Seatimes – (ĐNA). Theo tạp chí The Lancet, từ năm 1990 đến 2021, hơn 1 triệu người chết mỗi năm do các siêu vi khuẩn, vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh (AMR) trên toàn cầu. Kháng kháng sinh là một quá trình tự nhiên, nhưng việc lạm dụng và sử dụng sai thuốc ở con người, động vật và cây trồng đã làm vấn đề này trở nên trầm trọng hơn.
Một nghiên cứu mới gần đây cho biết số ca tử vong trên thế giới do siêu vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể tăng gần 70% vào năm 2050, qua đó cho thấy mối nguy hiểm của cuộc khủng hoảng siêu vi khuẩn đang diễn ra toàn cầu. Đây là nghiên cứu đầu tiên theo dõi tác động của siêu vi khuẩn trong một khoảng thời gian dài và đưa ra dự đoán về các kịch bản trong tương lai.
Theo một phân tích toàn cầu, các ca nhiễm siêu vi khuẩn có khả năng gây ra cái chết cho gần 40 triệu người trong 25 năm tới. Các nhà khoa học đang kêu gọi những hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn viễn cảnh đáng sợ này.
Siêu vi khuẩn là các chủng vi khuẩn hoặc mầm bệnh đã kháng thuốc kháng sinh (thường gọi là vi khuẩn bệnh viện), khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn, hiện được coi là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Một nghiên cứu mới dự đoán rằng khoảng 40 triệu người có thể tử vong vì nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh từ nay đến năm 2050. Ảnh: BSIP/UIG/Getty Images
Số ca tử vong do siêu vi khuẩn ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 50% trong ba thập kỷ qua nhờ các biện pháp phòng chống và kiểm soát nhiễm trùng. Tuy nhiên, khi trẻ mắc phải những loại siêu vi khuẩn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ngược lại, số người trên 70 tuổi tử vong do nhiễm khuẩn đã tăng hơn 80% trong cùng thời kỳ, do dân số già trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các bệnh nhiễm khuẩn. Nghiên cứu cũng cho thấy số ca tử vong do MRSA – một loại vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin – đã tăng gấp đôi, lên 130.000 ca vào năm 2021 so với 30 năm trước.
Dựa trên các mô hình dự đoán, các nhà nghiên cứu ước tính rằng nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả, số ca tử vong trực tiếp do kháng kháng sinh sẽ tăng 67%, đạt gần 2 triệu ca mỗi năm vào năm 2050. Ngoài ra, AMR dự kiến sẽ dẫn đến 8,2 triệu ca tử vong hàng năm, tăng gần 75% so với hiện tại. Theo diễn biến này, trong vòng 25 năm tới, AMR có thể trực tiếp gây ra cái chết của 39 triệu người và liên quan đến tổng cộng 169 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội để tránh viễn cảnh này. Nếu thế giới cải thiện việc điều trị các ca nhiễm trùng nghiêm trọng và mở rộng nghiên cứu thuốc kháng khuẩn, có thể sẽ cứu được khoảng 92 triệu người vào năm 2050, các nhà khoa học nhận định.
“Những kết quả này cho thấy rằng AMR đã là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu trong nhiều thập kỷ, và mối đe dọa này vẫn đang gia tăng”, ông Mohsen Naghavi, đồng tác giả nghiên cứu từ Viện Đo lường Sức khỏe Mỹ, phát biểu.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 22 loại mầm bệnh, 84 kết hợp giữa thuốc và mầm bệnh, cùng với 11 hội chứng nhiễm trùng, bao gồm viêm màng não. Dữ liệu được thu thập từ 520 triệu hồ sơ cá nhân trên toàn cầu.
Báo cáo sẽ được công bố trước thềm cuộc họp cấp cao về AMR tại Liên Hợp Quốc, dự kiến diễn ra vào ngày 26/9/2024.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ một vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Vi khuẩn E.coli ở Việt Nam bị kháng kháng sinh
Bên lề khóa đào tạo nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm kháng kháng sinh vừa diễn ra, PGS.TS Đoàn Mai Phương, nguyên trưởng khoa Vi sinh, BV Bạch Mai cho biết, vi khuẩn kháng kháng sinh hiện là mối quan tâm của cả thế giới khi tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc, tại một số nước thậm chí không thể kiểm soát.
