Seatimes – (ĐNA), Nửa thế kỷ vô vọng đi tìm… Một ngày nhận ra cả hai sống cạnh nhau trong cùng thành phố, họ vỡ òa hạnh phúc hội ngộ nhờ vào người hâm mộ. Tình yêu thời chiến của họ cũng mang số phận thăng trầm và kỳ lạ như chính bản tình ca họ viết cho nhau. Đó là bản tình ca mà bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã lặng lẽ hát cho nhau nghe nơi chiến trường bom đạn, trên giảng đường, ký túc xá, hay giữa ngổn ngang nhung nhớ nơi đất khách quê người… Vậy là, dù trắc trở, cả mối tình và khúc tình ca ấy, sau nửa thế kỷ đã cùng dắt tay nhau đi đến một cái kết thật đẹp.
Nhiều thập kỷ nhầm lẫn
Ngôi sao ban chiều của nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu, nhưng mấy chục năm ròng, tất cả những người say mê hát bài này, từ anh lính ngoài mặt trận, đến chàng sinh viên nơi giảng đường, cô công nhân đi xuất khẩu lao động tận trời Âu… đều không hay biết mà tất cả đều tin rằng đó là một sáng tác của nhạc sĩ Nga tài năng nào đó. Thậm chí chính tác giả của ca khúc cũng không biết là cả thiên hạ bấy lâu vẫn lặng lẽ hát bài hát của ông mà cứ tưởng nhạc Nga.
Mấy chục năm ròng, trên sân khấu, trên tivi, trên các trang web âm nhạc, thậm chí trong… giáo trình của Nhạc viện Hà Nội, Ngôi sao ban chiều đều được giới thiệu là nhạc Nga. Cuốn sách “Ali Baba và… 40 ca khúc trữ tình” của Nhà xuất bản Âm nhạc do tác giả Đào Ngọc Dung (nguyên Trưởng khoa trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương) biên soạn, thậm chí còn “mạnh dạn” ghi tên tác giả của khúc tình ca là … I.P.Tchaikovsky.
Cho đến một ngày…
Đó là một ngày của năm 1995, trong một cuộc vui bạn bè có nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu, sự nhầm lẫn vô tiền khoáng hậu kia mới bị tác giả… phát hiện. Sự thật được “vỡ ra” từ một sự ngoại lệ.
Theo lệ thường, các nhạc sĩ khi gặp nhau sẽ hỏi nhau về những sáng tác mới. Nhưng cuộc gặp mặt hôm ấy, nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu muốn làm một ngoại lệ. Ông không hát cho bạn bè nghe sáng tác mới nhất của mình, mà xin được hát bài hát… cũ nhất.
Và ông bắt đầu cất lên những giai điệu trĩu nặng tâm tình của một trái tim yêu đang nhói đau vì chia cắt:
Màn chiều dần buông xuống/ gió ngàn vi vu/ lấp ló đầu hiên/ ngôi sao ban chiều. Gợi lòng ta xao xuyến/ nhớ người yêu/ nơi phương trời xa. Em thân yêu nơi đâu/ có nhớ tới chăng/ đôi ta năm xưa/ chung lời hẹn ước? Bấy lâu con tim ta/ vẫn nhớ tới em/ như ngôi sao Hôm/ bao ngày không mờ. Vì lòng ta mãi mãi/ vẫn còn nhớ em/ không bao giờ phai…
Nhưng ngay khi người nhạc sĩ vừa cất lên những giai điệu quen thuộc thì cả phòng “nhao nhao” phản ứng bởi đó là bài hát Nga mà họ vẫn hát chứ chẳng phải sáng tác của bạn mình. Lúc này, Đinh Tiến Hậu mới biết bài hát của mình lại được biết tới là bài hát Nga và lâu nay bao thế hệ, bao gồm cả những bạn bè thân thiết của ông đã say mê nó.
Thoáng buồn vì sự nhầm lẫn, nhưng Đinh Tiến Hậu lại rưng rưng xúc động bởi mấy chục năm sau khi sáng tác bài hát này, ông mới biết rằng bài hát của mình đã trở thành khúc tình ca riêng của bao đôi lứa, giúp họ đi qua những gian lao của đất nước, tình yêu.
Thêm nữa, người ta lại xếp sáng tác đầu tay của ông ngang hàng với những bản tình khúc Nga bất hủ. Mừng cho sức sống mạnh mẽ của đứa con tinh thần, nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu bắt đầu hành trình “trả lại tên cho em” – lấy lại quyền tác giả của mình. Và người bạn thân – nhạc sĩ Nguyễn Cường đã là người đầu tiên viết bài “minh oan” cho Ngôi sao ban chiều để trả lại quyền tác giả cho bạn.
