Seatimes – (ĐNA). Tháng 8/2014, với sự hỗ trợ của Vietnam Airlines, chiếc xe kéo tay của hoàng thái hậu Từ Minh đã được đưa từ Cộng hòa Pháp về Hà Nội, sau đó chuyển về Huế và từ đó đến nay đã được trưng bày ở tòa nhà Tả Trà trongcung Diên Thọ, nơi các hoàng thái hậu triều Nguyễn ăn ở sinh hoạt trong suốt hơn 140 năm (1804-1945). Chiếc xe kéo hoàng gia này là cổ vật đầu tiên được một cơ quan nhà nước của Việt Nam đấu giá thành công, từ đó mở ra một hướng đi mới cho việc hồi hương các cổ vật quý của chúng ta đang lưu lạc ở nước ngoài.
Chiếc long sàng bằng gỗ trắc của vua Thành Thái và chiếc xe kéo tay bánh sắt, thân gỗ lim của Thái hậu Từ Minh
Đó là 2 cổ vật từng gắn bó với vị hoàng đế thứ 10 của triều Nguyễn, vua Thành Thái, vị vua nổi tiếng bởi tinh thần yêu nước và có một cuộc đời kỳ lạ. Bản thân 2 cổ vật này cũng có số phận thật ly kỳ….
Chiếc long sàng tuyệt đẹp đóng bằng gỗ trắc được chạm trổ tinh mỹ được nhà vua sử dụng trong những chuyến vi hành ra khỏi kinh đô và chiếc xe kéo tay bằng gỗ khảm xà cừ công phu vốn do nhà vua đặt các thợ mộc giỏi nhất của làng Kinh Lược, Hà Nội làm cho thân mẫu của mình để dạo chơi trong cung, sau hơn một trăm năm lưu lạc ở xứ người, chúng đang được chuẩn bị đưa trở về Tổ Quốc.
Long sàng của vua Thành Thái đóng bằng gỗ trắc quý, được chạm trổ tinh xảo và có phần được sơn son thếp vàng.
Theo ông Jourdan, chiếc long sàng là do nhà vua được thừa kế từ tổ tiên và được ông rất yêu quý. Đó là một chiếc giường đơn đúng phong cách cung đình Huế với các hoa văn cổ đồ-tam sơn, lá hóa rồng… trang trí phủ đầy phần thành giường, chân giường, khung giường… Phần đầu giường có các ngăn kéo nhỏ khảm xà cừ, dùng để chứa đồ trang sức, đồ hút thuốc phiện của nhà vua. Một tấm gương tròn gắn chính giữa và hai bên là các ô trang trí, được chạm trổ tỉ mỉ và được sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Ở mặt ngoài đầu giường cũng được trang trí công phu và trung tâm là một hình rồng cung đình thếp vàng rực rỡ. Đã trên trăm năm trôi qua, chiếc long sàng không hề cũ kỹ mà càng lên nước óng ả theo thời gian.
Chiếc xe kéo tay bánh sắt, thân gỗ lim vốn dành cho Thái hậu Từ Minh đi dạo trong cung và các khu vườn thượng uyển cũng được tạo tác rất tinh xảo. Phần thân xe, tay vịn, ghế ngồi được trang trí vô cùng công phu bằng cách khảm xà cừ các bức tranh, hoa lá, chữ thọ cách điệu theo phong cách cung đình Huế. Chiếc ghế trên xe được bọc nỉ với phong cách Luis rất thịnh hành thời bấy giờ. Và cũng như chiếc long sàng, chiếc xe vẫn còn được bảo tồn hoàn hảo qua thời gian.
Năm 1889, Bửu Lân bất ngờ được đưa lên ngôi, lấy niên hiệu là Thành Thái. Trong 18 năm ở ngôi hoàng đế, vua Thành Thái đã để lại những dấu ấn trong lịch sử bởi những hành động yêu nước, chống lại chế độ thực dân Pháp. Cũng vì nguyên nhân này, năm 1907, nhà vua bị thực dân Pháp phế truất và đưa đi an trí tại Vũng Tàu. Một số đồ ngự dụng vốn gắn bó thân thiết của ông đã được đem đi bán hay cầm cố. Ngày 18 tháng 10 năm 1907, chiếc long sàng và chiếc xe kéo của nhà vua đã được định giá 400 đồng và bán cho ông Prosper Jourdan, viên thanh tra phụ trách đội bảo vệ bản xứ của hoàng đế, sau đó đổi lấy một xe ô tô. Khi về nước, Prosper Jourdan đã đưa những báu vật này về Pháp và lưu giữ trong gia đình. Năm 1916, để tưởng nhớ những những kỷ niệm xưa về xứ Đông Dương xa xôi, Jourdan đã đồng ý cho hội chợ thương mại Dijon mượn và trưng bày một thời gian.
Tất cả tưởng như chìm vào quên lãng nếu không có sự kiện ngày 13/6/2014, tại thành phố Tour cách Paris ngót 200km, nhà bán đấu giá Rouillac, với sự ủy nhiệm của gia đình Prosper Jourdan đã đem bán đấu giá 2 món cổ vật này. Với sự hợp sức quyết tâm rất lớn của Cố đô Huế, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng những con dân Việt nặng lòng với di sản văn hóa cha ông, cả món cổ vật trên đã được người Việt Nam mua lại! Chiếc long sàng đã được ông Tạ Văn Quang, một Việt kiều có họ hàng với vua Thành Thái mua với giá 100.000 euro, còn chiếc xe kéo tay được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mua với giá 45.000 euro (chưa kể 24% thuế tại Pháp và 10% thuế khi nhập khẩu). Điều may mắn lớn nhất, là dù được mua lại bởi một cá nhân hay nhà nước, hai món cổ vật trên đều sẽ được đưa về cố đô Huế để trưng bày, bảo tồn và phát huy giá trị. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên trên phương diện nhà nước, Việt Nam tham gia đấu giá thành công ở thị trường quốc tế với mục tiêu giành lại và đưa các báu vật về Tổ Quốc.
Trong quá khứ, do thường xuyên bị xâm lược và cướp bóc, hàng triệu cổ vật của Việt Nam đã bị đưa ra nước ngoài, trong đó có không ít những bảo vật vô giá. Việc người Việt trong và ngoài nước đồng tâm hiệp sức tham gia đấu giá thành công hai món cổ vật trên thực sự là một sự kiện quan trọng, không chỉ cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng đối với các di sản văn hóa của cha ông mà còn là dấu mốc đánh dấu sự “trở về” của các di sản ấy.
Cố đô Huế tự hào là địa phương tiên phong trong việc hồi hương các di sản văn hóa, sự “trở về” của các cổ vật gắn liền với cuộc đời của nhà vua yêu nước Thành Thái có thể xem là một ví dụ điển hình.
TS.Phan Thanh Hải