Seatimes – Ngày 21/9/2023, tại TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì Hội thảo “ASEAN chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số”. Các nước trong khu vực đã chia sẻ những sáng kiến, cách làm chuyển đổi số với báo chí và nỗ lực bảo mật, bảo hộ quyền sở hữu thông tin trên mạng.
Chuyển đổi số giúp nâng cao năng lực truyền thông của báo chí
Hiện nay, báo chí và phát thanh, truyền hình là lĩnh vực đang phải chịu tác động nặng nề của sự bùng nổ công nghệ số bởi các hoạt động truyền thông truyền thống đang dần bị mất đi thị phần và doanh thu vào tay các nền tảng xuyên biên giới. Do đó, Chuyển đổi số của truyền thông là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao năng lực truyền thông của báo chí trong việc thu hút thị phần người xem từ các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ các giá trị truyền thống cùng với hiện đại hóa báo chí và truyền thông, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin.
Theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN cùng nhau chia sẻ, thảo luận về chủ đề Chuyển đổi số trong truyền thông. Hội thảo nhằm mục đích tạo ra một nền tảng trao đổi mở để chia sẻ tình hình, tiến trình hoạch định chính sách và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi kỹ thuật số trong truyền thông. Đây sẽ là nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Hội thảo gồm 02 Phiên chính (buổi sáng) và 01 Phiên thảo luận (buổi chiều) về các biện pháp để các nước ASEAN chung tay thúc đẩy ngành công nghiệp nghe – nhìn trong thời đại số. Nội dung của 02 Phiên như sau:
Phiên 1: Chính sách quản lý và thúc đẩy chuyển đổi số báo chí và truyền thông với các bài trình bày chia sẻ từ cơ quan quản lý của các nước ASEAN về: Chính sách, giải pháp của Nhà nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, truyền thông của mỗi nước; Phát triển và thúc đẩy nền tảng số cho báo chí, truyền thông; Quan điểm và chia sẻ câu chuyện về bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số…
Phiên 2: Kinh nghiệm chuyển đổi số từ các cơ quan báo chí truyền thông khu vực ASEAN; Trang bị kỹ năng số nâng cao trình độ cho biên tập viên, phóng viên báo chí, truyền thông; Ứng dụng công nghệ hiện đại, nền tảng số hiệu quả để hỗ trợ sản xuất và quản trị nội dung; Chia sẻ về thu thập dữ liệu và doanh thu từ dữ liệu; Chiến lược phát triển và bảo vệ nội dung trong chuyển đổi số…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, chuyển đổi kỹ thuật số đã cách mạng hóa cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Trên toàn cầu, các quốc gia đang phải đối mặt với vô số cơ hội và thách thức khi chuyển đổi kỹ thuật số định hình lại mọi khía cạnh của xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống và thói quen làm việc hàng ngày. Xu hướng tất yếu này thể hiện bước đột phá to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội và con người.
“Trong bối cảnh đó, ngành truyền thông không thể đứng ngoài cuộc. Việc chuyển đổi kỹ thuật số của phương tiện truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề sống còn, nó là điều cần thiết cho sự sống của ngành. Thói quen tiêu dùng của người dùng phương tiện truyền thông cũng như quá trình sáng tạo và phổ biến nội dung đã trải qua một sự chuyển đổi nhanh chóng và chưa từng có. Một thế hệ người tiêu dùng mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số đã đặt ra tốc độ thích ứng và mọi thứ đều sẵn sàng, nhưng quan trọng nhất là khả năng thông tin, giáo dục, trao quyền cho công dân, bảo tồn và truyền lại di sản của chúng ta cho các thế hệ tương lai.
Trong đó, báo chí và phát thanh, truyền hình cũng là lĩnh vực đang chịu tác động của sự bùng nổ công nghệ số bởi các hoạt động truyền thông truyền thống đang dần mất đi thị phần và doanh thu vào tay các nền tảng xuyên biên giới. Do đó, chuyển đổi số trở thành một xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao năng lực truyền thông của báo chí trong việc thu hút thị phần người xem từ các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ các giá trị truyền thống cùng với hiện đại hóa báo chí và truyền thông. Các phương tiện truyền thông không được quên sứ mệnh cao cả của mình, cung cấp sự thật chính xác và phân tích có ý nghĩa, bảo vệ công chúng khỏi bị lừa bởi tin tức giả và thông tin sai lệch”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Cần xây dựng quy hoạch chiến lược tổng thể cho ngành truyền thông
Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết để thực hiện chuyển đổi số báo chí, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng công cụ đánh giá về tình hình phát triển báo chí, từ đó các cơ quan báo chí có thể thực hiện lộ trình chuyển đổi số, với những giải pháp phù hợp, thực hiện chiến lược phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, Việt Nam còn ban hành bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, bao gồm bảng các chỉ số được nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí (gồm: Chiến lược; Hạ tầng Số, Nền tảng Số và An toàn thông tin; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; Độc giả, khán giả, thính giả; Mức độ ứng dụng công nghệ số) với tổng thang điểm 100.