Theo PGS Phương, hiện tại Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Đó là lí do vì sao, nhiều nước phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả thì tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Đơn cử như tỉ lệ kháng thuốc của nhóm vi khuẩn gram âm như E.coli (vi khuẩn đường ruột) đã lên tới 30-40%, kháng luôn cả kháng sinh mạnh nhất là colistin. Thậm chí, tại một số tỉnh phía Nam, tỉ lệ kháng thuốc của E.coli còn lên tới hơn 74%; tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%…
“Do là BV tuyến cuối, nên tại BV Bạch Mai gặp rất nhiều bệnh nhân bị đa kháng thuốc, kháng mở rộng và toàn kháng. Với trường hợp toàn kháng, khi đó, bác sĩ cũng bất lực, chỉ có thể giúp bệnh nhân truyền dịch, nâng cao thể trạng, tăng cường dinh dưỡng để cơ thể tự chống đỡ với vi khuẩn”, PGS Phương thông tin.
“Nếu không kiểm soát thì kháng kháng sinh sẽ lan truyền giữa vi khuẩn này với vi khuẩn khác, tình trạng đề kháng kháng sinh Carbapenem tăng nhanh chóng”, bà Phương nói.
E.coli là một trong nhiều loại vi khuẩn gram âm đường ruột kháng kháng sinh tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhóm siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh ở mức báo động hiện nay trên thế giới.
Xét nghiệm kháng sinh đồ vô cùng quan trọng
Theo PGS Phương, để xác định một loại vi khuẩn có kháng kháng sinh hay không hay do bác sĩ dùng kháng sinh chưa đủ liều, bắt buộc phải làm kháng sinh đồ tại phòng xét nghiệm vi sinh.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, ngay lập tức sẽ báo với bác sĩ điều trị để cách ly bệnh nhân, giúp vi khuẩn kháng thuốc không lây lan cho các các bệnh nhân khác, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ sử dụng kháng sinh đang có.
Tuy nhiên hiện nay, chỉ một số ít BV có phòng vi sinh đạt chuẩn, còn lại chất lượng ở mức thấp do phải đầu tư trang thiết bị hiện đại và chưa đủ nhân lực có trình độ để vận hành.
Do đó, để thực hiện hiệu quả chương trình phòng chống kháng thuốc quốc gia, việc đưa các phòng xét nghiệm vi sinh đạt chuẩn tại các BV vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hiện tại, theo thang của Bộ Y tế, phòng xét nghiệm vi sinh hoàn thiện nhất phải đạt mức 5 theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện. Tuy nhiên lâu nay chưa có bảng kiểm chi tiết.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia đến từ Anh, các BV Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới TƯ, Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BV TƯ Huế, Chợ Rẫy, trường y Government Medical College, Ấn Độ được tiếp cận hệ thống bảng kiểm mới AMR Scorecard để đánh giá phòng xét nghiệm của BV đang ở mức độ nào, từ đó đưa ra hướng cải tiến.
AMR Scorecard bao gồm bảng kiểm theo từng mô-đun cho xét nghiệm nuôi cấy và kháng sinh đồ bệnh phẩm máu, nước tiểu và phân, trong đó rất chuyên biệt cho kháng kháng sinh.
Theo PGS Phương, để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, ngoài nỗ lực từ bệnh viện, từ nhân viên y tế, bản thân cộng đồng, người dân cũng phải có trách nhiệm. Trong đó, hạn chế mua kháng sinh không có đơn, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi.
“Người dân Việt Nam hay cho rằng bác sĩ sử dụng kháng sinh mạng mới tốt, điều nay hoàn toàn sai, tốt nhất là chỉ nên điều trị kháng sinh phổ hẹp. Nếu dùng kháng sinh mạnh luôn, đến khi mắc loại vi khuẩn mạnh hơn sẽ không còn kháng sinh để điều trị”, PGS Phương khuyến cáo.
Mười loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất được công bố năm 2020.
Nguồn: Dịch từ: (https://longitudeprize.org/blog-post/10-most-dangerous-antibiotic-resistant-bacteria và https://www.news-medical.net/health/What-is-Clostridium-difficile.aspx)
1.Staphylococcus aureus (mrsa)
Thường được biết đến với cái tên MRSA (viết tắt của Staphylococcus aureus kháng Methicillin), loài ‘siêu khuẩn’ này rất dễ lây lan khi tiếp xúc với con người và có thể gây ra một loạt bệnh từ rối loạn da đến các bệnh chết người như viêm màng não và viêm phổi. Thường được điều trị bằng kháng sinh loại Penicillin, đến năm 1960, 80% mẫu bệnh viện kháng kháng sinh. Một nỗ lực phối hợp trong việc theo dõi bệnh và cải thiện các biện pháp vệ sinh trong bệnh viện đã chứng kiến các trường hợp mắc MRSA giảm 84,7% ở Anh từ năm 2003 đến 2011, chứng minh rằng phòng ngừa thường là hình thức bảo vệ tốt nhất chống lại vi khuẩn.
