Seatimes – Chiều ngày 15/6/2023, tại Đại học Đà Nẵng đã diễn ra phiên tọa đàm đầu tiên về mô hình “Trung tâm Đào tạo thường xuyên” và phương thức Đào tạo từ xa, của 3 cơ sở đào tạo từ xa có quy mô lớn của cả nước, đều thuộc 3 Đại học vùng (Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin thuộc Đại học Huế; Trung tâm Đào tạo Từ xa thuộc Đại học Thái Nguyên và đơn vị khởi xướng, đăng cai lần thứ nhất: Trung tâm Đào tạo thường xuyên thuộc Đại học Đà Nẵng). Chủ đề phiên thảo luận là: Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo từ xa trình độ đại học.
“Nhằm đánh giá thực trạng công tác tổ chức đào tạo từ xa trình độ đại học, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo từ xa, đáp ứng nhu cầu học tập liên tục, học tập suốt đời của xã hội trong bối cảnh hiện nay. Trung tâm Đào tạo Thường xuyên – Đại học Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo từ xa trình độ đại học”.
Đây là lần đầu tiên Trung tâm Đào tạo Thường xuyên – Đại học Đà Nẵng , tổ chức tọa đàm với sự tham gia của 3 đơn vị có cùng sứ mệnh, cùng trực thuộc 3 đại học Vùng.
“Tọa đàm là dịp để chúng tôi cùng đánh giá thực trạng công tác tổ chức đào tạo từ xa trình độ đại học, chỉ ra những cơ hội và thách thức để cùng nhau đưa ra các giải pháp, mà tập trung là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; tiếp tục quảng bá, nhân rộng phương thức đào tạo từ xa, tiếp tục mang lại cơ hội học tập cho mọi người, hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập”, PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên thuộc Đại học Đà Nẵng.
Cũng theo PGS.TS Lê Thành Bắc, Kinh tế thế giới đã và đang tăng trưởng chậm lại, cũng như tiềm ẩn các yếu tố phức tạp khó lường. Đặc biệt ảnh hưởng sau đại dịch Covid 19, căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung và vấn đề địa chính trị, đã càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại thế giới, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về sự dịch chuyển ngành nghề trong nước và quốc tế, kèm theo đó là sự dịch chuyển trong ngành nghề đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh hiện nay. Chính điều này đòi hỏi các cơ sở (trung tâm) đào tạo thường xuyên phải thực sự linh động, không ngừng nâng cao chất lượng, cập nhật chương trình đào tạo, vận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quy trình đào tạo. Đây là cách đáp ứng thiết thực, tạo điều kiện tối đa cho nhu cầu bổ sung kiến thức của người học để có thể bắt kịp sự chuyển dịch của ngành nghề trong xã hội.
Cần đánh giá và có quy hoạch, không để trăm hoa đua nở làm “loãng” cả số lượng và chất lượng
Trung tâm Đào tạo Thường xuyên thuộc Đại học Đà Nẵng, được thành lập theo quyết định số 498/GD-ĐT ngày 2/2/1996 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2006, Trung tâm bắt đầu triển khai phương thức đào tạo từ xa mới – đào tạo qua mạng, và vẫn duy trì cho đến ngày nay.
Là phương thức mang lại cơ hội rất lớn cho người học, học mọi lúc, mọi nơi không bị hạn chế bởi không gian và thời gian, nên Trung tâm Đào tạo Thường xuyên thuộc Đại học Đà Nẵng – Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin thuộc Đại học Huế – Trung tâm Đào tạo Thường xuyên thuộc Đại học Thái Nguyên, cả 3 đơn vị đang đào tạo trực tuyến e-learning, thu hút được hàng vạn học viên trên toàn quốc đăng ký theo học (các ngành như Ngôn ngữ Anh; Luật; Quản trị kinh doanh; Kế toán; Quản lý Nhà nước, …). PGS. TS. Nguyễn Hữu Công, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa, cũng cho biết, đơn vị đang phát triển mạnh, mô hình đào tạo từ xa thu hút được cả học viên miền Trung và các tỉnh phái Nam.
Sắp đến, theo một kế hoạch (đang được cơ quan thẩm quyền dự thảo), phương thức đào tạo từ xa sẽ được mở rộng đến tất cả các đại học, chứ không chỉ đại học thuộc đại học vùng, hay Trung tâm Đào tạo Thường xuyên thuộc Đại học vùng. “Chúng tôi cho rằng, cơ quan thẩm quyền nên có đánh giá, thẩm định và quy hoạch, không để xảy ra tình trạng trăm hoa đua nở làm “loãng” cả số lượng và chất lượng, thậm chí tạo nên xung đột”, đại diện Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin thuộc Đại học Huế, phân tích. “Nếu cho phép mở rộng đào tạo từ xa như thế, sẽ không tránh khỏi tình trạng hỗn loạn, không kiểm soát được cả lượng và chất” – ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thường xuyên – Đại học Đà Nẵng thẳng thắn bày tỏ.
