Seatimes – (ĐNA). Theo tạp chí Foreign Policy, Ukraine đang chật vật hoàn thành thỏa thuận tái cấu trúc một số khoản nợ trái phiếu dự kiến đến hạn vào ngày 1/8/2024. Nếu không làm kịp việc này, Kiev đứng trước nguy cơ không thể vay tiền để tái thiết đất nước trong giai đoạn hậu chiến.
Vấn đề nợ nần đã luôn hiện hữu ở đất nước Ukraine từ thời hậu Liên Xô. Trong nhiều năm qua, Ukraine luôn là một trong những nền kinh tế yếu kém nhất trong số các nước từng thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Hiện nay Ukraine không chỉ đang chật vật trên chiến trường mà còn phải đối diện những khó khăn lớn về tài chính khi các khoản nợ quốc tế khổng lồ ngày càng tiến gần hơn đến ngày đáo hạn.
Ukraine thường xuyên trong tình trạng nợ nước ngoài. Các bên cho vay chính thường là các tổ chức tài chính quốc tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 tác động hết sức tiêu cực lên kinh tế Ukraine, tạo tiền đề cho những cuộc thương thảo giữa chính quyền cựu tổng thống Viktor Yanukovych và Liên minh châu Âu (EU).
Trong khoảng các năm 2013-2014, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và nhiều tổ chức tín dụng tư nhân đã cho Ukraine dưới hình thức các khoản vay hỗ trợ phục hồi kinh tế. Qua nhiều năm, số nợ nước ngoài của Ukraine đã tăng thêm hàng tỉ USD, bao gồm nợ tổ chức tư nhân, nợ IMF, các khoản vay song phương và đa phương với chính phủ các nước, bao gồm Mỹ và EU.
Nợ nước ngoài không phải vấn đề mới xuất hiện mà đã là câu chuyện gắn liền với lịch sử Ukraine dưới tư cách quốc gia độc lập thời hiện đại. Sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2/2022, các tổ chức tín dụng tư nhân đã đồng ý đình chỉ nợ cho Ukraine trong hai năm để giảm bớt gánh nặng cho Ukraine.
Bài toán nào để Ukraine cân bằng nợ khi Ukraine liên quan đến ba nhóm chủ nợ?
Nhóm nợ thứ nhất là các tập đoàn đầu tư tư nhân đã mua trái phiếu của Ukraine. Trong số này có những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới như BlackRock, Amundi, Pimco – những doanh nghiệp này xem trái phiếu Ukraine như một dạng đầu tư rủi ro cao, lợi nhuận lớn.
Trước tình hình Ukraine khó có thể thanh toán khi việc đình chỉ nợ vì chiến sự hết hạn, một số doanh nghiệp hàng đầu đã thành lập Ủy ban chủ nợ đặc biệt của Ukraine nhằm thương lượng tái cấu trúc nợ, trong đó có ba công ty nêu trên. Nhóm này được đánh giá sẽ chấp nhận chịu lỗ một phần để đảm bảo khả năng thu hồi nợ.
Nhóm chủ nợ thứ hai là các chính phủ phương Tây. Đây là nhóm đã liên tục công bố những khoản vay trị giá hàng chục tỉ USD cho Ukraine, bao gồm khoản vay 50 tỉ USD vừa được công bố tại hội nghị G7 cách đây vài tuần.
Nếu Ukraine không đạt thỏa thuận hoãn nợ với nhóm doanh nghiệp tư nhân ở trên thì toàn bộ số tiền này sẽ phải được dùng để trả nợ những công ty đó. Việc này nhằm giúp Ukraine duy trì xếp hạng tín dụng của mình và dễ dàng vay nợ thêm khi chiến tranh kết thúc.
Nói cách khác, phương Tây đang phải chi tiền cho Ukraine vay để nước này trả nợ các doanh nghiệp – điều mà chính phủ và người dân các nước phương Tây đều không thật sự mặn mà.
Chủ nợ cuối cùng chính là IMF. Về lý thuyết, IMF sẽ cho chính phủ các nước vay kể cả khi họ bị khối tư nhân từ chối, tuy nhiên họ yêu cầu phải có quyền ưu tiên trả nợ cao nhất, đồng nghĩa việc Kiev sẽ không thể thương lượng nợ. Bù lại, IMF sẽ cung cấp các khoản vay mới để Ukraine lấy tiền đó trả nợ khoản vay cũ sắp đáo hạn.
Ukraine sẽ phải cân bằng quan hệ giữa ba chủ nợ nói trên. Phía doanh nghiệp tư nhân có thể phải chịu lỗ một phần nhưng sẽ cố gắng tránh điều đó. Chính phủ các nước có thể cung cấp khoản vay được trợ giá nhưng không muốn chúng được dùng để Kiev trả nợ doanh nghiệp. Trong khi đó, IMF không chấp nhận bất cứ việc đàm phán giảm nợ nào nhưng sẽ cho vay thêm để giúp Ukraine trả nợ cũ.
Ukraine có thể đạt thỏa thuận khất nợ
Ngày 22/7, Chính phủ Ukraine tuyên bố đã được Ủy ban chủ nợ đặc biệt đồng ý phương án tái cấu trúc khoảng 20 tỉ USD nợ. Với thỏa thuận này, các nhà đầu tư sẽ giảm trên 1/3 giá trị danh nghĩa của số nợ trên.
Theo Financial Times, việc tái cấu trúc nợ có thể giúp Ukraine giảm hơn 11 tỉ USD tiền thanh toán trái phiếu đến hạn trong ba năm tới, mở ra tương lai tài chính có phần sáng sủa hơn cho Ukraine.
Tuy nhiên mối nguy vỡ nợ vẫn đang gây áp lực với lãnh đạo Ukraine. Theo báo Wall Street Journal, Ukraine cần sự chấp thuận của 2/3 trái chủ để thỏa thuận trên được hoàn tất. Lý do ủy ban trên chỉ đại diện cho 22% số trái chủ của Ukraine. Điều này có nghĩa quá trình đàm phán tái cấu trúc nợ vẫn sẽ phải tiếp tục trong vài tuần tới.
Theo nhà báo chuyên mảng kinh tế của tạp chí Foreign Policy Adam Tooze vẫn rất hy vọng Ukraine sẽ không vỡ nợ. Ông nói: “Tôi nghĩ sẽ rất khó để Ukraine vỡ nợ hoàn toàn. Nhưng tình cảnh này gây sức ép lớn cho Ukraine giữa lúc họ đang chật vật trên chiến trường. Họ đang tìm cách kêu gọi đủ sự trợ giúp từ bên ngoài để tiếp tục cuộc chiến mà nhiều khả năng sẽ bước qua năm thứ tư”.
Chy Lê