2.Burkholderia cepacia
Được phát hiện vào năm 1949 như một loại vi khuẩn gây thối củ hành, Burkholderia cepacia có thể rất nguy hiểm đối với con người trong những trường hợp xấu nhất. Mặc dù nó hầu hết đáp ứng tốt với điều trị bằng sự kết hợp của nhiều loại kháng sinh, nhưng nó đã được chứng minh là có khả năng kháng cao với một số loại kháng sinh và có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt. Đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc các bệnh phổi từ trước như bệnh xơ nang, các nhà khoa học đã và đang phát triển những cách mới để chống lại vi khuẩn khi nó tiến hóa ngày càng đề kháng với kháng sinh.
3.Pseudomonas aeruginosa
Nhanh chóng biến đổi và thích ứng với các phương pháp điều trị kháng sinh khác nhau, Pseudomonas aeruginosa cho thấy một khả năng bẩm sinh để phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh. Được mô tả là ‘cơ hội’ vì nó chủ yếu ảnh hưởng đến những người đã bị bệnh nặng, vi khuẩn này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng trong điều trị bệnh nhân AIDS, ung thư hoặc xơ nang. Mặc dù hiện tại nó không phải là mối đe dọa lớn đối với nhân loại, nhưng vi khuẩn này sẽ trở thành mối đe dọa ngày càng tăng trong vài năm tới.
4.Clostridium difficile
Một trong những ‘siêu vi khuẩn’ được biết đến nhiều hơn vì sự hiện diện nhất quán ở các bệnh viện trên khắp thế giới, C.difficile, về cơ bản, là một loại vi khuẩn gây tiêu chảy dễ lây lan có thể dẫn đến các biến chứng ở đại tràng. Một số đợt bùng phát đáng kể của C.difficile đã được đưa tin ở Anh và mặc dù có nỗ lực lớn trong việc cải thiện vệ sinh trong bệnh viện, vi khuẩn này là nguyên nhân gây ra một số ca tử vong đáng kể trên toàn cầu. Cơ hội bị nhiễm C.difficile thực sự tăng lên khi tiếp xúc với thuốc kháng sinh, bạn có nhiều khả năng bị bệnh do C.difficile nếu nội cân bằng của bạn bị rối loạn và vi khuẩn có thể khai thác điều này.
Clostridium difficile là một loại vi khuẩn Gram dương gây viêm ruột thông qua hai độc tố, đó là TcdA và TcdB. Nhiều loại vi sinh vật (hệ vi sinh vật) thường có trong đường tiêu hóa (GI) ngăn cản sự xâm nhập của C. difficile và gây hại cho các tế bào ruột. Tuy nhiên, sự suy yếu của hệ vi sinh vật sau khi điều trị bằng kháng sinh có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển quá mức của C. diff, vốn có khả năng kháng thuốc kháng sinh thông thường một cách tự nhiên vì khả năng hình thành bào tử của nó. C. diff thường được tìm thấy ở dạng không hoạt động trong ruột của 5 – 10% người khỏe mạnh cũng như ở động vật như ngựa, lợn và gia súc. Người cao tuổi dễ bị nhiễm C. diff hơn, thường là sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh, và vì bệnh này phổ biến hơn ở bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác, họ tạo thành một nhóm nguy cơ riêng biệt ở đây. Những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc tiền sử nhiễm C. diff cũng có nguy cơ cao hơn. C. diff là một nguồn chính của các bệnh nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe, lây lan chủ yếu qua đường phân-miệng. Các bào tử do C. diff tạo thành được truyền qua phân của người bị nhiễm bệnh và dễ dàng làm ô nhiễm nước, thực phẩm và các đồ vật / bề mặt lân cận khác. Các bào tử có thể tồn tại trong môi trường vài tuần hoặc vài tháng và không thể bị tiêu diệt bởi các chất tẩy rửa hóa học thông thường như nước rửa tay. Nhiễm trùng lây từ người này sang người khác khi chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm.
