Seatimes – (ĐNA). Chiều 5/8/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng bộ Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar Rivera.
Tham dự buổi làm việc, về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Văn phòng Bộ.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar Rivera đã chuyển lời chia buồn sâu sắc của Tổng thống, Chính phủ và nhân dân Costa Rica tới Đảng, Chính phủ, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về sự ra đi của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cảm ơn tình cảm của lãnh đạo và nhân dân Costa Rica dành cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về việc Costa Rica công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn và ghi nhận thiện chí của phía Costa Rica, đồng thời đề nghị cấp kỹ thuật hai bên tiếp tục phối hợp làm việc về nội dung này.
Đồng thời, Bộ trưởng Manuel Tovar Rivera đã trao Công hàm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường cho Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Hai bộ trưởng đã chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và Cơ quan xúc tiến ngoại thương PROCOMER Costa Rica.
Bản ghi nhớ hợp tác gồm những nội dung chính, cụ thể:
– Cập nhật, trao đổi thông tin về chính sách thương mại, chia sẻ số liệu thị trường, cơ hội đầu tư và các thông tin thị trường liên quan;
– Phối hợp tổ chức và hỗ trợ các đoàn kinh tế và thương mại của hai Bên, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương Việt Nam;
– Phối hợp tổ chức các chương trình hội thảo, triển lãm tại thị trường của mỗi Bên và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp mỗi Bên.
– Hỗ trợ doanh nghiệp hai Bên kết nối, tối ưu hoá tiềm năng hợp tác trong xúc tiến thương mại; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hợp tác hai Bên;
– Hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm thực tế; trao đổi các chương trình đào tạo kỹ thuật nhằm giúp các cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Costa Rica đặc biệt trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Việc ký kết MOU cơ bản sẽ giúp hai Bên tạo cơ chế hợp tác một cách ổn định, bền vững và bài bản; thiết lập kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan Xúc tiến ngoại thương Costa Rica nói riêng và tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Costa Rica nói chung.
Trao đổi về quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Costa Rica thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá thương mại song phương đã có những bước phát triển tích cực với kim ngạch duy trì ở mức 150 – 200 triệu USD/năm. Mặc dù vậy, đây vẫn là con số khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của cả hai bên, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam và Costa Rica.
Nửa đầu 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Costa Rica đạt 99,95 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Costa Rica đạt 76,80 triệu USD, tăng 20,9%, nhập khẩu từ Costa Rica đạt 23,15 triệu USD, tăng 9,9%.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Costa Rica lần lượt là: Phương tiện vận tải và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim loại thường khác và sản phẩm, hàng thủy sản, chất dẻo nguyên liệu, giày dép các lỞ chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Costa Rica máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ. –Costa Rica là một quốc gia nằm ở Trung Mỹ, được xếp hạng là một trong những điểm đến quốc tế được ghé thăm nhiều nhất. Một trong những nguồn thu nhập chính của Costa Rica là du lịch.
Theo World Bank, về nhiều mặt, Costa Rica là một câu chuyện thành công về phát triển. Đây được coi là một quốc gia có thu nhập trung bình khá, đã cho thấy sự tăng trưởng kinh tế ổn định trong 25 năm qua. Sự tăng trưởng này là kết quả của một chiến lược hướng ngoại, dựa trên sự cởi mở với đầu tư nước ngoài và tự do hóa thương mại dần dần.
Sự kết hợp giữa ổn định chính trị, hợp đồng xã hội và tăng trưởng ổn định đã dẫn đến một trong những quốc gia có tỷ lệ nghèo đói thấp nhất ở Mỹ Latinh và Caribe. Năm 2023, GDP của Costa Rica tăng 5,1%.
Theo định nghĩa của National Geographic, nền kinh tế thị trường là một hệ thống kinh tế trong đó hai lực lượng, được gọi là cung và cầu, chỉ đạo sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nền kinh tế thị trường không được kiểm soát bởi một cơ quan trung ương và thay vào đó dựa trên trao đổi tự nguyện.
Trong khi đó, nền kinh tế phi thị trường là nền kinh tế mà chính phủ độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại và nhà nước định giá trong nước. Nếu một quốc gia xuất khẩu được coi là không có khả năng tiếp thị, các nguyên tắc tính giá thông thường sẽ không được sử dụng. Quốc gia nhập khẩu có thể sử dụng các phương pháp khác mà họ cho là hợp lý. Điều này tạo ra một số bất lợi lớn cho các nhà sản xuất và xuất khẩu từ các nền kinh tế được coi là phi thị trường. Trên thực tế, mỗi quốc gia và nền kinh tế sẽ có các quy định riêng về tiêu chí xác định nền kinh tế phi thị trường.
Tính đến tháng 8/2024, đã có 73 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nước công nhận sớm nhất là Trung Quốc, từ 1/10/2004. 10 nước tiếp theo là: Venezuela, Nga, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Myanmar… Nước thứ 73 là Costa Rica, 8/2024. Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, nhưng hiện tại Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nước có kinh tế thị trường.
Hoàng Hạnh