Seatimes – Tin Chính phủ, ngày 18/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 408/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045.
Xây dựng, phát triển TP Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II.
Theo phê duyệt, phạm vi khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích tự nhiên 30.657,79 ha với 12 đơn vị hành chính – bao gồm 07 phường (Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam, Thanh Trường, Thanh Bình, Nam Thanh, Noong Bua) và 05 xã (Thanh Minh, Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang).
Quan điểm phát triển thành phố Điện Biên Phủ trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt “Chiến trường Điện Biên Phủ” cùng với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa nhân văn và cụ thể hóa các định hướng phát triển chính của Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên – Pá Khoang; đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư; đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; phát triển bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu; làm cơ sở để triển khai các đề án, chương trình phát triển đô thị, nâng loại đô thị.
Điện Biên Phủ là thành phố du lịch văn hóa – lịch sử cách mạng cấp quốc gia
Thành phố Điện Biên Phủ có tính chất là đô thị loại II, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Điện Biên; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giữ vai trò trọng yếu về quốc phòng – an ninh của vùng Tây Bắc (vùng trung du và miền núi phía Bắc), đầu mối giao lưu về kinh tế đối ngoại và văn hóa, du lịch với các tỉnh Bắc Lào, Nam Trung Quốc, Thái Lan và Myanma.
Thành phố Điện Biên Phủ là thành phố du lịch văn hóa – lịch sử cách mạng cấp quốc gia; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và trung chuyển (logistic) trọng điểm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc và vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần xác định tính chất, chức năng đô thị phù hợp với các định hướng phát triển được xác định trên cơ sở các nghị quyết, quyết định, văn bản pháp lý, các chủ trương và chính sách của: Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc và tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ.
Mô hình và hướng phát triển đô thị phải có tính kế thừa
Tính chất, chức năng của thành phố Điện Biên Phủ cần nghiên cứu và bổ sung so với đồ án Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ được duyệt năm 2011 để đảm bảo thành phố phát huy được tối đa các lợi thế về văn hóa, lịch sử cách mạng, về vị trí, vị thế, vai trò của một đô thị cửa ngõ của vùng Tây Bắc, vùng trung du và miền núi phía Bắc và việc mở rộng địa giới hành chính thành phố bao trùm lên toàn bộ phạm vi của Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang.
Về mô hình và hướng phát triển đô thị cần phân tích đánh giá mô hình phát triển đô thị đã được đề xuất trong Quy hoạch năm 2011, phân tích thực trạng phát triển đô thị theo mô hình đã được đề xuất, phân tích về hiện trạng sử dụng đất, xu hướng phát triển các khu vực chức năng, các dự án đang triển khai và các dự án đang nghiên cứu đề xuất để có tính kế thừa, tính hợp lý của các quy hoạch trước đó và đưa ra những kiến nghị, điều chỉnh đối với mô hình và hướng phát triển đô thị.
Mô hình và hướng phát triển cần lồng ghép, kế thừa được các định hướng phát triển chính của Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang và gắn kết được không gian giữa khu vực nội – ngoại thị.
Nghiên cứu mô hình và hướng phát triển đô thị phù hợp với tính đặc trưng về địa hình, cảnh quan, môi trường và văn hóa, xã hội (cảnh quan sông Nậm Rốm, cánh đồng Mường Thanh, địa hình đồi núi cùng với bản sắc văn hóa, lối sống của các dân tộc trên địa bàn…); đặc biệt phải gắn với việc bảo tồn phát huy hệ thống các di tích lịch sử thuộc Khu du lịch Quốc gia đặc biệt “Chiến trường Điện Biên Phủ”…
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