Seatimes – Sáng nay (20/5/2023), đã chính thức diễn ra vòng chung kết cuộc thi sáng tạo RoboCar 2023 – lần IV với chủ đề “Chinh phục thử thách”.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng là đơn vị đã chủ trì tổ chức sân chơi học thuật bổ ích này liên tục trong nhiều năm qua. Cuộc thi được dành cho sinh viên các ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật máy tính, Điện tử các trường đại học khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước , và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 2018 đến nay.
“Cuộc thi Robocar do VKU tổ chức, thực sự đã mở ra một sân chơi trí tuệ cho sinh viên các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính và điện tử. Đến với sân chơi, sinh viên có điều kiện được thực hành, vận dụng tốt những kiến thức đã học, và bắt đầu những ý tưởng sáng tạo ứng dụng vào thực tiễn. Không chỉ thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo khoa học công nghệ, điều đặc biệt, từ những cuộc thi như thế này, các em cũng tiếp cận dần thực tế phát triển của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, nắm bắt xu hướng phát triển của xã hội, có sự chuẩn bị tốt nhất, hòa nhập nhanh vào nhu cầu của thị trường công nghệ, thị trường lao động, sau khi tốt nghiệp ra trường.
Cuộc thi cũng nằm trên hành trình không ngừng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tăng cường tinh thần giao lưu, học hỏi, gắn kết giữa sinh viên các trường đại học trong khu vực và cả nước, gắn kết sinh viên với nhà trường, sinh viên với cộng đồng doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng trường VKU nhấn mạnh.
RoboCar 2023 diễn ra với 3 vòng thi, từ 16/4/2023 đến ngày 20/5/2023, thu hút hơn 121 đội với gần 850 sinh viên tham gia đến từ nhiều trường tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên như: Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Đông Á.
“Qua 2 vòng sơ loại, RoboCar 2023 đã tìm được 16 đội xuất sắc có mặt tại vòng chung kết. Các đội phải thực hiện vòng thi truyền thông giới thiệu quá trình hình thành sản phẩm dự thi và đặc biệt, không ngừng nghiên cứu, cải tiến những RobotCar của đội mình, sao cho, về kiểu dáng, phải giảm tối đa sức cản của gió, các chức năng đều vận hành trơn tru. Trong đó, động cơ phải có công suất hợp lý, đủ sức vượt chướng ngại vật trong thời gian nhanh nhất, nhưng không tiêu hao nhiều năng lượng.
Trong khi đó, các Robot tự hành phải sử dụng các thuật toán (dò line), các thuật toàn điều khiển cân bằng, giúp xe (Robot) hoạt động (tự hành) ổn định, kể cả khi có sự thay đổi tham số về môi trường, hay cần tăng tốc.
Rõ ràng, cuộc thi đã thiết thực tạo động lực, khuyến khích sự sáng tạo, trao đổi, học hỏi, phát triển ý tưởng công nghệ. Và đó cũng là mục đích, chủ đề về Robocar VKU – 2023: “Chinh phục thử thách” – PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ.
Thiết kế Robotcar thi đấu đối kháng
Theo luật thi đấu của vòng chung kết, mỗi đội thi tự mình thiết kế 2 xe (Racing Car và Self-driving Car) để tham gia đường đua theo thể thức tiếp sức gồm 3 phần: Đường đua Autonomous Car; đường đua Racing Car; và bắn vật thể vào vị trí chỉ định trước (đây là nội dung mới của sân chơi 2023). Mỗi xe phải hoàn thành đường đua với những nhiệm vụ được BTC định sẵn.
“Trong cuộc thi, công việc chính của chúng em là tập trung thiết kế ,lắp rắp và lập trình, tạo ra 2 chiếc robocar bao gồm: 1 xe điều khiển gắp bóng và 1 xe dò line tự hành. Chúng em đã được học và trải nghiệm kiến thức chuyên sâu về vi xử lí, thông qua môn học Vi điều khiển, nên quá trình này mang lại cho chúng em những kiến thức bổ ích và đúng là thỏa sức sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng có không ít những thử thách, chúng em phải xử lý các dữ liệu phức tạp, hiệu chỉnh thuật toán và tối ưu hóa hiệu suất của xe để vừa đảm bảo chức năng của xe vừa tối ưu thời gian”, bạn Phạm Ngọc Yến, sinh viên năm thứ 2, lớp 21MC, ngành Truyền thông đa phương tiện, Khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông Việt Hàn, Leader của nhóm ARDUOUS SUMMER, cho biết.
