Seatimes – (ĐNA). Sáng sớm nay (16/7/2024), ap thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ) và tiếp tục suy yếu thêm. Nhiều khu vực trên cả nước tiếp tục mưa lớn. Xuất hiện vùng áp thấp mới hoặc bão từ Philippines, khả năng di chuyển vào Biển Đông.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, đêm qua và sáng nay, ở khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 15/7 đến 8h ngày 16/7 có nơi trên 110mm như: Quý Hòa (Hòa Bình) 132.2mm, Cúc Phương (Ninh Bình) 119.0mm, Con Cuông (Nghệ An) 141.2mm, Sơn Kim 1 (Hà Tĩnh) 134.6mm,…
Dự báo từ hôm nay đến hết đêm mai (17/7), ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Tại khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa đến Quảng Bình lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Khu vực Tây Nguyên lượng mưa 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).
Ngày và đêm nay, ở khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Nam Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm (mưa tập trung vào chiều và tối).
Cơ quan khí tượng lưu ý, tác động của mưa lớn đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trước đó, tại buổi họp bàn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn vào chiều 15/7, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: “Chúng tôi lo nhất là mưa ở thời điểm trong và sau áp thấp nhiệt đới gây ra lũ quét, sạt lở đất ở phía nam Tây Nguyên và các tỉnh vùng núi Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An – Quảng Ngãi). Ở vùng núi Bắc Bộ, mưa mở rộng lên phía Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu”.
Trong một diễn biến khác, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ vừa có nhận định về hình thế thời tiết những ngày tới. Theo đó, dải hội tụ nhiệt đới qua khu vực Bắc Bộ và giữa Biển Đông suy yếu dần, nhưng khoảng từ 18-19/7 hoạt động mạnh dần nối với vùng thấp ở phía đông Philippines có khả năng hoạt động mạnh. Đồng thời trên dải hội tụ nhiệt đới khoảng ngày 19-20/7 hình thành nhiễu động (theo dõi sự phát triển của vùng nhiễu động này). Gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh.
Hoàng Hạnh