Theo Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 ban hành ngày 8/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 quyết định thành lập 5 tiểu ban phục vụ đại hội lần thứ 14 của Đảng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự chuẩn bị đại hội lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tiểu ban Nhân sự, có nhiệm vụ xây dựng phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 14; kế hoạch triển khai việc giới thiệu nhân sự Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng khóa 14, nhiệm kỳ 2026-2031; báo cáo công tác nhân sự Trung ương khóa 14 trình đại hội 14.
Tiểu ban Văn kiện, có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo chính trị và Báo cáo tổng kết những thành tựu, kết quả của 40 năm đổi mới (1986-2026) trình đại hội 14 của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Tiểu ban Kinh tế – Xã hội.
Tiểu ban Kinh tế – Xã hội có nhiệm vụ xây dựng báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030); xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2026-2030), trình đại hội 14.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm Trưởng Tiểu ban Điều lệ Đảng và Tiểu ban Tổ chức phục vụ đại hội
Tiểu ban Điều lệ Đảng có nhiệm vụ xây dựng báo cáo công tác xây dựng Đảng 5 năm (2021-2025); Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng.
Tiểu ban Tổ chức phục vụ đại hội, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức, phục vụ đại hội 14.
Trung ương cũng cho ý kiến về giới thiệu quy hoạch Trung ương nhiệm kỳ 2026-2031 để Bộ Chính trị xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 8 khóa 13 sáng 8/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Trung ương đánh giá cao nỗ lực của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo đã nghiêm túc chuẩn bị tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14 chất lượng. Tờ trình, dự kiến quy hoạch đã kế thừa, bổ sung, phát triển đúng đắn, phù hợp về cách làm và bài học kinh nghiệm có được từ các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ khóa 13.
Theo Tổng bí thư, người có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch. Chất lượng, cơ cấu, thành phần cũng phải tiếp tục xem xét, phân tích kỹ để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các hội nghị sau.
Tổng bí thư nhấn mạnh đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa 14 với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ. Quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó đến các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Tổng bí thư yêu cầu xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Chy Lê