Seatimes – (ĐNA). Theo Washington Post, Ngày 4/1/2024, trong báo cáo “Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới 2024” được đưa ra, Liên Hợp Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu xuống còn 2,4% trong năm 2024, so với mức tăng trưởng ước tính 2,7% vào năm 2023.
Liên Hợp Quốc đưa ra dự báo ảm đạm về nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 do những thách thức như thương mại toàn cầu suy yếu, lãi suất cao, nợ công leo thang, đầu tư thấp và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ được dự báo sẽ giảm tốc trong năm 2024 do lãi suất cao, chi tiêu tiêu dùng chậm lại và thị trường lao động suy yếu. Sau khi phục hồi ấn tượng trong năm 2023, mức tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo sẽ giảm từ mức 2,5% trong năm 2023 xuống 1,4% trong năm 2024.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cảnh báo các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe sẽ đối mặt với triển vọng kinh tế đầy thách thức do đà tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay. Báo cáo “Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới 2024” dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ chỉ tăng trưởng 1,6%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng ước tính 2,2% trong năm ngoái.
Báo cáo nêu rõ, đà tăng trưởng kinh tế ở Mỹ Latinh và Caribe dự kiến sẽ chậm lại do điều kiện tiền tệ thắt chặt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu trên toàn khu vực. Cùng với đó, nhu cầu trên thị trường thế giới yếu hơn trước sẽ hạn chế tăng trưởng xuất khẩu, trong khi tình trạng yếu kém về cơ cấu hạ tầng cũng như những bất ổn chính trị sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư.
Liên Hợp Quốc cảnh báo, khả năng các điều kiện tín dụng thắt chặt trong thời gian dài và lãi suất tăng là những trở ngại lớn đối với kinh tế thế giới khi đang mắc nợ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển nghèo hơn, và cần đầu tư để phục hồi tăng trưởng.
Giám đốc Bộ phận Chính sách và Phân tích Kinh tế của Liên Hợp Quốc Shantanu Mukherjee cho biết, những lo ngại về nguy cơ suy thoái năm 2023 đã được ngăn chặn chủ yếu nhờ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, kiểm soát được lạm phát mà không làm giảm đà tăng trưởng. Tuy nhiên, ông Mukherjee cho rằng, kinh tế toàn cầu chưa ra khỏi vùng nguy hiểm, khi lãi suất rất cao trong thời gian dài và có nguy cơ về các cú sốc giá cả. Ông cho rằng, một cú sốc nguồn cung có thể đưa đến việc tăng lãi suất để đưa lạm phát vào tầm kiểm soát.
Theo báo cáo, lạm phát trên toàn cầu ở mức 8,1% trong năm 2022 ước giảm xuống 5,7% trong năm 2023 và 3,9% trong năm 2024. Tuy nhiên, ở khoảng 1/4 số quốc gia đang phát triển, lạm phát được cho là ở mức trên 10% trong năm nay.
Với mức lạm phát và lãi suất cao, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho rằng châu Âu đang phải đối mặt với triển vọng kinh tế thách thức. GDP của Liên minh châu Âu (EU) được dự báo tăng trưởng 0,5% trong năm 2023 và 1,2% trong năm 2024, nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng khi sức ép giá cả giảm, lương thực tế tăng và thị trường lao động vẫn ổn định.
Kinh tế Nhật Bản được dự báo tăng trưởng 1,2% trong năm 2024, so với mức ước tính 1,7% trong năm 2023. Lạm phát tăng có thể là dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm phát chấm dứt sau khi kéo dài hơn hai thập kỷ.
Theo báo cáo, tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo mức tăng trưởng sẽ giảm so với mức ước tính 5,3% vào năm 2023 xuống còn 4,7% trong năm 2024 do lĩnh vực bất động sản đang khó khăn và nhu cầu bên ngoài giảm.
Tại các nền kinh tế đang phát triển, Liên Hợp Quốc nhận định tăng trưởng kinh tế ở châu Phi sẽ vẫn yếu, tăng nhẹ từ mức trung bình 3,3% trong năm 2023, lên 3,5% trong năm 2024. Khủng hoảng khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ làm giảm sản lượng nông nghiệp và ảnh hưởng đến ngành du lịch, trong khi bất ổn địa chính trị tiếp tục gây tác động tiêu cực đến một số khu vực.
Liên Hợp Quốc dự báo các kinh nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ giảm tốc tăng trưởng từ 4,9% năm 2023, xuống 4,6% trong năm 2024. Ở Đông Á, tăng trưởng dự kiến đạt 2,9% trong năm 2024, so với mức 1,7% trong năm 2023.
Tại Nam Á, Liên Hợp Quốc nhận định, GDP tại khu vực này dự kiến sẽ tăng 5,2% trong năm nay nhờ động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ. Mức tăng trưởng của Ấn Độ được dự báo sẽ đạt 6,2% trong năm nay, tương tự mức tăng 6,3% dự kiến vào năm 2023.
Dự báo của Liên Hợp Quốc thấp hơn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng 10/2023 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi tháng 11/2023.
IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức ước tính 3% trong năm 2023, xuống 2,9% trong năm 2024. Trong khi đó, OECD dự kiến tăng mức tăng trưởng sẽ chậm lại từ 2,9% trong năm 2023 xuống 2,7% trong năm 2024.
Chy Lê