Seatimes – (ĐNA). Chính phủ Campuchia đặt mục tiêu đưa quốc gia campuchia trở thành một trong 10 nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, đồng thời góp phần vào những nỗ lực rộng lớn hơn để trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050. Đó là một trong những mục tiêu cụ thể trong chiến lược phát triển mới tập trung vào mũi nhọn nông nghiệp, mà Thủ tướng Campuchia Hun Manet công bố mới đây.
Trong những năm gần đây, an ninh lương thực đã trở thành vấn đề hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo Campuchia. Mặc dù đất nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển kinh tế – xã hội song tình trạng mất an ninh lương thực vẫn là một vấn đề khá nghiêm trọng trong bối cảnh có sự biến động về nguồn cung và giá cả lương thực tại khu vực và toàn cầu.
Theo một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc, khoảng 2,5 triệu người Campuchia, tương đương 15% dân số – đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Với dân số khoảng 16,5 triệu người, trong đó gần 80% sống ở nông thôn, nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Campuchia. 65% dân số sống dựa vào nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp – lĩnh vực sử dụng tới 49% lực lượng lao động của cả nước và chiếm 22% GDP.
Nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào gạo (70%) – mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất và lúa là cây trồng chính của đất nước. Tiếp theo là cây công nghiệp và phụ trợ như mía (20%), cao su (7%) và cây lâu năm (4%).
Tuy nhiên, các thị trường hàng đầu của Campuchia rất đa dạng, thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng theo đuổi chiến lược đa dạng hóa của đất nước.
Năm 2023, Campuchia đã xuất khẩu gần 8,45 triệu tấn nông sản (đạt giá trị 4,3 tỷ USD) sang khoảng 75 quốc gia và khu vực, trong đó Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan là những thị trường chính.
Tại Campuchia, việc thương mại hóa và phát triển các ngành công nghiệp chế biến được đánh giá có thể mang lại những cơ hội đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch doanh nghiệp nông nghiệp châu Á Wilmar International và Thủ tướng Campuchia hồi đầu năm nay cho thấy có sự quan tâm lớn đến kế hoạch này.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều quốc gia trong khu vực quan tâm đến hợp tác nông nghiệp và lương thực sâu rộng hơn với Campuchia. Ngoài Australia, một trong những đối tác chiến lược lâu dài và đối tác phát triển nông nghiệp lớn của đất nước, vẫn có thể thực hiện được đầu tư liên vùng. Vào tháng 9 năm ngoái, các Biên bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhỏ đã được các quốc gia ASEAN ký kết như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy Hiệp hội các quốc gia ASEAN hướng tới hội nhập kinh tế mạnh mẽ hơn.
Các nước khác cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt. Chẳng hạn, Indonesia, đối tác thương mại lớn thứ sáu của Campuchia đang để mắt tới các khoản đầu tư tiềm năng vào vựa lúa của Campuchia. Tháng 11/2023, chuyến hàng gạo đầu tiên của Campuchia đã đến Indonesia.
Thái Lan, cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Campuchia trong ASEAN, đặt mục tiêu đạt 15 tỷ USD thương mại song phương, bao gồm cả thương mại nông nghiệp, vào năm 2025.
Ở những nơi khác, Nhật Bản cũng quan tâm đến nông sản của Campuchia. Trong khi, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các dự án nông nghiệp chung với nền nông nghiệp Đông Nam Á này.
Trong khi đó, Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, cũng quan tâm đến đầu tư nông nghiệp và hợp tác an ninh lương thực với quốc gia thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Ngoài việc tham gia thỏa thuận an ninh lương thực ASEAN-Trung Quốc mới, hai nước còn tìm kiếm sự hợp tác nông nghiệp song phương mạnh mẽ hơn, như các thỏa thuận gần đây nhằm thiết lập “Hành lang lúa gạo và cá” và “Hành lang phát triển công nghiệp” Trung Quốc-Campuchia. Bên ngoài châu Á, Pháp và Israel đều đã bày tỏ sự quan tâm đến hợp tác nông nghiệp với Campuchia.
