Seatimes – Sáng 26/7/2023, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị quán triệt Quy định 114 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Bà Trương Thị Mai cho biết vẫn còn một số nơi bố trí cán bộ là người có quan hệ gia đình, Ban Tổ chức Trung ương sẽ rà soát để thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị.
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết theo quy định mới, Bộ Chính trị yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải gương mẫu trong xem xét, bố trí người có quan hệ gia đình, thân quen vào vị trí đứng đầu đơn vị trực thuộc hoặc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khác.
“Cần xem xét thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng tài năng, đức độ khi bố trí người thân quen, để cán bộ, đảng viên, dư luận đồng tình, ủng hộ, tránh tình trạng sau đó lại đơn thư”, bà Trương Thị Mai nói, cho rằng mỗi cán bộ chắc chắn tự đánh giá được như thế nào là người thân quen, biết mình thân quen ai.
Theo Quy định 114, Bộ Chính trị yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; cùng làm người đứng đầu hoặc cấp phó cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
Người có quan hệ gia đình là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng).
Quy định nêu rõ người được bố trí công tác phải báo cho cấp trên hoặc địa phương, cơ quan nếu phát hiện có người nhà trong 13 ngành nêu trên. Đơn cử, VKSND Tối cao dự tính bổ nhiệm một cán bộ trong ngành ở địa phương, nhưng nơi đó có người nhà của người được bổ nhiệm thì người được bổ nhiệm và cán bộ ở địa phương đều phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.
“Nếu cán bộ được bố trí là người cùng gia đình nhưng giỏi, có năng lực, phẩm chất tốt, được tín nhiệm cao thì phải báo cáo cấp trên và Ban Tổ chức Trung ương để đánh giá, cho ý kiến”, bà Mai phân tích.
Nhận định đây là quy định rất khó vì “đụng chạm đến tâm tư, tình cảm, mong muốn của nhiều người”, bà Trương Thị Mai chia sẻ, ai cũng mong muốn con em, người trong gia đình trưởng thành, phát triển. Thực tiễn trong cùng gia đình có thể có nhiều người giỏi, phẩm chất tốt.
“Nhưng cán bộ lãnh đạo phải chấp hành nghiêm quy định của Đảng. Điều gì cấm thì không được làm”, bà nói, cho biết thêm hiện vẫn còn một số nơi bố trí cán bộ là người có quan hệ gia đình, Ban Tổ chức Trung ương tới đây sẽ rà soát kỹ.
Thường trực Ban Bí thư đánh giá từ khi Bộ Chính trị ban hành quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (Quy định 205 năm 2019), đến nay đã từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân.
Bà Mai cho rằng, Quy định 114 có nhiều điều khoản nghiêm khắc hơn nhưng “cần làm sao để quy định đi vào cuộc sống thì cán bộ, đảng viên, nhân dân mới có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ”.
9 địa phương ‘bổ nhiệm 58 người nhà’ không đúng quy định
Trước đó (5/2017), Chính phủ đã nêu 9 địa phương gồm Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định. Trong đó, 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm.
Hoàng Hạnh / Tapchidongnama.vn