“Tôi cho rằng cần có sự phân biệt rạch ròi, hiểu đúng, đánh giá đúng về khả năng và quy mô (trong tổ chức quản lý, tổ chức đào tạo) đối với mô hình đào tạo từ xa. “Trung tâm Đào tạo thường xuyên” do Bộ ra quyết định thành lập, trực thuộc cấp Đại học vùng (như các trường đại học thành viên khác), vận dụng loại hình đào tạo từ xa, phải khác với “Bộ phận đào tạo từ xa” thuộc các đại học độc lập (không thuộc đại học vùng). Nếu cho phép mở đào tạo từ xa đại trà, quy mô nào cũng có thể mở, là điều cần phải cân nhắc kỹ, vì đây là vấn đề bảo vệ lợi ích cho chính người đăng ký theo học” – PGS. TS. Trần Thanh Hải Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thường xuyên – Đại học Đà Nẵng, đóng góp thêm.
Một bức xúc khác cũng được ThS. Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ, đó là không thể quy định chuẩn đầu ra của đào tạo từ xa “phải giống như hệ chính quy”. Trong đó bất cập nhất, là người học phải học và thi các kỹ năng tin học, ngoại ngữ, phải có cả chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – Giáo dục thể chất. Theo một đại diện đến từ Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin thuộc Đại học Huế “Nên quy định rõ, cụ thể việc áp dụng chuẩn đầu ra “tương đương hệ đại học chính quy”, nghĩa là có đủ cả các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng – giáo dục thể chất, đối với học viên chỉ mới tốt nghiệp phổ thông trung học, hoặc hệ trung cấp. Nếu học viên theo chương trình đào tạo từ xa để lấy thêm bằng hai (đại học), thì không phải áp dụng chuẩn đầu ra này”.
“Ngoài ra, cầm xem lại quy định học “trực tuyến”, nhưng phải thi “trực tiếp”, như một quy định bắt buộc là không nên. Đối tượng của đào tạo từ xa rất đa dạng, phần lớn, là những học viên đang làm việc, công tác, trong đó, có cả bác sỹ, lực lượng vũ trang, và những diện khác. Họ không thể bỏ việc để tập trung về một nơi và thi trực tiếp. Chúng tôi cũng rất vui, là đang xem xét để cho thi trực tuyến, tạo điều kiện cho người học” – PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên thuộc Đại học Đà Nẵng và TS. Nguyễn Tương Tri, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin thuộc Đại học Huế, nêu kiến nghị và kỳ vọng.
Đối với 2 Đại học (vùng) là Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế (trong đó, Đại học Đà Nẵng, tương lai, sẽ phát triển thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng), hai mô hình “Trung tâm Đào tạo thường xuyên” và “Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin” đều có bề dày hoạt động cũng như thành tích đào tạo, và cũng đã tạo dựng được uy tín trong đào tạo hàng chục năm qua. Tuy nhiên, nếu theo tinh thần một Thông tư (đang ở bước dự thảo), sắp tới, yêu cầu quản lý đào tạo từ xa, sẽ chuyển về các Khoa (của các trường Đại học thành viên), điều này có nguy cơ “xóa sổ” hai mô hình “Trung tâm Đào tạo thường xuyên” và “Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin”. Ý kiến nhiều đại biểu đề nghi cần xem lại “dự thảo” này.
Theo PGS.TS Lê Thành Bắc, và TS. Nguyễn Tương Tri, các mô hình “Trung tâm Đào tạo thường xuyên”, phương thức “đào tạo từ xa” đã triển khai cả chục năm qua, vẫn đang kết hợp rất linh hoạt, tranh thủ được nguồn lực cả về cơ sở vật chất, lẫn đội giảng viên (đang giảng dạy từ các Khoa thuộc Đại học thành viên). Cơ quan quản lý cũng cần nâng tỷ lệ “Giảng viên thỉnh giảng” đối với phương thức đào tạo từ xa. Miễn là mời được “Người Thầy” có thâm niên chuyên môn và kinh nghiệm sư phạm tốt, kiến thức uyên bác, là giảng viên nổi tiếng (trong hoặc ngoài nước), được nhiều đại học mời dạy.
Chia sẻ thêm về tranh thủ các nguồn lực, tạo điều kiện cho người học (học mọi nơi, mọi lúc), PGS.TS Lê Thành Bắc cho rằng: sắp đến, với chủ trương cho phép đào tạo online (khoảng 30% trong tổng thời lượng lên lớp) đối với chương trình chính quy; các Trung tâm Đào tạo thường xuyên, đều có thể kết hợp, xây dựng các học phần, người tham gia đào tạo từ xa có thể học chung (trực tuyến) như sinh viên chính quy. Trong khi đó, TS. Nguyễn Tương Tri chia sẻ kinh nghiệm về phương thức đào tạo từ xa thông qua trực tuyến, kết hợp tài liệu “số”, hay bài giảng video sinh động, cung cấp đủ kiến thức như một giờ học trực tiếp. Đầu tư cho công nghệ sẽ bớt đi việc in ấn và phát hành tài liệu giấy rất tốn kém, đồng thời, giáo trình điện tử – giáo trình video giúp người học tiện lưu trữ ngay trên phương tiện thông minh. Có thể học, đọc, xem, nghiên cứu mọi nơi, bất kỳ lúc nào./.
Hoàng Hạnh / Tapchidongnama.vn