Seatimes – (ĐNA). Chiều 18/12/2023, trong Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture và Lễ trao giải VinFuture, tọa đàm “Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn” đã được tổ chức và ghi nhận nhiều ý kiến của các nhà khoa học đầu ngành nhằm nhận diện và tìm lời giải cho những thách thức hàng đầu của y tế giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, đặc biệt tại những quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam.
Thế giới ghi nhận sự gia tăng rõ rệt số người mắc các rối loạn miễn dịch sau COVID-19. Đứng trước thực trạng còn nhiều hạn chế trong việc điều trị các bệnh rối loạn tự miễn, Việt Nam cần hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên thế giới để có thể tìm ra cách tiếp cận hợp lý, lựa chọn giải pháp tối ưu cho người bệnh trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam gia tăng tỉ lệ người mắc các rối loạn miễn dịch sau COVID-19
Thông tin tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, bệnh rối loạn tự miễn được công nhận lần đầu vào đầu những năm 1900. Trải qua hơn một thế kỷ, con người đã có những bước tiến đáng kể trong hiểu biết và quản lý tình trạng bệnh. Tuy nhiên, việc làm sáng tỏ nguyên nhân gây bệnh và tiến triển phức tạp của các bệnh rối loạn tự miễn vẫn luôn là thách thức lớn, tiêu tốn nhiều thời gian và công sức của các nhà khoa học.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, nhân loại biết đến khoảng 100 loại bệnh tự miễn trong tổng số hàng nghìn bệnh lý hiếm gặp. Đáng chú ý hơn, kể từ sau đại dịch COVID-19, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn tăng lên từ 20-50% sau khi nhiễm virus Corona.
Tại Việt Nam cũng ghi nhận tỉ lệ người mắc các rối loạn miễn dịch sau COVID-19 gia tăng. Nguồn dữ liệu về phương pháp điều trị còn hạn chế trong khi tỉ lệ mắc các bệnh tự miễn ngày một tăng cao. Rối loạn tự miễn cho đến nay đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp cho hàng trăm triệu người trên thế giới về mặt sức khỏe, kinh tế và xã hội.
“Đứng trước thực trạng còn nhiều hạn chế trong việc điều trị các bệnh rối loạn tự miễn, đặc biệt tại Việt Nam với nhiều khó khăn về các loại thuốc điều trị, tọa đàm hôm nay là điều kiện để kết nối các nhà khoa học, hợp tác tạo nên những bước tiên phong mang đến niềm hy vọng to lớn cho những bệnh nhân bị rối loạn tự miễn trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Để giải quyết thách thức “mới nổi” của y tế toàn cầu, các diễn giả đã tập trung thảo luận các liệu pháp điều trị nhắm đích, bao gồm liệu pháp tế bào sử dụng lympho T điều hòa, các kháng thể đơn dòng để điều trị một số bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì… Những phương pháp điều trị theo hướng miễn dịch học chính xác này hứa hẹn có thể chữa khỏi hoàn toàn các bệnh lý tự miễn.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, thách thức trong điều trị các vấn đề rối loạn miễn dịch hiện nay là khoảng cách giữa nhu cầu của người bệnh và các sản phẩm điều trị. Mặc dù có nhiều thuốc, từ ức chế miễn dịch đến điều trị sinh học (tức liệu pháp đích), nhưng mới đạt được hiệu quả giảm triệu chứng, kiểm soát bệnh ổn định chứ chưa giúp người bệnh khỏi hoàn toàn.
Ngoài ra, các thuốc sinh học hoặc thuốc điều trị đích hiện chưa có hoặc quá đắt ở Việt Nam nên khó tiếp cận với số đông. Do đó, phần lớn bệnh nhân tại Việt Nam đang sử dụng các loại thuốc cổ điển, gây nhiều tác dụng phụ như tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng nhiều đến các chức năng nội tạng như gan, thận….
Tiềm năng “ngăn bệnh từ gốc” của tế bào T điều hòa
Đáng chú ý, tại tọa đàm, GS. Shimon Sakaguchi, Giáo sư xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka (Nhật Bản) đã có bài trình bày với tựa đề “Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn”.
TS. Shimon Sakaguchi nổi tiếng với việc phát hiện ra các tế bào T điều hòa (Tregs) và sử dụng trúng đích để kích hoạt và tăng cường khả năng miễn dịch của khối u cũng như điều trị các bệnh tự miễn và các bệnh viêm nhiễm khác trong môi trường lâm sàng.
