Seatimes – (ĐNA). “Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng sẽ không chỉ đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động trong nước, mà điều quan trọng hơn cả, là phải tự tin hội nhập và có vị trí xứng đáng trên thị trường lao động trẻ trung, sôi động trong toàn khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Ngày 20/11/2023, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Tuyên dương khen thưởng năm học 2022-2023.
PGS.TS Lê Văn Huy – Hiệu trường trường cho biết: Năm học 2023 – 2024, là năm học có nhiều nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra, làm nền tảng cho sự phát triển của Nhà trường trong tương lai. Trong số những mục tiêu đặt ra, chất lượng đào tạo luôn luôn được chú trọng hàng đầu.
Nhà trường luôn liên tục nỗ lực hoàn thiện chương trình đào tạo; tạo lập môi trường nghiên cứu, học tập tốt nhất cho Nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên; đầu tư trang bị cơ sở dữ liệu và thư viện số phục vụ nghiên cứu; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học, các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng mềm, các hoạt động xã hội và hướng nghiệp cho SV. Tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên với các đối tác quốc tế và các trường đại học có uy tín tại Việt Nam.
Được biết, Nhà trường đã quyết định tổ chức đào tạo 2 chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh (Kinh doanh quốc tế và Marketing số) với hơn 100 sinh viên đang theo học; mở mới và tuyển sinh thành công các chương trình đào tạo định hướng số như FinTech, Kinh doanh số, Marketing số…
Năm học vừa qua, Trường cũng đã hoàn thành kiểm định chất lượng cho 4 chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA, và 2 chương trình đào tạo theo chuẩn quốc gia, nâng tổng số chương trình đào tạo được kiểm định lên 12 CTĐT (chiếm 63% số CTĐT). Song song, hệ thống CSVC với hệ thống phòng học, phòng làm việc, phòng nghiên cứu được xây dựng và cải tạo đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng quan trọng trong việc đổi mới chất lượng và phương pháp giảng dạy.
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng trở thành một trong những trường có số lượng chương trình đào tạo được kiểm định ở mức cao trên cả nước, góp phần nâng tầm Học hiệu DUE trên bản đồ các trường đại học uy tín trên cả nước và trong khu vực.
Năm học 2022-2023, cũng có thêm 13 thầy cô hoàn thành chương trình Tiến sỹ, nâng tỉ lệ Tiến sỹ/Giảng viên lên 46,5%, đồng thời, có 17 thầy cô được cử đi học Tiến sỹ tại các nước phát triển trên thế giới. Trường vui mừng chào đón 13 viên chức, trong đó có 9 giảng viên (gồm 3 Tiến sỹ, 6 Thạc sỹ) về nhận nhiệm vụ tại Trường.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, PGS.TS Lê Văn Huy cũng nhấn mạnh tầm vóc, vai trò của Người Thầy trong bối cảnh mới:
“Thời đại thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ, cũng như yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi mỗi Thầy Cô không những tận tâm, tận hiến với nghề, thích ứng nhanh với sự thay đổi của xã hội, mà còn phải tạo lập môi trường phát triển kỹ năng cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập; truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần doanh nhân; đổi mới sáng tạo, nâng cao tinh thần khởi nghiệp và trách nhiệm xã hội… góp phần phát triển đất nước ngày một phồn vinh”.
Thầy Hiệu trưởng cũng cho biết thêm: Đặc biệt, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đã hoàn thành “Báo cáo thường niên đánh giá Kinh tế – Xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2022”, được các nhà khoa học và giới quản lý đánh giá rất cao.
Số lượng công bố quốc tế có uy tín; đề tài cấp Quốc gia và cấp Bộ; các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường thuộc Top 5 trên cả nước. Tạp chí Khoa học Kinh tế của Nhà trường/ cũng là kênh thông tin đáng tin cậy/ để các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu của mình và được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đánh giá ở mức 0,75 điểm.