Từ bài báo minh oan này, nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu còn tìm đến Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi mà năm 1962 ông đã nộp bài hát làm bài dự kỳ thi tuyển vào trường và đã trúng tuyển. Ông được xác nhận quyền tác giả, nhưng khi đi đăng ký bản quyền thì Cục Bản quyền tác giả còn phải nhờ xác minh từ nước Nga rồi mới chính thức cấp quyền tác giả cho ông.
Sau khi được trả lại quyền tác giả, Ngôi sao ban chiều càng nổi tiếng hơn, được yêu thích hơn, được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Nhiều người đã tìm đến nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu chỉ để nói với ông trong nghẹn ngào rằng bài hát của ông đã kéo họ đứng dậy, cho họ niềm tin ở tình yêu, cho họ nỗi mong chờ tin yêu để đi qua được sinh – tử nơi chiến trường hay đi qua trăm ngàn đau đớn của xa xách lứa đôi khác…
Một ngày năm 2010, một đoàn tới 7-8 người là cựu binh, cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội vác đàn đến gõ cửa nhà ông, nhất quyết đòi ngồi bên ông để hát cho ông nghe bài hát đã theo họ ra chiến trường, cho họ niềm tin mãnh liệt vào một bóng hình chờ trông nơi hậu phương để họ mạnh mẽ sống, chiến đấu và trở về. Lại có người từ tận Canada cũng gửi quà cho ông để tỏ lòng mến mộ với tác giả của ca khúc họ đã say đắm suốt tuổi trẻ của mình ở trường Đại học Tổng hợp…
Cuộc gặp sau nửa thế kỷ
Càng nhận được nhiều yêu mến của công chúng, nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu càng thôi thúc trong tim nỗi lòng muốn tìm lại người xưa. Càng tìm, ký ức xa xưa càng dội về ào ạt.
Cũng từ đây, Đinh Tiến Hậu bị thôi thúc đi tìm lại “nguyên mẫu”, nàng thơ trong bài hát đã mang tới cho ông bao tình cảm yêu mến của khán giả. Đó là người con gái Hải Phòng xinh đẹp có cái tên cũng rất đẹp Nguyễn Nguyệt Khanh – mối tình đầu trong sáng mà nặng sâu tình cảm của ông.
Năm đó cậu trai Đinh Tiến Hậu mới 17 tuổi, một cậu học trò nghèo, đem lòng yêu cô bạn cùng lớp xinh đẹp, thông minh kém mình 2 tuổi. Mối tình học trò trong sáng nhưng đậm sâu đã phải dang dở bởi Đinh Tiến Hậu bỏ học, đi xa kiếm tiền để nuôi ước mơ thi vào Học viện Âm nhạc.
Nỗi đau chia cắt người yêu đã hóa thành bất tử trong ca khúc đầu tay ông viết tặng nàng. Cũng chính ca khúc này, ông đã sử dụng làm bài dự thi vào Nhạc viện Hà Nội và đã trúng tuyển nhưng không thể theo học bởi chủ nghĩa lý lịch của một thời…
Ông đã thử vài lần lặn lội về lại thành phố Hải Phòng nơi ông từng sống thuở niên thiếu để tìm lại bóng hình dĩ vãng, nhưng người xưa mãi như bóng chim tăm cá. Tuyệt vọng, ông đoán có thể nàng không còn sống hoặc đã đi ra nước ngoài.
Vậy mà một ngày ông lại chợt nghe tin nàng từ… một người hâm mộ bài hát, hâm mộ mối tình đẹp trong khúc tình ca. Đó là năm 2013, 51 năm kể từ lần gặp cuối cùng với mối tình đầu.
Anh Đặng Tuấn, một người Hải Phòng gọi điện thoại đến cho ông chia sẻ rằng anh đã được ba mình dạy cho bài hát da diết của ông và rất yêu nó. Biết nhạc sĩ bấy lâu tìm kiếm lại nàng thơ không thấy, anh ngỏ ý muốn giúp tìm kiếm bà bởi anh rất xúc động trước mối tình đẹp.
Tưởng anh Tuấn nói chơi, nhưng sau vài ngày “lật tung” thành phố Hải Phòng lên, ông đã tìm được tung tích của người con gái trong bài hát nằm lòng của bao thế hệ. Hóa ra bà sống ngay tại Hà Nội, không xa nơi nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu sống.
Tìm thấy nhau khi cả hai đều đã gần 70 tuổi và đã đầy nhà cháu con, họ vỡ òa niềm vui, giữ tình cảm tốt đẹp. Mỗi tháng bà Khanh gọi điện cho nhạc sĩ một đôi lần. Và hai cặp vợ chồng già giờ có thêm địa chỉ thăm viếng nhau, thân thiết như những người một nhà.
Vậy là, dù trắc trở, cả mối tình và khúc tình ca ấy, sau nửa thế kỷ đã cùng dắt tay nhau đi đến một cái kết thật đẹp. St
Bạn đọc viết