Seatimes – Trung tướng Lê Nam Phong là một chiến tướng lẫy lừng gắn liền với nhiều chiến công của Quân đội. Với hơn 44 năm có mặt trên tất cả các chiến trường trong 3 cuộc kháng chiến: chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Nam, phía Bắc và làm nghĩa vụ Quốc tế; tham dự hầu hết các chiến dịch lớn của Quân đội; 10 năm làm Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 2. Từ một chiến tướng ở chiến trường, Ông trở thành Nhà giáo chuyên nghiệp của Quân đội. Ông có nhiều đóng góp thiết thực trong công tác đào tạo lực lượng sĩ quan vừa hồng vừa chuyên, kết hợp khoa học quân sự với thực tiễn chiến đấu, tác chiến, góp phần xây dựng thế hệ quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Hôm nay, Kỷ niệm 48 năm (30/4/1975-30/4/2023), ngày “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – Non sông liền một dải”, Tạp chí điện tử Đông Nam Á (Asean News) xin trích lược trong “Chiến tướng Lê Nam Phong; TỪ ĐỒI ĐỘC LẬP ĐẾN DINH ĐỘC LẬP” được đăng ngày 26/3/2022, ngày mà Trái tim của người Chiến Tướng đã vĩnh viễn ngừng đập.
Từ Đồng Xoài, Phước Long đến Xuân Lộc
Đồng Xoài là một căn cứ quân sự khá lớn, dài 600m, rộng 300m. 5 giờ 7 phút ngày 26 tháng 12 năm 1974, pháo 85 ly nhanh chóng đánh phá chốt ngoại vi. Quân ta mở cửa mở xung phong vào trung tâm địch. 10 giờ 30 phút, quân địch ra hàng, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Buổi chiều, ta tấn công san phẳng các đồn lân cận như Tà Bế, Phước Thiện… Chiến thắng Đồng Xoài là chiến công của Sư đoàn 7. Góp phần khai hỏa cho chiến thắng của Quân đoàn 4.
Rạng sáng ngày 31 tháng 12 năm 1974, Sư đoàn 7 nổ súng tấn công Phước Bình. Đạn pháo 130 ly dội xuống căn cứ Phước Bình. Trung đoàn 165 phối hợp với pháo binh tấn công nhưng bị phản công quyết liệt. Ông đề nghị cho xe tăng tham gia tấn công, được Tư lệnh Quân đoàn duyệt. Nhờ có xe tăng yếm trợ, bộ binh nhanh chóng chiếm được mục tiêu. 15 giờ 39 phút, căn cứ Phước Bình bị ta xóa sổ. Đồng thời cùng lúc tấn công Phước Bình, Tiểu đội đặc công 479 tấn công và làm chủ chốt Bà Rá.
Phước Long nằm trên một dãy đồi cao, là một cứ điểm thuận lợi cho việc phòng ngự. Bộ đội dùng chiến thuật áp sát và bao vây. Thị xã Phước Long chỉ còn 2km2 do địch chiếm đóng. Từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 1 năm 1975, pháo binh trút lửa vào căn cứ Phước Long. Trung đoàn 165, 141 của Sư đoàn 7, Trung đoàn 271 của quân đoàn 3 cùng hơn 10 xe tăng đồng loạt tấn công vào thị xã Phước Long. Trưa ngày 6 tháng 1 năm 1975, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” đã cắm trên nóc tòa dinh tỉnh trưởng Phước Long.