Những khó khăn trước mắt do thiếu công nghệ
Như vậy, Campuchia đang đứng trước các cơ hội lớn về hợp tác an ninh lương thực và nông nghiệp song phương, khu vực, liên khu vực và quốc tế. Dù trước mắt, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách ở quốc gia Đông Nam Á này sẽ phải đối mặt với một “cuộc chiến” khó khăn để giải quyết những mối lo ngại trong tham vọng trở thành cường quốc sản xuất nông nghiệp của thế giới.
Theo các nhà phân tích, dù nông nghiệp có thể là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế – xã hội và an ninh lương thực ở Campuchia, nhưng trước tiên nước này cần phải giải quyết một số mối lo ngại.
Campuchia phải đối mặt với rủi ro thiên tai cao như lũ lụt và hạn hán, một phần do mức độ dễ bị tổn thương cao, cũng như khả năng thích ứng thấp. Khoảng 4,5 triệu ha đất canh tác của Campuchia chủ yếu dựa vào nước mưa nên phụ thuộc vào thời tiết và lượng mưa. Vì vậy, ngành nông nghiệp đặc biệt dễ bị tổn thương trước các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Nhiệt độ tăng, diễn biến thời tiết ngày càng khó lường và lượng mưa thay đổi cùng với việc xây dựng nhiều đập thủy điện trên khắp lưu vực sông Mekong có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sức khỏe con người do nguồn nước ngọt giảm, sản lượng nông nghiệp và thủy sản sụt giảm, cũng như gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước.
Các gia đình ở nông thôn, đặc biệt là nông dân quy mô nhỏ, chiếm 75% trong số 6,8 triệu nông dân của cả nước, nằm trong số những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do sinh kế của họ phụ thuộc vào nông nghiệp.
Để giải quyết các vấn đề này, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách có thể khuyến khích đa dạng hóa cây trồng để giảm sự phụ thuộc vào lúa gạo, chẳng hạn như trồng các giống cây trồng cần ít nước và có sức chống chịu khí hậu hơn bên cạnh việc tưới tiêu cho đất.
Hệ thống cảnh báo sớm để dự báo thời tiết và giám sát khí hậu cũng có thể được triển khai để giúp nông dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa hoặc điều chỉnh phương thức canh tác cho phù hợp. Australia, quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực như công nghệ nông nghiệp, quản lý và giám sát rủi ro thiên tai cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể giúp đỡ họ.
Tài nguyên nước cũng phải được quản lý tốt hơn. Do gặp phải tình trạng khan hiếm nước theo mùa và có tiềm năng hạn chế về các cơ sở thu hoạch và lưu trữ nước để cải thiện nguồn nước do địa hình tương đối bằng phẳng, Campuchia có thể tìm đến các quốc gia như Australia, nơi đã cải thiện hiệu quả sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp (như thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt), để giúp giảm bớt căng thẳng về nước. Trong những thập kỷ gần đây, năng suất sử dụng nước của người trồng bông ở Australia đã được cải thiện 40% nhờ năng suất tăng và hệ thống quản lý nước hiệu quả hơn.
Ngoài việc cải thiện cơ sở hạ tầng sản xuất và sau thu hoạch, cũng như cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần để tăng cường chuỗi giá trị nông sản, Campuchia cũng cần cải thiện việc tiếp cận tài chính và kiến thức, tăng cường khả năng tiếp cận đầu vào và máy móc nông nghiệp để tăng năng suất lao động.
Việc Campuchia thiếu công nghệ chế biến sâu hơn để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn cũng là một mối lo ngại khác. Do năng lực chế biến nông sản Campuchia còn hạn chế nên phần lớn hàng hóa xuất khẩu của nước này là sản phẩm sơ chế. Để ứng phó, các nhà hoạch định chính sách có thể nâng cao năng lực chế biến nông sản Campuchia thông qua cơ sở hạ tầng, tài chính, nghiên cứu và phát triển để chế biến và phát triển sản phẩm.
Hoàng Hạnh