang nhanh chóng thay đổi tương lai của ngành tài chính cũng như tạo ra một môi trường tài chính mới. Fintech là công nghệ cốt lõi, có thể cung cấp các dịch vụ thuận tiện và an toàn hơn cho khách hàng, qua đó cải thiện trải nghiệm của khách hàng một cách sáng tạo.
Tại Việt Nam, đến nay, người sử dụng dịch vụ tài chính, nhất là cộng đồng trẻ, đã dần quen với các thương hiệu FinTech như ví điện tử MoMo, Payoo, Moca, ZaloPay hay ViettelPay; đến các nền tảng thanh toán: Tikop, Infina, Finhay, TheBank, Mfast, Finbase; kể cả ứng dụng cho vay trực tuyến: Tima, Fiin, Doctordong..
Chia sẻ tại phiên hội thảo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực fintech trong thời đại số (chiều 27/9/2024, do VKU tổ chức), ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng nước – Chi nhánh thành phố Đà Nẵng phân tích: FinTech (Financial + Technology), là áp dụng công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…).
FinTech cho ra đời các giải pháp/dịch vụ thông minh, minh bạch hơn, thuận tiện hơn và nhanh chóng hơn; đa dạng trải nghiệm trong thanh toán, đầu tư và bảo hiểm; hay quản lý chi tiêu, quản lý và lập kế hoạch tài chính, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ truyền thống. Fintech cũng xóa rào cản vùng miền, khoảng cách địa lý, gia tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính.
Tiện ích “rõ mồn một” và những phát triển bước đầu đó, cũng sớm đặt ra thách thức về nhu cầu nhân lực. Thực tế, nhiều công ty Fintech đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự chất lượng cao.
“Đặc biệt là nhân lực liên ngành – những người vừa có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, vừa hiểu biết về tài chính – ngân hàng và đồng thời sử dụng ngoại ngữ thành thạo. Việt Nam chúng ta có lực lượng lao động dồi dào, nhưng nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu cao của ngành Fintech vẫn còn khá hạn chế. Một trong những lý do chính là sự thiếu hụt các chương trình đào tạo liên ngành, tại các cơ sở giáo dục đại học”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU chia sẻ..
Từ năm 2019, đào tạo Fintech được triển khai ở một số trường đại học của Việt Nam. Tại thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên, trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Công nghệ tài chính từ năm 2022.
Theo TS.Nguyễn Quang Vũ – Trưởng phòng Đào tạo (VKU), tại VKU, chương trình đào tạo định hướng công nghệ tài chính của VKU, cũng đã sớm được xây dựng, triển khai theo mục tiêu ứng dụng công nghệ (Tech) tiên tiến nhất. Cụ thể, đó là ứng dụng các kỹ thuật máy tính, công nghệ phần mềm, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin,… vào lĩnh vực Tài chính (Fin).
Trước khi chính thức mở ngành Công nghệ tài chính (sẽ tuyển sinh vào năm 2025), VKU đã và đang đào tạo chuyên ngành và các ngành có liên quan hữu cơ như Thương mại điện tử; Quản trị Logistics và chuỗi cung ứng số; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số; Quản trị Tài chính số; Marketing số. Các ngành này đều có liên quan đến công nghệ tài chính, rõ nhất là xử lý các giao dịch tài chính. Trong khi đó, xét về mục tiêu chính của Fintech, không gì hơn là tăng cường hiệu quả, tiện lợi và tiết kiệm chi phí cho các giao dịch tài chính đó.
Tại hội thảo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực fintech trong thời đại số, các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, tài chính đã chia sẻ các tham luận chuyên môn sâu về: Xây dựng hệ sinh thái Fintech; Đào tạo nguồn nhân lực; Ứng dụng Fintech trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0; Mối quan hệ giữa phân tích dữ liệu và bảo hiểm kỹ thuật số, ….
Hội thảo đã dành một phiên toạ đàm về chiến lược phát triển Fintech, định hướng phát triển ngành Fintech tại Việt Nam. Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ, các kỳ lân công nghệ tài chính, trường đại học trong nước và quốc tế đã cùng tham gia, đóng góp nhiều ý kiến, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển đặc trưng của thời đại số. Trong đó, có yêu cầu thúc đẩy cả số lượng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Fintech.
Trước đó, vào sáng 27/9/2024, VKU đã khai trương “Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo – VKU Fintech Hub Đây là dự án thuộc nhóm hạng mục lớn, gắn liền với Trung tâm đổi mới sáng tạo thuộc dự án ODA của Chính phủ Hàn Quốc (quy mô 1.500m2), đang được triển khai tại VKU (do Tập đoàn Hanwha Life Hàn Quốc và Quỹ Chilfund Korea tài trợ).
Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, phân tích: “VKU Fintech Hub sẽ trở thành nơi khởi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo, nơi kết nối các nhà đầu tư, chuyên gia và doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech, từ đó ươm mầm cho những ý tưởng đột phá, phục vụ cho sự phát triển ngành công nghệ tài chính và thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng một cộng đồng fintech đa dạng và phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Chia sẻ lý do Hanwha Life, ChildFund Hàn Quốc và Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn đã và đang cùng nhau triển khai dự án nhằm đẩy mạnh chương trình đào tạo fintech tại VKU, bà Jin Kim, Giám đốc Chương trình Toàn cầu của ChildFund Hàn Quốc, cho biết thêm:
“Ngành công nghệ tài chính hiện đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tạo ra vô vàn cơ hội việc làm mới. Tuy nhiên, dù tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, các công ty Fintech vẫn gặp nhiều thách thức trong việc tìm kiếm những chuyên gia có năng lực, và đang tập trung vào việc phát triển nghề nghiệp liên tục nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của công nghệ này.
Thông qua dự án này, tôi mong rằng chúng ta sẽ đào tạo ra những chuyên gia Fintech có khả năng phát triển các dịch vụ sáng tạo mang tầm quốc tế, dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đồng thời kết nối kiến thức tài chính với những cơ hội khởi nghiệp”./.
Trần Ngọc – Thế Cương