Seatimes – (ĐNA). Sáng 14/2/2024 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024), tại Công viên văn hóa Gò Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa (1789 – 2024), tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân Tây Sơn.
Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa diễn ra với phần hội kéo dài 3 ngày, từ ngày 14 đến 16/2 (tức ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Công viên văn hóa Đống Đa. Là lễ hội đầu Xuân nhưng hội Gò Đống Đa lại có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng – Lễ hội lưu giữ niềm tự hào, sự quật cường của cả một dân tộc và được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung – người Anh hùng “áo vải, cờ đào” trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân, du khách thập phương đến để được hòa mình vào không khí háo hức, tự hào với lễ rước kiệu truyền thống của người dân phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội).
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định khẳng định: Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa ghi dấu nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Hoàng đế Quang Trung, ý chí ngoan cường của nghĩa quân áo vải, cờ đào. Đồng thời biểu thị cao độ tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, yêu tự do, độc lập từ ngàn đời của người dân đất Việt. Bằng thắng lợi này, Nhân dân ta đã đập tan mộng xâm lược của ngoại bang, giữ vững nền độc lập chủ quyền của dân tộc.
Tại buổi lễ, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách đã ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc cách đây 235 năm, thời điểm triều đình nhà Thanh nhân thế nước Đại Việt rối ren, đã sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị thống soái 29 vạn quân binh sang xâm lược.
Ngược dòng lịch sử, vào tháng 10 năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện triều đình Mãn Thanh nhằm lật đổ nhà Tây Sơn. Lợi dụng cơ hội ấy, triều đình Mãn Thanh cử quân sang với mục đích xâm chiếm Đại Việt. Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị của nhà Mãn Thanh chỉ huy 29 vạn quân, chia thành 3 hướng tiến đánh nước ta.
Trước thế sự cấp bách thù trong giặc ngoài, vào ngày 25 tháng 11 năm 1788, Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc. Ông đưa ra lời dụ thể hiện ý chí độc lập tự chủ cao độ và tinh thần quyết tâm tiêu diệt địch: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Với nghệ thuật chuyển quân thần tốc và nghệ thuật tác chiến, chiến lược kỹ càng, trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, tiến vào kinh thành Thăng Long cùng đại quân của mình. Nhân dân mừng vui khôn xiết. Với thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan âm mưu xâm lược của quân Thanh, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789 là một trong những chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Để ghi nhớ công ơn của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, cứ vào ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm, người dân tổ chức Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa tại gò Đống Đa (phường Quang Trung, quận Đống Đa) – hay còn gọi là Hội gò Đống Đa, thu hút hàng nghìn người ở mọi miền Tổ quốc tham dự. Trong lễ hội, người dân được ôn lại truyền thống hào hùng cùng ý nghĩa lịch sử to lớn của Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Đó là nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Hoàng đế Quang Trung, đồng thời biểu thị cao độ tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, yêu tự do, độc lập từ ngàn đời của người dân đất Việt.
Lễ hội kỷ nhiệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa gồm các nghi lễ như: Tế lễ, rước kiệu hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân, trình diễn sử thi về chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789, dâng hương… Phần hội quy tụ nhiều trò chơi dân gian, thi đấu cờ tướng, cờ người… thu hút đông đảo Nhân dân cùng khách thập phương về trẩy hội.
Theo truyền thống, từ sáng sớm, các đoàn tế lễ địa phương đã tổ chức dâng hương, tế lễ tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công lao của vị Anh hùng dân tộc. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội Gò Đống Đa được coi là ngày hội truyền thống, trở thành quốc lễ.
Sau lễ rước kiệu, màn tái hiện trận thắng lịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa đã giúp người dân, du khách như sống lại ngày những ngày tháng hào hùng của Tết Kỷ Dậu 1789. Màn tái hiện được thực hiện bởi các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng trung ương.
Cả hành trình tiến công thần tốc, mãnh liệt của vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn với hỗ trợ của nhân dân địa phương đánh bại 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, gói gọn trong khoảng 30 phút.
Hoàng Hạnh