Seatimes – (ĐNA). Trưa 01/12/2023 (theo giờ địa phương), Lễ khai mạc trọng thể Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) đã diễn ra tại TP. Dubai, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia Hội nghị và dự Lễ khai mạc.
Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới, diễn trong hai ngày (ngày 01-02/12/2023), là sự kiện đa phương quan trọng nhất năm 2023 về biến đổi khí hậu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Với sự tham dự của hơn 70.000 đại biểu, được kỳ vọng sẽ đưa ra những quyết định mang tính chiến lược trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, vượt mọi kịch bản ứng phó, đòi hỏi các quốc gia cần hành động khẩn trương và quyết liệt để đạt được các mục tiêu đề ra tại Thoả thuận Paris.
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh có Lãnh đạo và đại diện của 197 Bên tham gia Công ước, trong đó có hơn 140 Nguyên thủ và Thủ tướng Chính phủ các nước, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, cùng lãnh đạo hàng chục tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn trên thế giới, nhiều tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức phi Chính phủ.
Tại Lễ khai mạc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, Tổng thống nước chủ nhà UAE Mohamed bin Zayed, Nhà vua Anh Charles, Tổng thống Brazil Da Silva nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, kì vọng Hội nghị COP28 sẽ đưa ra được các hành động khí hậu tham vọng và quyết liệt hơn nữa trên cơ sở tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế.
Các nhà Lãnh đạo cho rằng Hội nghị COP28 là niềm hy vọng của thế giới, đánh dấu bước ngoặt mang tính chuyển đổi, trên cơ sở đánh giá tổng thể tiến bộ đạt được kể từ khi Thoả thuận Paris được thông qua vào năm 2015 sẽ đề ra phương hướng hành động cho thời gian tới.
Trong đó, các hành động khí hậu cần hướng đến mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp; tiếp tục giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng công bằng; tăng cường tài chính khí hậu, nhất là tăng gấp đôi tài chính khí hậu cho giai đoạn sau năm 2025.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định chỉ có thể đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C khi thế giới ngừng hoàn toàn sử dụng nhiên liệu hoá thạch, kêu gọi các nước tăng gấp ba tỉ trọng năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Tổng thống nước chủ nhà COP28 tuyên bố thành lập Quỹ Giải pháp khí hậu toàn cầu trị giá 30 tỷ USD nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính khí hậu và tăng đầu tư cho hành động khí hậu lên đến 200 tỷ USD vào năm 2030.
Nhà vua Anh Charles nhấn mạnh bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội hài hoà với tự nhiên, cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động ngay vì nền kinh tế thế giới và sự tồn vong của nhân loại.
Tổng thống Brazil, nước chủ nhà COP30 năm 2025, nhấn mạnh về tiềm năng của năng lượng tái tạo, kêu gọi các nước khẩn trương hợp tác một cách công bằng, hướng tới nền kính tế ít phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch.
Hoàng Hạnh