Seatimes – (ĐNA), Đêm 7/10/2023, Văn phòng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, ông Aliyev đã chỉ trích cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) cũng như lập trường của Pháp trong căng thẳng Azerbaijan – Armenia. Đồng thời Tổng thống Azerbaijan cũng cảnh báo việc Pháp gửi viện trợ quân sự cho Armenia có thể châm ngòi xung đột mới giữa hai quốc gia vùng Nam Kavkaz.
Tổng thống Aliyev cho hay, ông quyết định không gặp Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong hội nghị đối thoại hòa bình do EU làm trung gian tại Granada, Tây Ban Nha vì “biết rõ lập trường của Pháp”, thành viên chủ chốt của EU.
Hội nghị hòa bình ban đầu dự kiến được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) vào ngày 5-6/10, do các nước EU mà đặc biệt là Pháp và Đức giữ vai trò điều phối. Tuy nhiên, ông Aliyev hủy chuyến thăm Tây Ban Nha ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố không thể đến dự EPC.
“Tổng thống Aliyev nhấn mạnh chính sách viện trợ vũ khí từ Pháp cho Armenia sẽ không đóng góp cho hòa bình, thay vào đó sẽ thổi bùng xung đột mới. Nếu bất kỳ xung đột nào khác xảy ra trong khu vực, Pháp phải chịu trách nhiệm”, Văn phòng Tổng thống Azerbaijan cho biết.
Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã đến Yerevan và tuyên bố Paris đồng ý chủ trương ký hợp đồng viện trợ thiết bị quân sự cho Armenia trong tương lai, nhằm mục đích hỗ trợ nước này tự vệ. Bà không tiết lộ hỗ trợ quốc phòng từ Pháp sẽ bao gồm những hạn mục nào, cũng như thời điểm dự kiến ký kết các hợp đồng viện trợ.
Tuyên bố diễn ra hơn một tuần sau khi Azerbaijan mở chiến dịch quân sự để giành lại toàn bộ vùng Nagorno-Karabakh từ lực lượng ly khai thân Armenia, chấm dứt gần ba thập kỷ lãnh thổ bị chia cắt.
Gần như toàn bộ người gốc Armenia trong cộng đồng 120.000 dân ở Nagorno-Karabakh đã chạy sang Armenia tị nạn sau khi chính quyền ly khai ở đây đầu hàng và tuyên bố giải tán.
Sau khi để mất ảnh hưởng ở Nagorno-Karabakh, Armenia có thể sẽ phải chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn nữa với Azerbaijan để tránh nguy cơ xung đột xảy ra, đặc biệt khi các cường quốc trong và ngoài khu vực có xu hướng ủng hộ Baku vì nhiều lợi ích địa chính trị.
Azerbaijan ra yêu cầu Armenia phải thiết lập một hành lang giao thông an toàn kết nối Azerbaijan đến Naxcivan, phần lãnh thổ của Azerbaijan bị ngăn cách bởi miền nam Armenia và tiếp giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cùng Iran. Giới chuyên gia cảnh báo Azerbaijan có thể dùng biện pháp quân sự để hoàn thành mục tiêu của mình nếu Armenia không nhượng bộ.
Hoàng Hạnh