Những mỏ dầu là nguồn thu lớn của IS
Để mở rộng quyền kiểm soát của mình, lực lượng IS cũng cần phải có nguồn tài chính hỗ trợ cần thiết để duy trì những cuộc giao tranh, để trả lương, mua vũ khí và tất cả mọi thứ. Bộ Tài chính Mỹ thừa nhận tuy không có con số thống kê cụ thể về tài chính của IS nhưng khả năng chúng “bỏ túi” hàng triệu đô la mỗi tháng cũng không phải là bất khả thi.
Đầu tiên, chúng buôn lậu hàng triệu thùng dầu qua biên giới được canh gác lỏng lẻo ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Dầu được lấy từ những giếng và nhà máy lọc dầu mà IS chiếm được ở miền Bắc Iraq và Syria. Dầu của IS được tiêu thụ với số lượng lớn vì một lý do đơn giản là giá thành rẻ qua đường nhập lậu. Đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, dầu là một trong những mặt hàng “đắt đỏ” nên gần như không quan trọng ai là người bán nó, thậm chí đó là dầu của "kẻ thù" cũng được mua. Ở Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), một gallon dầu có giá khoảng 7.5 $.
Nhận định nguồn thu chủ chốt của IS, một tuần qua, Mỹ dẫn đầu lực lượng liên quân không kích, tấn công và phá hủy nhiều cơ sở lọc dầu nhằm cắt đứt nguồn tiền của nhóm tổ chức cực đoan.
Tuy nhiên, buôn lậu dầu qua biên giới cũng chỉ là một cách để IS kiếm tiền.
Matthew Levitt, giám đốc Chương trình chống khủng bố và tình báo tại Viện Chính sách Cận Đông Washington thừa nhận IS là "nhóm khủng bố có nguồn tài chính tốt nhất mà chúng tôi từng thấy".
Cũng theo ông Levitt – chuyên gia tình báo và phân tích tài chính từng làm việc tại Kho bạc Mỹ và FBI, ngoài doanh thu từ buôn lậu dầu, IS còn nhận được tiền tài trợ từ các cá nhân giàu có ở các nước Ả rập như Qatar và Kuwait.
Việc bắt cóc con tin, đòi tiền chuộc cũng là một chiến lược nhằm tạo sức ép và thu lợi của IS từ chính phủ các nước.
Nguồn tài chính dồi dào là một trong những thế mạnh của IS
Ngoài ra, IS tiến hành thu thuế đối với những người dân sống ở bất cứ nơi nào mà chúng chiếm quyền kiểm soát. Muốn kinh doanh trên lãnh thổ IS kiểm soát, người dân phải đóng thuế. Muốn di chuyển một chiếc xe tải xuống đường cao tốc mà IS kiểm soát, người dân phải trả phí. Nhiều người dân sống trong vùng lãnh thổ bị IS chiếm cho biết họ phải đóng thuế cho tất cả mọi thứ.
"Có báo cáo rằng người dân ở Mosul (Iraq), những người muốn rút tiền khỏi tài khoản ngân hàng, dù “tự nguyện” hay “không tự nguyện” họ cũng phải đóng góp một khoản cho Nhà nước Hồi giáo", ông Levitt cho biết, "Vì vậy, việc kiểm soát một phần lãnh thổ đã cho IS cơ hội mà các nhóm khủng bố khác như al Qaeda khó mà có được”.
Tại Mosul (Iraq), khi đánh cướp ngân hàng trung ương và các ngân hàng chi nhánh, chúng “vớ bẫm” vì thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD.
Cũng cần nhắc lại thời điểm hình thành của IS, đó là khoảng thời gian sau khi chính phủ Mỹ rút quân khỏi Iraq. Nhân lúc này, các phần tử cực đoan của Nhà nước Hồi giáo tranh thủ cướp bóc, đánh thuế, mua sắm vũ khí, thu nạp chiến binh và phát động một cuộc chiến trên toàn lãnh thổ hai nước Iraq và Syria.
Thủ lĩnh Đặc nhiệm khẩn cấp Syria chống chế độ Assad, Mouaz Moustafa nhận định cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu không đủ để tiêu diệt sự tự chủ tài chính mà IS đã đạt được. Thay vào đó, cần phải chiếm lại lãnh thổ và khôi phục trật tự dân sự ở khu vực mà IS đã chiếm được.
"Họ đang đánh thuế người dân, đó là một nguồn thu rất lớn", ông Mouaz Moustafa nói. Dù cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu gần đây đã bắt đầu nhắm mục tiêu tấn công các cơ sở dầu mà IS kiểm soát và thậm chí là hầm chứa ngũ cốc của chúng, nhưng khi mà IS vẫn chiếm quyền kiểm soát trên mặt đất, nơi người dân có thể bị đánh thuế, tống tiền và bị cướp, thì nhóm tổ chức Hồi giáo cực đoan này vẫn sẽ tự chủ về mặt tài chính.