Đêm 16 rạng ngày 27 tháng 1 năm 1975, Pháo binh ta phát hỏa vào tọa độ đã được định sẵn ở Phương Lâm, La Ngà, núi Tràm, Đồi Đăng Ca và Cao điểm 112. Trung đoàn 209 nhanh chóng tiêu diệt địch ở cụm núi Tràm, chia cắt Định Quán với quân đoàn 3 ngụy. Đánh vào Định Quán, xe tăng không triển khai được do vướng đá gộp nhưng vẫn dùng pháo bắn sập cao điểm 124. Sau 2 ngày giằng co, đến ngày 29 tháng 1, bộ đội đã giải phóng hoàn toàn Định Quán. Toàn bộ lực lượng địch từ Túc Trưng đến Phương Lâm đều bị tiêu diệt. Từ 16 giờ ngày 28 tháng 1 năm 1975, bộ đội vừa hành quân vừa tiêu diệt chi khu quân sự Hạ Huoai tiến thẳng đến cầu Đại Lào cách Bảo Lộc 3km. Đúng 0 giờ 30 phút ngày 29 tháng 1 năm 1975Sư đoàn 7 đồng loạt tấn công vào Bảo Lộc. 5 giờ 30 phút, bộ đội đã làm chủ Bảo Lộc. Trung đoàn 165 truy quyét địch đến thị trấn Di Linh.
Trên đà tiến công, Sư đoàn 7 đang nhắm đến giải phóng Đà Lạt thì được lệnh quay về cùng Quân đoàn 4 đánh Xuân Lộc, đó là một cứ điểm quan trọng của địch bảo vệ Sài Gòn, được trang bị đầy đủ và được chi viện tối đa. Quân đoàn 4 giao cho Sư đoàn 7 hướng chủ yếu, đánh chiếm sư đoàn 18 ngụy. Sư đoàn 341 (Sư đoàn Sông Lam, Sư trưởng là đồng chí Trần Văn Trân vừa được ngụy trao trả tù binh năm 1973 tại Thạch Hãn) đảm nhiệm chiếm dinh tỉnh trưởng, Sư đoàn 6 ngăn chặn địch từ ngã 3 Dầu Dây đến đèo mẹ bồng con. 5 giờ 30 phút, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Các cụm pháo Quân đoàn đồng loạt khai hỏa. Trong ngày đầu tiên, bộ đội chiếm được 2/3 thị xã. Riêng hướng Sư đoàn 7 không tiến lên được vì tấn công ở hướng chính, vấp phải phòng ngự của địch, lực lượng bị tiêu hao. Qua 3 ngày chiến đấu, Sư đoàn 7 bị thương vong nhiều do địch quyết chống trả. Trước tình hình khó khăn đó, ta thay đổi cách đánh. Sư đoàn bộ binh 6 thuộc Quân khu 7 phối hợp với Quân đoàn 4 đánh vào khu vực Dầu Dây – Núi Thị, tập kích chiến đoàn 52 ngụy và đánh sân bay Biên Hòa bằng pháo 130 ly. Trước thế trận áp đảo của quân ta, tướng Lê Minh Đảo rút chạy trong đêm mưa. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Ta thừa thắng xông lên giải phóng hoàn toàn Xuân Lộc và đuổi theo truy kích tàn quân địch. Ngày 26 đến ngày 29 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn 4 đã giải phóng Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Long Bình.
Chiếm dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
16 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã ra lệnh cho cánh quân phía đông bắt đầu công kích vào nội đô Sài Gòn. Đó là thời khắc lịch sử mà tướng Lê Nam Phong không thể nào quên. Cánh quân phía Đông được chỉ huy của Trung tướng Lê Trọng Tấn – Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 6 đánh sân bay Biên Hòa, sở chỉ huy quân đoàn 3 chiến thuật và đoàn không quân ngụy đóng ở Biên Hòa. Sư đoàn 7 được tổ chức thành lực lượng thọc sâu thẳng tiến vào giải phóng Sài Gòn, đánh chiếm quận 1, đài phát thanh và dinh Độc Lập. Trên đường đi gặp nhiều bọn địch ngoan cố đã bị bộ đội giải quyết nhanh, tiêu diệt gọn để thần tốc tiến vào Sài Gòn. Do đi đường Biên Hòa – Thủ Đức vướng cầu Ghềnh, do cầu quá hẹp và yếu. Ông ra lệnh qua lại đường Quốc lộ 1. Nhưng do đi đường vòng nên Sư đoàn 7 đã đến dinh Độc Lập lúc 12 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Quân đoàn 2 đã cắm cờ chiến thắng lên nóc dinh Độc Lập lúc 11g30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