5.Klebsiella pneumoniae
Klebsiella pneumoniae có thể gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng và đã được chứng minh là rất kháng với một loạt các loại kháng sinh. Chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới trung niên trở lên có hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn này có thể nguy hiểm nhưng chủ yếu là “cơ hội” và ít có khả năng ảnh hưởng đến người lớn khỏe mạnh. Do mức độ kháng thuốc cao, ở Mỹ, người ta thường thực hiện các xét nghiệm để xác định chủng nào có trong bệnh nhân để thông báo tốt hơn cho các bác sĩ về cách điều trị họ. Điều này đang làm chậm tốc độ hình thành sức đề kháng nhưng vi khuẩn này vẫn đang được quan tâm trên toàn cầu.
6.Escherichia coli (e.coli)
Hầu hết E.coli hoàn toàn vô hại và tồn tại hạnh phúc trong hệ tiêu hóa của con người. Tuy nhiên, một số chủng E.coli có thể gây bệnh nghiêm trọng và thường dẫn đến ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng cũng như viêm màng não và nhiễm trùng. Một số chủng vi khuẩn E.coli có khả năng kháng kháng sinh ở mức độ cao và trong khi hiếm khi tìm thấy các chủng này gây bệnh, đó là một ví dụ liên quan khác về vi khuẩn có khả năng gây ra vấn đề nếu chúng ta sử dụng kháng sinh không được kiểm tra.
7.Acinetobacter baumannii
Acinetobacter baumannii đã trở nên đề kháng với nhiều loại kháng sinh và giống như các vi khuẩn khác hiện đang được chống lại một cách hiệu quả nhất thông qua vệ sinh kỹ lưỡng trong các tình huống chăm sóc sức khỏe. Vi khuẩn có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt trong thời gian dài nên thường khó xử lý ở những bệnh nhân yếu hơn, và cùng với việc tăng sức đề kháng là một thách thức khó khăn đối với các bác sĩ. Đôi khi được gọi là Iraqibacter, Acinetobacter baumannii trở nên rất phổ biến trong cuộc chiến tranh Iraq giữa những người lính bị thương đi qua một số cơ sở y tế khác nhau.
8.Mycobacterium tuberculosis
Bệnh lao đã được biết đến với nhiều cái tên, bao gồm bệnh scrofula và bệnh Dịch hạch trắng và là nguyên nhân gây tử vong và mất tập trung rất lớn trong suốt lịch sử, với bằng chứng được tìm thấy trên các thi thể ước tính khoảng 9.000 năm tuổi. Người ta tin rằng Nefertiti và chồng Pharaoh của cô là Akhenaten đều chết vì bệnh lao vào khoảng năm 1330 trước Công nguyên, và các tài liệu vẫn còn từ thời Ai Cập cổ đại nói về sự nguy hiểm của căn bệnh này. Trong khi các trường hợp bệnh chỉ giảm xuống còn 5.000 trường hợp mỗi năm ở Anh vào năm 1987, sự gia tăng tình trạng kháng kháng sinh đã chứng kiến sự gia tăng trong các trường hợp vào đầu những năm 90.
9.Neisseria gonorrhoeae
Bệnh lậu lây lan qua đường tình dục và gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau ở cả nam và nữ. Một số chủng vi khuẩn nhất định đã cho thấy khả năng kháng thuốc kháng sinh và đã đột biến trong suốt 50 năm hoặc lâu hơn, dần dần thích nghi với các kháng khác nhau khi các bác sĩ thay đổi cách tiếp cận bằng cách sử dụng các loại kháng sinh khác nhau để chống lại bệnh. Các sợi lông nhỏ hoặc ‘pili’ trên vi khuẩn hoạt động giống như móc dùng để di chuyển tế bào và gắn nó vào các tế bào khỏe mạnh khác. Sử dụng pili, tế bào có thể tác động một lực gấp 100.000 lần trọng lượng của nó.
10.Streptococcus pyogenes
Giống như các vi khuẩn tiềm ẩn nguy hiểm khác như E.coli, Streptococcus pyogenes có thể được tìm thấy ở 5% – 15% tổng số con người, cư trú ở phổi hoặc cổ họng mà không gây hại gì. Streptococcus pyogenes gây ra hơn 700 triệu ca nhiễm trùng trên toàn cầu mỗi năm và có tỷ lệ tử vong cao là 25% trong những trường hợp nghiêm trọng – một khi bạn bị nhiễm trùng, vi khuẩn có thể gây ra một loạt các bệnh từ đau họng, chốc lở cho đến sốt ban đỏ. May mắn thay, vi khuẩn này bị ảnh hưởng bởi penicillin nên được điều trị dễ dàng trong hầu hết các trường hợp, tuy nhiên một số chủng đang xây dựng sức đề kháng với nhiều loại kháng sinh khác.
Đinh Hoàng Anh/tổng hợp