Trong đó, trên đường đua Racing Car, RoboCar được điều khiển bằng tay, thông qua sóng vô tuyến (Wifi, RF, v.v.); các kỹ thuật chính được áp dụng gồm: điều khiển tốc độ, gia tốc, hướng di chuyển, cánh tay robot, v.v; Đối với đường đua Autonomous Car: RoboCar tự vận hành, các kỹ thuật chính được áp dụng là nhận dạng, dò đường, v.v.… nhằm hoàn thành nhiệm vụ trên trường đua. Tại khu vực bắn (nhiệm vụ cuối cùng), các đội bắn trúng mục tiêu đã được chỉ định. Đội về đến đích trước và hoàn thành các nhiệm vụ của BTC được tính là đội chiến thắng. Thời gian thi đấu (đối kháng) của mỗi cặp đấu kéo dài 5-7 phút.
Theo yêu cầu trên, thành viên các đội tuyển, áp dụng kiến thức công nghệ thông tin và điện tử như thiết kế mạch Arduino Uno R3, STM32, mạch động cơ L298N, mạch bluetooth HC06, Mạch điều khiển RF, cảm biến dò line TCRT5000, và lập trình nhúng trên các ngôn ngữ lập trình tiên tiến, kỹ thuật điều khiển, thuật toán PID, v.v.
Tại vòng chung kết 2023, đội hình RoboCar được ghi nhận có thiết kế và cấu tạo độc đáo, sáng tạo, vật liệu chế tạo cũng khá đa dạng, từ nhựa mica, kết cấu nhôm, foam,…. Nhiều xe có kết cấu dễ dàng hoạt động đa chiến thuật. Chip được sử dụng là dòng chip AVR, STM32, v.v. sử dụng đa dạng ngôn ngữ lập trình như Assembly, KeilC, Python, v.v. các thuật toán điều khiển cân bằng, dò line, các Đội đã sử dụng các linh kiện điện tử từ cơ bản đến chuyên sâu. Và vào vòng thi đấu chung cuộc, mỗi đội thi RoboCar đều đã sử dụng linh hoạt chiến thuật thi đấu.
Kết quả chung cuộc RoboCar 2023:
Đội ARDUOUS SUMMER đã xuất sắc giành giải Nhất (và tiền thưởng cho đội là 8 triệu đồng); đội NAM NGƯ về hạng Nhì (số tiền thưởng dành cho các em là 6 triệu đồng); giải Ba thuộc về đội LURECHICKS kèm theo tiền thưởng 5 triệu đồng và giải Tư được trao cho đội tuyển WALL – E, cùng với khoản tiền thưởng 5 triệu đồng. BTC cũng đã trao 12 giải Khuyến khích (mỗi giải có tiền thưởng là 1,5 triệu đồng), trân trọng ghi nhận, động viên các đội đã nỗ lực đến phút cuối của cuộc thi.
Học được nhiều điều bổ ích
“Các kiến thức về lập trình vi điều khiển như cú pháp, môi trường, ngôn ngữ đã giúp chúng em rất nhiều trong việc tìm tòi và nghiên cứu Robocar, tuy nhiên các kiến thức, thông số về phần cứng trong Robocar, cũng như thuật toán phức tạp, với niềm đam mê, chúng em bỏ nhiều thời gian, công sức để học, nghiên cứu và áp dụng vào cuộc thi này. Qua cuộc thi sáng tạo Robocar, chúng em có kiến thức hơn về vi điều khiển cũng như hiểu được cách mà các thiết bị điện tử hoạt động ra sao. Ngoài ra, chúng em cũng được nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, cách phân chia công việc cho từng người.
Theo em, kỹ năng làm việc nhóm là một yêu cầu bắt buộc quan trọng trong quá trình sáng tạo robocar. Kĩ năng này giúp chúng em kết hợp kiến thức và kỹ năng đa dạng. Bởi mỗi thành viên luôn có kiến thức và kỹ năng riêng biệt. Bằng cách làm việc cùng nhau, các thành viên có thể kết hợp các kiến thức của mình để tạo ra một Robocar hoàn chỉnh (nhưng chưa tối ưu). Quá trình làm việc nhóm trong những lần tiếp theo, mỗi thành viên đều suy nghĩ thêm theo tư duy đa chiều, mỗi thành viên đưa ra ý tưởng đống góp mới (cho Robocar), với nhiều giải pháp khác nhau. Cuối cùng chúng em đã nhanh chóng nâng cấp và sửa lỗi, sản phẩm của chúng em đã hoàn thiện hơn, tối ư hơn, nhờ trí tuệ chung”- bạn Hồ Minh Phi, sinh viên năm thứ 2, lớp 21IR ngành IoT-Robotics khoa Kỹ thuật máy tính và điện tử, VKU – Đại học Đà Nẵng, Nhóm trưởng, Nhóm UchiHahaha phân tích./.
Hoàng Hạnh / Tapchidongnama.vn