Theo chia sẻ của GS. Shimon Sakaguchi, ông quan tâm đến cơ chế của bệnh rối loạn miễn dịch, hay còn gọi là bệnh tự miễn khi còn là một sinh viên y khoa. Khi ấy, ông quan sát được những hiện tượng thú vị khi thử loại bỏ tuyến ức ở chuột. Việc tác động này đã gây ra triệu chứng bệnh tự miễn ở chuột thí nghiệm, rất giống với con người.
Khi nghiên cứu sâu thêm, ông đã xác định được tính chất và đặc điểm của một nhóm nhỏ tế bào T (Treg) từ chuột trưởng thành. Khi loại bỏ nhóm tế bào này (thay vì cắt loại tuyến ức) chuột bị mắc rất nhiều các bệnh tự miễn. Điều bất ngờ là các bệnh tự miễn sẽ được chữa trị nếu ta truyền tế bào Treg ở chuột khoẻ mạnh cho chuột bệnh.
“Khi đánh giá sâu hơn ở mức độ phân tử, nhóm nghiên cứu của tôi phát hiện ra vai trò then chốt của một phân tử (gọi là yếu tố phiên mã Foxp3) đối với hoạt động của tế bào Treg. Thông qua nghiên cứu các đột biến trên Foxp3, chúng tôi xác định được bất thường ở nhóm tế bào này chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tự miễn ở người”, GS. Shimon Sakaguchi nói.
Theo GS. Shimon Sakaguchi, chúng ta có thể điều trị và ngăn ngừa bệnh tự miễn bằng cách tăng số lượng hoặc chức năng của tế bào Treg trong cơ thể. Tương tự, Treg còn đóng vai trò trong miễn dịch ung thư và miễn dịch cấy ghép. Bởi thế, chúng ta có thể tăng cường phản ứng miễn dịch tiêu diệt khối u bằng cách giảm hoạt động của tế bào Treg. Ở chiều ngược lại, nâng cao chức năng hoặc tăng số lượng tế bào Treg giúp chống thải ghép.
Hiện tại, việc tăng số lượng tế bào Treg trong cơ thể bằng cách tiêm IL-2 liều thấp đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Trong tương lai, những tiến bộ mới về nghiên cứu Treg có thể giúp tìm ra các loại thuốc mới có khả năng tăng số lượng tế bào Treg gắn với kháng nguyên.
Một phương thức khác là tăng số lượng tế bào Treg trong ống nghiệm rồi truyền cho bệnh nhân để điều trị bệnh. Với cách làm này, giới khoa học và y học cũng hy vọng sẽ có phương pháp tạo ra tế bào Treg trong ống nghiệm với chức năng ổn định và đặc hiệu kháng nguyên nhằm giúp đỡ người bệnh.
TS. Shimon Sakaguchi cho biết, thế giới đang tập trung nghiên cứu tế bào Treg trong điều trị các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch. Bởi, thay vì điều trị bệnh tự miễn theo triệu chứng, tức là phần ngọn thì chúng ta tìm cách ngăn ngặn bệnh từ gốc bằng việc tác động đến tế bào Treg. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một phương thức điều trị nào chứng minh được hiệu quả cao trên người. Đây là thách thức và cũng chính là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phát triển liệu pháp Treg có hiệu quả lâm sàng mong muốn.
Sự tham gia ngày càng chủ động của giới nghiên cứu Việt Nam tại các diễn đàn khoa học quốc tế, như Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture là dịp để giới khoa học Việt Nam khẳng định tiếng nói và những đóng góp của mình trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
TS. David Neil Payne, đồng chủ nhân Giải thưởng chính VinFuture 2022, cho biết, thông qua VinFuture, hình dung của ông về Việt Nam đã thay đổi rất lớn. Nhà khoa học kỳ cựu đánh giá, Việt Nam có tiềm năng trở thành một quốc gia mạnh về khoa học công nghệ với những người trẻ thông minh, có nền tảng giáo dục tốt và đặc biệt là có khát vọng.
“Người Việt rất tận tâm với khoa học và có khát vọng thay đổi thế giới. Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn để khiến thế giới hiểu và chú ý đến những gì đang diễn ra tại các quốc gia như Việt Nam”, GS. Payne khẳng định.
Yến Bình