Seatimes – (ĐNA). Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, UBND phường An Khê (quận Thanh Khê) triển khai tiếp mô hình “Bộ hướng dẫn thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa” gắn kết với mô hình “Lực lượng Công an phường tận tụy, gắn bó, thân thiện vì Nhân dân phục vụ”. Góp phần hình thành và lan tỏa, tạo môi trường ra đời công dân số, xã hội số, trong xây dựng chính quyền số. Mô hình Tổ hỗ trợ công dân lưu động kịp thời đi vào hoạt động.
Người dân “hưởng lợi” từ Zalo và Tổ hỗ trợ công dân lưu động
Tổ hỗ trợ công dân lưu động kết hợp với “Ứng dụng zalo trong cải cách hành chính”, vừa qua đã “có công đầu” trong cấp lại các giấy tờ liên quan cho công dân (không còn giữ bất kỳ giấy tờ tùy thân nào).
Đó là trường hợp chú Thái San, sau khi lập gia đình tại Quảng Ngãi, thì về sinh sống tại địa chỉ 385/1 đường Trường Chinh, phường An Khê, Đà Nẵng. Kể từ năm 1989, chú bị tai biến nằm một chỗ, hạn chế trong sinh hoạt, đi lại và cả nhận thức.
Điều đáng nói, trong suốt mấy chục năm qua, chú San không hề có loại giấy tờ tùy thân gì, ngoài vài thông tin (được chia sẻ trong anh em gia đình, như họ tên, năm sinh). Một hôm, thông tin của UBND phường được gửi qua hệ thống zalo hành chính, anh Thái Đình Tài (là con trai của chú San), từ đó biết được Tổ hỗ trợ công dân lưu động 1 Tân An. Anh đã gặp và trình bày hoàn cảnh.
Qua tìm hiểu, lắng nghe, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, các thành viên trong Tổ đã hướng dẫn gia đình ghi mẫu đơn và sớm liên hệ các thành viên thực hiện mô hình “Ngày Chủ nhật gần Dân” được tổ chức tại khu dân cư.
Vừa tra cứu cơ sở dữ liệu, vừa song song tiến hành thẩm tra, thẩm định, xác minh và đối chiếu các quy định, UBND phường An Khê đã xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên (của trường hợp chú Thái San). UBND phường chỉ đạo Văn phòng UBND phối hợp bộ phận Tư pháp – Hộ tịch – Công an phường mời (anh Thái Đình Tài) đến và hướng dẫn anh thực hiện các bước thủ tục liên quan, và sau đó đã cấp đủ giấy tờ tùy thân cho chú Thái San.
Cũng qua “Ngày Chủ nhật gần Dân” tại khu dân cư, chị T.T.H (Tổ 66 phường An Khê) đã nắm được cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, xin giấy chứng nhận hoàn cảnh độc thân. “ Thông qua zalo tổ dân phố, đặc biệt sự hướng dẫn của chú Nguyễn Mãi tổ trưởng tổ 66. Tôi chuẩn bị thủ tục như hướng dẫn, rồi truy cập vào Cổng dịch vụ công của thành phố. Thật hay, đâu cần phải đến tận Tổ “một cửa” trên Phường. Không có nhiều thời gian, mình có thể sử dụng tiện ích qua điện thoại”, chị T.T.H vui vẻ chia sẻ .
“Phường An Khê chúng tôi còn có mợt đợt cao điểm đó là “phủ xanh” tài khoản định danh điện tử. Tại 6 khu dân cư trên địa bàn phường, tập trung là nhà sinh hoạt cộng đồng, lực lượng đoàn viên, cùng Công an Phường tích cực truyền thông, trực tiếp hướng dẫn từng trường hợp để nhân dân nắm bắt tiện ích, ý nghĩa khi khai thác ứng dụng VneID và thông qua chiếc điện thoại, sử dụng các ứng dụng thông minh. Toàn lực lượng đều đặnvà luân phiên “bám trụ” 3 buổi/Tuần. Nhất định, khi đã có chuyển biến từ nhận thức, qua nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày, bà con sẽ sử dụng”, anh Phan Trần Hải Giang – Bí thư Đoàn phường An Khê khẳng định.
