Seatimes – (ĐNA). Ngày 27/6/2024, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Công an Nhân dân ra mắt Cuốn sách “Sứ mệnh cao cả – Hồi ức 10 năm”. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày quân tình nguyện Việt Nam giúp đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng (1979 – 2024) và hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 – 19/8/2024).
Trong cuốn sách này, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công An Viễn Chi, nguyên Trưởng Đoàn chuyên gia K79 tóm tắt và kể về những vụ án mà Đoàn chuyên gia K79 đã tham gia: chính phủ phản động Hemkitsna do CIA dựng lên bị bắt ở Phnom Penh; ngăn chặn một tên đồ tể của bọn diệt chủng Pol Pot chui vào nội bộ Công an Campuchia; bắt sống Keobay – Sư đoàn trưởng chỉ huy đội quân ngầm của Pol Pot tại Phnom Penh; một trận đánh phối hợp tuyệt đẹp của lực lượng an ninh 3 nước Đông Dương…
Cuốn sách được Chủ tịch nước Tô Lâm viết lời giới thiệu. Trong đó, Chủ tịch nước đánh giá: “Đây thực sự là một tài liệu quý của ngành, cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ Công an thêm những kinh nghiệm trong thực thi nhiệm vụ cụ thể, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế”.
Khi còn sống, tác giả Viễn Chi chia sẻ: Để chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm ngày Thành lập lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/1995), Nhà xuất bản Công an Nhân dân đã gợi ý ông viết hồi ký, trước mắt có thể viết về 10 năm giúp cách mạng Campuchia. Đây là thời kỳ mà Đoàn chuyên gia K79 của ông đã trở thành đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam.
“Tôi thấy nếu viết được hồi ký thì rất tốt để ghi lại những gì mình đã biết và đã làm, nhưng viết hồi ký về an ninh thì rất khó vì đây là một mặt trận bí mật, có quan hệ tới nhiều lĩnh vực thuộc về an ninh quốc gia, tình hình lại đang biến động. Vì vậy, trước mắt tôi chưa có tham vọng viết hồi ký mà chỉ có thể kể lại những mẩu chuyện về cuộc chiến đấu giữa ta và địch trong lĩnh vực an ninh ở Campuchia”, tác giả Viễn Chi viết về sự ra đời của bản thảo Hồi ức mười năm, tiền thân của cuốn sách.
Nhà xuất bản Công an Nhân dân cho rằng, Sứ mệnh cao cả (Hồi ức mười năm) giống như một biên niên sử về quãng thời gian 10 năm (1979 – 1989) không riêng của vị Trưởng Đoàn chuyên gia an ninh Bộ Nội vụ Việt Nam giúp Campuchia mà còn là tâm tư, tình cảm, vẻ đẹp, những chiến công, hy sinh thầm lặng, máu và nước mắt người chiến sĩ, trong đó có người chiến sĩ Công an Nhân dân khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia hồi sinh sau nạn diệt chủng.
Viết đề dẫn cho cuốn sách, đại tá Trần Nguyên Minh, con trai cố Thứ trưởng Trần Viễn Chi cho biết, Hồi ức mười năm được viết năm 1996, khi tác giả nhớ và ghi lại thời gian là trưởng đoàn chuyên gia Bộ Nội vụ Việt Nam giúp cách mạng Campuchia. Trong thời gian này, ông lấy tên là Chính Nghĩa, cũng là tên thường dùng đối với đồng nghiệp của ông người Campuchia. Cuốn sách cũng được bổ sung các tư liệu ảnh, tư liệu giấy về việc phối hợp phá một số vụ án như vụ Lê Quốc Túy, Hoàng Cơ Minh…
Tác giả Viễn Chi tên khai sinh là Trần Xuân Viên (1919-1999), sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, yêu nước tại xã Tân Thịnh, Nam Trực, Nam Định. Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cuộc đời của ông đã có hơn 40 năm gắn bó, đảm nhiệm nhiều trọng trách trong ngành Công an, để lại những dấu ấn sâu sắc về một cán bộ cao cấp nhiều kinh nghiệm, tinh thông nghiệp vụ. Đặc biệt là khi ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn Chuyên gia an ninh Bộ Nội vụ Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989. Ông và đoàn công tác đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm với người dân Campuchia, có nhiều việc làm hiệu quả, mang lại những đóng góp nhất định đối với nhà nước cách mạng Campuchia trên lĩnh vực an ninh, trật tự, giúp Bộ Nội vụ Campuchia trong công tác xây dựng lực lượng từ khi còn non yếu trở thành vững chắc, toàn diện.
Hoàng Hạnh