Ông Lưu Đình Phúc nêu đề xuất, ASEAN nên xây dựng chỉ số chung về độ trưởng thành trong chuyển đổi số của báo chí. Mỗi quốc gia cần phát triển công cụ riêng để đo lường mức độ trưởng thành, biến đổi của báo chí kỹ thuật số nhằm tạo cơ sở để đo lường và giám sát quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của báo chí, góp phần nâng cao chất lượng của báo chí.
Đại diện ngành thông tin và truyền thông Indonesia cho biết, Indonesia đã có hệ thống quy định về truyền thông báo chí, thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý tài khoản mạng, tin tức truyền thông trực tuyến.
Luật Báo chí giúp phát triển tự do, dân chủ báo chí, tạo sân chơi công bằng, hệ sinh thái lành mạnh cho nền báo chí chất lượng cao. Các quy tắc ứng xử trong phát sóng các chương trình, điều tiết ngành công nghiệp điện ảnh, cấp phép phát hành phim, cơ chế kiểm duyệt… cũng đã được quy định rõ. Tuy nhiên thực tế, những quy định hiện có chưa bảo vệ toàn diện cho ngành truyền thông trên không gian mạng.
“Chúng tôi đã đưa ra luật về phát triển công nghệ và trực tuyến để đảm bảo sự chắc chắn trong những giao dịch điện tử, tránh việc đưa thông tin sai, lừa đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết luật về truyền thông thường chỉ bảo vệ trong vấn đề kỹ thuật với các cơ quan cung cấp thông tin nên vẫn cần sự hỗ trợ từ cộng đồng, công chúng.
Dù vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực phát triển hệ sinh thái truyền thông báo chí dựa trên 3 tiêu chuẩn với các đạo luật về kỹ thuật số, tin tức trực tuyến, quy tắc thương lượng trên truyền thông tin tức. Thông qua những tiêu chuẩn này, chúng tôi muốn đảm bảo sự cân bằng giữa các bên” – đại diện Indonesia chia sẻ.
Ông Zul-Fakhri Maidy – đại diện đến từ Brunei cho rằng, không giống tài sản điện tử khác, quyền sử dụng trên truyền thông đang đối diện với nhiều vấn đề thách thức liên quan đến thư điện tử, các thiết kế sáng tạo, nội dung, thông tin được bảo hộ quyền sử dụng.
Với Brunei, chính phủ nước này đã tham gia những hiệp định liên quan bảo hộ thông tin của thế giới như công ước của châu Âu, Australia… với nguyên tắc cơ bản là bảo đảm quyền tác giả, quyền sử dụng thông tin hoặc thông tin đó nằm trong những hợp đồng liên quan đến sử dụng thông tin, sử dụng lao động.
“Quyền sở hữu là điều được nhấn mạnh đầu tiên trong lĩnh vực truyền thông. Chúng tôi có quy chuẩn về Internet, cung cấp thông tin dịch vụ và chính quyền đã xây dựng chiến lược nhằm hướng đến sự hợp tác giữa các chính quyền giữa các đơn vị, cơ quan nhà nước, đối thoại liên quan đến chuyển đổi số, các bộ phận liên quan đến quan hệ công chúng để tăng hỗ trợ cho sự chuyển đổi trong các đơn vị báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị chịu trách nhiệm trong chuyển đổi số. Song song đó, chính quyền và văn phòng chính phủ có liên quan cũng sẽ tham gia bảo vệ quyền sở hữu, bảo hộ trí tuệ trong không gia mạng.
Với khu vực ASEAN, chúng tôi mong các thành viên sẽ nâng cao và mở rộng hợp tác ngành công nghệ số, chuyển đổi số cho các cơ quan truyền thông như mở các khóa đào tạo về công nghệ, sản xuất video. Bên cạnh đó, các quốc gia có thể tăng cường trao đổi nội dung truyền thông qua Internet, giữa các nền tảng số lớn cho báo chí, khuyến khích nâng cao nhận thức cho người dân với các chiến dịch hạn chế sự xâm phạm” – đại diện Brunei chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Myanmar, bà Ling Muang Pan cho hay, về kế hoạch phát triển truyền thông trong lĩnh vực báo chí, cần xây dựng một chiến lược quy hoạch tổng thể mới, trong đó vạch rõ sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược trong tương lai, kế hoạch hành động dài hạn. Bà Ling Muang Pan cho hay, tại Myanmar, các tờ báo, tạp chí, truyền hình trong nhà nước và tư nhân đang phục vụ cho nhu cầu thông tin và giải trí của người dân, hướng đến phục vụ cho thị trường.