Không chỉ dồn dập, làm theo phong trào trong đợt cao điểm, đến nay, UBND Phường quan tâm duy trì 90 Tổ Công nghệ số cộng đồng với 450 thành viên. Tổ dân phố, khu dân cư nào cũng có Tổ công tác này. Chọn thời gian thích hợp, các Tổ vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản công dân điện tử, cài đặt và nắm bắt kỹ năng sử dụng các ứng dụng số cơ bản (từ mở tài khoản định danh điện tử cá nhân, tạo lập sổ sức khỏe điện tử và sử dụng bảo hiểm xã hội số, đến thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến (phổ biến) trên Cổng dịch vụ công).
“Thực lòng, bây chừ thì khá nhiều người dùng điện thoại thông minh, nhưng lại ít quan tâm cài đặt ứng dụng, tiện ích hành chính, dịch vụ do chính quyền chia sẻ. Tạo tài khoản định danh điện tử thì tôi có nghe, nhưng là người lao động, phần lo làm ăn, phần không quen nạp số liệu này, thông tin kia, nên tôi và số đông người lao động cũng ngại.
Từ khi các em đoàn viên thanh niên cùng các anh Công an phường đến tận tổ dân phố hướng dẫn, hỗ trợ, tôi thấy cũng dễ dàng nắm bắt chớ không khó lắm. Cài rồi, mình học cách sử dụng cũng tiết kiệm nhiều thời gian, mà còn theo xu thế chung. Nếu thành thạo, tôi lại hướng dẫn người thân, bạn bè, bà con cùng cài và cùng dùng”, chị Lê Thị Lan (tổ 35, phường An Khê) bộc bạch.
Chú Nguyễn Văn Tuấn (Tổ 61, phường An Khê) chia sẻ: Tiện ích dễ thấy nhất là mình lướt điện thoại để biết quy trình thủ tục hành chính. UBND Phường đã tổng hợp và phổ biến, công khai đầy đủ. Còn muốn sâu hơn, thì bà con mình tùy ý tra cứu thêm thông tin, văn bản, cơ sở dữ liệu quốc gia văn bản pháp luật chừ có đủ hết. Tôi thì xem để biết tình trạng hồ sơ đã nộp, biết kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo yêu cầu. Điều này, bớt phiền hà cho dân lắm. Chẳng cần phải đến tận nơi.
Kỷ niệm hè ở vùng ngoại ô với Thư viện số
Như chúng tôi đã chia sẻ từ đầu, An Khê (Quận Thanh Khê), là phường ngoại ô của thành phố Đà Nẵng, với đặc thù riêng, trong chuyển đổi số, Phường gặp không ít thách thức, khó khăn. Nhưng điều ít ai biết, An Khê cũng thành công với những mô hình được triển khai theo khả năng có được của địa phương, theo cách nghĩ, cách làm sáng tạo, của lực lượng cán bộ, chuyên viên đến lãnh đạo Phường. Trong số các mô hình đó, có một “điểm sáng” là công trình thanh niên của Đoàn phường An Khê.
“Hiện tại thì mô hình được Thành đoàn Đà Nẵng nhân rộng cho 56 xã, phường trên địa bàn thành phố chúng ta cùng triển khai thực hiện. Còn vào đầu năm 2023, nhờ việc sáng tạo ra mô hình, bản thân tôi vinh dự nhận giải thưởng cao quý nhất (dành cho Cán bộ Đoàn). Đó là giải thưởng Lý Tự Trọng của Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”, Bí thư Đoàn phường An Khê, anh Phan Trần Hải Giang kể.
Thư viện số của tuổi trẻ phường An Khê được khai sinh từ ý tưởng “vừa nâng cao tuyên truyền chuyển đổi số, vừa là mô hình thiết thực phục vụ thanh niên và người dân”.
Ngoài ra, trước yêu cầu đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động phong trào Đoàn, khi mà kinh phí hoạt động của Đoàn Phường rất hạn chế, thì xu thế nghiên cứu, học hỏi những cách làm hay, hiệu quả trên cơ sở sử dụng các nền tảng số có sẵn, là tiêu chí thôi thúc người thủ lĩnh của Đoàn nghĩ đến sớm nhất. Chuyện khởi đầu vào giữa năm 2022. Cuối cùng, Bí thư Hải Giang và tập thể Đoàn Phường “hạ quyết tâm” ý tưởng, xây dựng mô hình Thư viện số – Đọc sách thông minh.