Năm học vừa qua còn đánh dấu nhiều thành công trong công tác Công đoàn và Phong trào thanh niên. Lần đầu tiên, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên đều đạt danh hiệu Đơn vị xuất sắc dẫn đầu toàn Đại học Đà Nẵng.
Nhân dịp này, thừa ủy nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Kinh tế, đã trân trọng công bố, trao Cờ thi đua, trân trọng khen tặng thành xuất sắc, dẫn đầu trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cho Khoa Lý luận chính trị và Phòng Công tác sinh viên; công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho 13 tập thể thuộc Trường (theo quyết định số 3905/QĐ-BGĐT, ngày 17/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm Khoa Du lịch; Khoa Lý luận chính trị; Khoa Marketing; Khoa Ngân hàng; Khoa Tài chính; Khoa Thương mại điện tử; Phòng Cơ sở vật chất; Phòng Công tác sinh viên; Phòng Kế hoạch – Tài chính; Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục; Phòng Tổ chức – Hành chính; Phòng Thanh tra – Pháp chế và Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông.
Ghi nhận cống hiến của các cá nhân “Đã có nhiều đóng góp xây dựng đơn vị, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định tặng Bằng khen cho: Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyết Ba, Giảng viên cao cấp Khoa Lý Luận chính trị; Tiến sỹ Nguyễn Hồng Cử, Giảng viên chính Khoa Lý Luận chính trị; Tiến sỹ Trương Sĩ Quý, Giảng viên chính, Nguyên Trưởng Khoa Du lịch; ông Ngô Ngọc Châu và ông Huỳnh Chữ – Nhân viên Phòng Tổ chức – Hành chính.
Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng có quyết định tặng Giấy khen cho 6 đơn vị thuộc Trường, đã có thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua gồm Khoa Kinh tế; Khoa Marketing; Khoa Thương mại điện tử; Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục; Phòng Thanh tra – Pháp chế và Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, cùng 21 cá nhân.
Ngoài ra, có 4 tập thể gồm Khoa Du lịch; Khoa Ngân hàng; Phòng Cơ sở vật chất và Thư viện; 49 cá nhân, với thành tích xuất sắc tiêu biểu, được công nhận Danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; 60 cá nhân được Hiệu Trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tặng Giấy khen.
Không thể chậm chân, ở lại phía sau
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng gửi gắm: “Những kết quả mà Trường chúng ta đã đạt được rất đáng tự hào, tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận và trăn trở: Đó là kết quả đạt được như trên, đã tương xứng với tiềm năng của Trường hay chưa, liệu chúng ta có thể làm tốt hơn không?
Mặt khác, chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc giáo dục đào tạo truyền thống; cạnh tranh và hội nhập quốc tế trở thành xu thế tất yếu nhất là trong đào tạo khối ngành kinh tế; trong khi đó, hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến tự chủ đại học chưa đồng bộ, thiếu nhất quán; Trường Đại học Kinh tế, bước vào một giai đoạn phát triển mới với yêu cầu và kỳ vọng lớn hơn…Tôi kêu gọi lãnh đạo các cấp của nhà trường phải hết sức năng động, sáng tạo, suy nghĩ và hành động quyết đoán, mau lẹ nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết và thi đua “dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt, phục vụ tốt”, toàn Trường thiết thực chào mừng 50 năm xây dựng và phát triển Đại học Kinh tế.
Trong tầm nhìn của phát triển, trường Đại học Kinh tế phải thực sự trở thành Trung tâm tư vấn xây dựng, góp ý và phản biện chính sách phát triển kinh tế -xã hội của Khu vực Miền Trung và cả nước. Nhà trường phải đi tiên phong, trong xây dựng nhà trường hướng đến “Trường học hạnh phúc”. Từ đó, mỗi người đều cảm thấy thấy hài lòng, ra sức phấn đấu, cống hiến, góp phần đưa Trường phát triển lên một tầm cao mới”./.
T.Ngọc