Chen chúc
Bà Hoàng Thị Vinh, phòng 304-A1 than thở: “Phòng nhà tôi chỉ rộng 18m2 nhưng hiện đang có 6 người ở: tôi là bà nội, thêm bà ngoại, 2 vợ chồng và 2 đứa con. Chật chội, bí bách nên khổ lắm! Thằng út đang cố kiếm tiềm, tích cóp để mua căn hộ bên ngoài. Sống thế này cả mấy chục năm rồi!”.
Những căn phòng 18m2 cả ngày tối om
Do diện tích nhà quá chật hẹp, phần lớn các hộ gia đình đều cơi nới ban-công. Chuyện 2,3 nhà cùng chung một địa chỉ không phải là chuyện lạ. Người dân ở đây vẫn thường gọi những căn phòng đó là “chuồng cọp”, chuồng chim” hay “nhà không móng”. Nhu cầu chỗ ở tăng cao, những căn phòng cơi nới ngày càng nhiều, khiến cho khu tập thể càng trở nên xộc xệch, nhếch nhác.
Cũng bởi “chật chội”, chuyện nấu nướng ở khu tập thể này thuộc hàng “độc nhất vô nhị”. Bếp nấu sẽ được đặt ở bất cứ ngóc ngách nào có thể. Phần hành lang chỉ rộng chừng hơn 1m nhưng cũng được người dân tận dụng thành các căn bếp nhỏ. Nào bếp than tổ ong, bếp ga, nào xoong nồi, bát đĩa… khiến cho lối đi lại càng nhỏ hơn. Những hộ “nhanh tay nhanh chân” thì chiếm được phần diện tích cầu thang lên xuống. Có những hộ đục cả tường cầu thang để làm bếp. Hệ thống bồn rửa và ống nước được đặt ngay trước cửa phòng, thành ra lối đi lúc nào cũng ướt nhẹp.
Những hộ may mắn đặt được bếp ở khu vực cầu thang
“Lúc con cái đi làm thì không sao, nhưng lúc chúng nó về, tôi toàn phải bế cháu xuống dưới tầng 1 chơi. Đợi con dâu nấu nướng xong rồi mới về, chứ ở trên nguyên người đi đi lại lại đã không còn chỗ mà đứng”, bà Vinh chia sẻ.
Vệ sinh xếp hàng
Bà Bùi Thị Kim Lan, tổ phó của nhà A1 cho biết, mỗi tầng gồm 12 phòng, trung bình mỗi phòng 4-5 khẩu, tính sơ sơ cũng 50-60 người, tất cả đều dùng chung một nhà vệ sinh. “Chật thì còn chịu được, nhưng cái chuyện vệ sinh thì khổ vô cùng!”, bà Lan than thở.
Lối đi trong chung cư lúc nào cũng phải sáng điện
Không giấu nổi bức xúc, bà Lan nói: “Cứ sáng sớm nhìn cảnh mọi người xếp hàng chờ đến lượt đi vệ sinh mà khủng khiếp. Người lớn thì không sao chứ nhà nào có trẻ nhỏ hoặc người già lại càng khổ. Phần lớn ở đây đều là công nhân về hưu, tuổi đã cao, mỗi khi ốm đau thì làm sao mà lết từ đầu này sang đầu kia để đi vệ sinh được, nên nhiều khi phải ngồi bô ở trong phòng rồi mang ra ngoài đổ”.
Chính vì chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh chung dành cho cả tầng, nhiều người tỏ ra lo lắng về việc nếu không may xảy ra dịch tiêu chảy thì họ không biết phải giải quyết chuyện đi vệ sinh như thế nào. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh cũng thường xuyên rơi vào tình trạng nghẽn tắc, khiến cho sinh hoạt của các hộ dân càng khó khăn hơn.
Từ những năm 60 thế kỷ trước, Nhà máy Dệt 8/3 đã xây dựng khu tập thể này cho công nhân ở.
Các dãy nhà được xây cao 4 tầng, mỗi tầng gồm 12 phòng, mỗi phòng rộng 18m2. Trong diện tích 18m2 ấy, có những căn phòng đang là nơi sinh sống của 6-7 nhân khẩu.
|