Khởi đầu xây dựng “Thư viện ảo”, Đoàn phường thành lập Nhóm (khoảng 5 – 6 bạn), đều là sinh viên và học sinh cấp 3. Các bạn không học chuyên sâu về công nghệ thông tin, nhưng đầy nhiệt huyết, có kiến thức về web và tương tác số, ngay khi nhận nhiệm vụ đã cùng nhau bàn hướng tự tìm tòi, thực hiện cho được. Cuối cùng thì một phiên bản thư viện số của Đoàn Thanh niên Phường An Khê đã ra đời, có giao diện thân thiện và dễ sử dụng, tìm kiếm và truy cập tài liệu.
“Các yếu tố như có mục lục điều hướng, công cụ tìm kiếm thông minh, và thiết kế responsive để phù hợp với nhiều thiết bị (máy tính, điện thoại, máy tính bảng) có thể là những điểm sáng tạo”, bạn Nguyễn Minh Tuấn thành viên trong Team thiết kế phân tích.
Đi vào hoạt động (từ tháng 7/2022), tính đến tháng 7/2024, “Thư viện trên không gian mạng của Đoàn Phường An Khê” đã thu hút hơn 4.300 lượt truy cập. Đoàn Phường cấp mã và phổ biến mã QR (của mô hình) tại các nhà văn hoá cộng đồng khu dân cư, các quán cà phê trên địa bàn phường, nơi thường xuyên có các bạn trẻ cũng như người dân tập trung sinh hoạt. Thư viện đã có hơn 420 đầu sách với nhiều lĩnh vực như: Văn học Việt Nam, Khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, truyện tranh, địa lý, y học, thể thao… phục vụ độc giả.
“Em biết được thư viện trên không gian mạng của Đoàn phường qua mã Qr được dán tại Nhà sinh hoạt cộng động khu vực Phần Lăng, số 21 Phần Lăng 5, phường An Khê. Còn nhớ, lúc đó, em đang tham gia sinh hoạt hè, lúc nghỉ giải lao, tò mò lấy điện thoại thử quét mã Qr. Tuyệt, ứng dụng có ngay và em đã trải nghiệm ngay lập tức, vì bản thân là “mọt sách”, bạn Phạm Thị Xuân Hiền, (tổ 51 phường An Khê), hiện là sinh viên trường Đại học Nội vụ phân hiệu Quảng Nam, cho biết.
Với mục tiêu kết gắn chuyển đổi số gắn với duy trì văn hóa đọc, nhưng luôn bảo đảm sức hấp dẫn của mô hình, các Quản trị viên tích cực tìm kiếm sách hay trên các trang web eBook, sau đó liên hệ, kêu gọi ủng hộ, để được khai thác vì mục tiêu phi thương mại. Hiểu tấm lòng và công việc của Đoàn, chủ sở hữu nhanh chóng đồng ý. Dữ liệu sách sau đó được chia sẻ qua file định dạng PDF. Từ nguồn này, flie được tải lên thư viện số của Đoàn. Kho sách ngày một phong phú hơn, luôn có thêm độc giả mới.
“Thật thú vị và nhiều cảm xúc, khi em đọc lại các tác phẩm như Dế mèn phiêu lưu ký, hay tác phẩm về anh hùng Kim Đồng. Đây là những đầu sách đã gắn với tuổi thơ của em. Rồi tác phẩm văn học trong nhà trường, truyện ngắn Lão Hạc của Nhà văn Nam Cao, em cũng tìm đọc Đại Việt sử ký toàn thư … Theo xu thế đọc sách điện tử của giới trẻ, mô hình thư viện số của Đoàn phường rất là tiện ích và phù hợp. Các bạn trẻ và thật ra cả cộng đồng bây giờ đều muốn chỉ cần quét mã Qr là dễ dàng và nhanh chóng trực tiếp trải nghiệm…” bạn Phạm Thị Xuân Hiền đầy cảm xúc chia sẻ.
Trong bối cảnh nhiều ứng dụng của tiến bộ công nghệ, được phổ biến, khai thác ở quá nhiều lĩnh vực của đời sống, một trong những cách duy trì và phát triển văn hóa đọc ở trào lưu 4.0, chính là Thư viện số. ”Nhiều độc giả sau khi trải nghiệm, có phản hồi rằng Đoàn phường cần tiếp tục phát triển mô hình, bổ sung thêm nhiều đầu sách hơn, phong phú hơn, nhất là các tác phẩm văn học hay, kể cả sách lịch sử, nhằm nâng cao văn hoá đọc trong thanh niên hiện nay”, Bí thư Phan Trần Hải Giang bày tỏ./.
Bài 1: Chuyển đổi số ở một phường ngoại ô Đà Nẵng
Trần Ngọc