Bà Ling Muang Pan nhấn mạnh, sứ mệnh báo chí là giáo dục và truyền thông, là nơi tiếng nói của người dân được tiếp nhận và thông báo đến Chính phủ. Ngành truyền thông của Myanmar đã tăng cường các hoạt động chống tin giả, tin sai lệch, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát sóng và có các chính sách thúc đẩy sự tương tác giữa Chính phủ và người dân.
Đại biểu Campuchia, ông Ry Soyhhakrodh cho biết, chuyển đổi số là thay đổi tư duy để làm cuộc sống tiện ích hơn. Campuchia đã thực hiện giám sát nội dung các kênh truyền hình, mạng liên lạc, tích cực xây dựng nền tảng số về truyền hình và phát thanh trên toàn quốc, tiến tới loại bỏ các nền tảng truyền hình truyền thống vào năm 2025.
Campuchia mong muốn tăng cường hợp tác công-tư, thu hút sự đầu tư khu vực tư nhân để thúc đẩy chuyển đổi số mạng lưới truyền hình. Xây dựng nền tảng thống nhất cho truyền thông quốc gia, áp dụng các phương thức truyền tải hiện đại như 5G vào phát thanh, truyền hình.
Ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và kinh doanh nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ, thực hiện yêu cầu chuyển đổi số lĩnh vực truyền hình, VTV đã nghiên cứu triển khai phát triển ứng dụng xem truyền hình trên Internet VTVgo từ năm 2015. VTVgo có khả năng truyền tải trực tuyến hàng chục kênh truyền hình chất lượng cao và hàng nghìn giờ chương trình theo yêu cầu.
Theo thống kê, VTVgo hiện có hơn 8 triệu người dùng thường xuyên, trong đó có 6 triệu người dùng trên các thiết bị di động và 2 triệu người dùng trên TV thông minh, thu hút hơn 240 triệu lượt xem/tháng.
Thời gian tới, VTVgo sẽ là nền tảng truyền dẫn những nội dung chính thống, bắt kịp những thay đổi về hành vi, thói quen xem truyền hình của khán giả trong kỷ nguyên Internet-chuyển dịch từ xem trên tivi truyền thống sang xem trên đa nền tảng.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, vì hội thảo hôm nay đánh dấu lần đầu tiên các Quốc gia Thành viên ASEAN cùng nhau thảo luận về chủ đề quan trọng này, nên chúng ta phải cùng nhau thực hiện những trách nhiệm và hoạt động to lớn để thúc đẩy lĩnh vực truyền thông. Những nhiệm vụ này bao gồm từ việc thiết lập các khuôn khổ chính phủ, phát triển và thúc đẩy các nền tảng kỹ thuật số cho báo chí và truyền thông, giải quyết các vi phạm bản quyền và tích hợp các công nghệ kỹ thuật số mới vào quy trình sản xuất và quản lý.
Từ các cuộc thảo luận của chúng ta, tôi muốn nhấn mạnh những điểm chính sau đây cần được các quốc gia ASEAN ưu tiên:
Thứ nhất, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất – Chúng ta nên tích cực tiếp tục trao đổi các chính sách, bài học và ứng dụng thành công liên quan đến chuyển đổi số giữa các nước ASEAN. Sự trao đổi này không chỉ bao gồm các chính sách hợp lý và ứng dụng công nghệ mà còn cả các chiến lược, đào tạo lực lượng lao động và chiến lược đầu tư.
Thứ hai, hợp tác với các bên liên quan khác – Chính phủ các nước ASEAN kêu gọi hợp tác với các bên liên quan khác để thực thi chính sách, đào tạo lực lượng lao động và huy động các nguồn lực để số hóa báo chí và truyền thông của mình.
Thứ ba, kế hoạch toàn diện của ASEAN về chuyển đổi kỹ thuật số – Sáng kiến này cần áp dụng cách tiếp cận theo lộ trình chiến lược để giúp các nước ASEAN phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Nằm trong kế hoạch này, ASEAN có thể xem xét xây dựng một chỉ số chung để đo lường mức độ trưởng thành của chuyển đổi số trên báo chí và một công cụ đo lường tương ứng.
Với những giải pháp này, và quan trọng hơn là bằng những hành động cụ thể, từng bước một, chúng ta sẽ hướng ASEAN tới sự hiểu biết chung và hành động phối hợp để chuyển đổi lĩnh vực truyền thông của chúng ta một cách tích cực, hiệu quả và hiện đại. Chúng tôi khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của người dân, xã hội và các bên liên quan khác vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời thừa nhận rằng truyền thông đóng vai trò thiết yếu trong nỗ lực này.
Hoàng Hạnh/theo tapchidongnama.vn