Seatimes – Biết uống rượu bia, đối với mọi người, nhất là các đấng mày râu là chuyện bình thường. Và chuyện ai đó không uống được hoặc uống ít cũng nên coi là chuyện bình thường. Ấy vậy mà trong xã hội chúng ta hiện nay, vẫn có người có quan niệm là phải lấy “tửu lượng” làm “thước đo” năng lực của đàn ông nhất là đàn ông có chức, có quyền.
Nếu sống có văn hóa thì người ta thích uống bao nhiêu, uống lúc nào, thậm chí là từ chối không uống…, là quyền của mỗi người, không ai có quyền ép buộc, khích bác. Trong một bài báo, có tác giả đã viết rằng, “văn hóa ép uống rượu bia” của người Việt Nam là thứ “văn hóa xấu xí”, một câu nói rất đáng suy ngẫm. Có cơ quan, lãnh đạo uống ít cũng bị chê, thậm chí dè bỉu. Người ta bị bệnh gout hay bị một số bệnh nào đó mà rượu bia vào nhiều hoàn toàn không có lợi vậy cũng bị đem ra chê bai. Người uống giỏi thì phải đi tiếp khách liên tục, uống quá đổ bệnh, phải uống đủ loại thuốc, trong khi những người uống không được, uống yếu thì cứ phải tìm cách né tránh, nếu bắt buộc phải tham dự thì uống cầm chứng…
Một số địa phương như Đà Nẵng chẳng hạn, khách khứa, bạn bè gần xa đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm thường xuyên liên tục nên nhiều cơ quan cũng phải tiếp khách liên tục, đến nỗi vắng mấy “cây uống” vì lý do nào đó là một số vị lãnh đạo lo ngay ngáy, vì sợ “đối ẩm” không phải phép, uống ít thì sợ bị coi là không tôn trọng, thiếu nhiệt tình, không biết xã giao v.v… mà uống nhiều thì ‘lực bất tòng tâm”. Không may gặp các vị khách nhiệt tình, chủ nhà cứ phải uống 100% mới chịu bắt tay về chỗ, mà đâu phải 1 vị nhiệt tình, có khi đoàn đông, cả chục người hoặc hơn, gặp khách nữ “hết mình” lại càng phải “thể hiện”. Vậy là kết thúc mỗi cuộc giao lưu là người ngả nghiêng, ăn nói có khi líu cả lưỡi. Ngày hôm sau, hiệu suất công việc như thế nào chắc ai cũng rõ.
Làm cán bộ công chức, ngoài chuyện vất vả vì công việc, còn cái nạn đi uống giao lưu. Không may gặp một số người “giả chết” ban đầu, đợi người khác đã ngà ngà là nhào vô tấp liên tục, cứ đòi hết 100% đến khi người ta “chết” mới chịu buông tha. Như vậy rõ ràng là “văn hóa xấu xí” rồi! Nếu nói xa hơn đó còn là một tội ác với đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè vì ép, khích bác người ta để họ nạp vào trong người lượng bia rượu mà bản thân họ chưa chắc là mong muốn hoặc không đủ sức để dung nạp, để rồi hậu quả là ốm đau, bệnh tật, tai nạn người bị ép uống và người thân họ phải gánh chịu.
Càng ngày càng có nhiều cái chết trẻ, chết vì những căn bệnh liên quan đến rượu bia. Vậy mà có người vẫn “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” hoặc thấy rồi nhưng vẫn nhắm mắt… đưa cay. Đó là chưa kể ở một góc độ khác, phải biết “quan hệ” thông qua việc “uống hết mình” để được cấp trên chú ý, quan tâm, để rồi, có được cái chức nào đó rồi thì sức khỏe cũng đi xuống, hoặc có chức cao rồi, trước hết phải “rèn luyện” chuyện uống cho “ xứng tầm” lãnh đạo. Quan điểm đó thật sai lầm và đáng phê phán.
Thiết nghĩ, nếu cán bộ công chức giảm được chuyện uống ượu bia, không uống tràn lan, vô tư như hiện nay thì sức khỏe chắc chắn sẽ được cải thiện, hiệu suất công việc sẽ được nâng cao, ít phải “thăm viếng” bệnh viện “sớm trước thời hạn”. Cái hay và văn minh là biết cách uống rượu bia một cách có văn hóa, giữ sức khỏe cho mình và giữ cho cả đối tác. Không nên sỹ diện bằng cách thể hiện “năng lực uống” của bản thân. Người đáng được trân trọng, đáng quý là năng lực, cái tâm, trách nhiệm vì công việc, vì xã hội, gia đình của mỗi đấng nam nhi, chứ không phải uống được mấy lon, mấy chai…
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