Seatimes – Ngày 23/03/2023, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao. Phản ứng trước những nhận định thiếu khách quan trong Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình Đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn.”
Việt Nam lấy làm tiếc vì Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Hoa kỳ không đủ tư cách nói chuyện về nhân quyền với Việt Nam.
Trước đây, trong buổi chiều 21/6/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo cả hai viện Quốc hội Mỹ. Tại cuộc gặp, bà Nancy Pelosi đã tuôn một tràng rằng, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ để cùng nhau phát triển. Nhưng Việt Nam cứ vi phạm dân chủ, vi phạm nhân quyền, làm những việc sai trái, Mỹ không thể chấp nhận. Chờ bà Nancy Pelosi nói nói xong, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Văn Triết mới nhỏ nhẹ đáp lại thẳng thắn: “Thưa bà, nếu nói về dân chủ, nhân quyền, Mỹ không đủ tư cách nói chuyện với Việt Nam đâu”.
Nghe như vậy, bà Pelosi sửng sốt: “Thế là thế nào ?”. Nguyên Chủ tịch nước đanh thép trả lời: “Ngày trước, Mỹ mang bom đạn xâm lược Việt Nam, gây bao nhiêu mất mát, đau khổ cho Việt Nam, Việt Nam đã bỏ qua. Hôm nay, Việt Nam đã gác lại quá khứ, hướng đến tương lai. Còn hiện tại, Mỹ vẫn còn có quân ở Iraq, Afghanistan, ở nhiều nơi khác trên thế giới. Bom đạn vẫn còn nổ, máu vẫn còn đổ, người vẫn còn chết,… Mỹ cũng vi phạm dân chủ nhân quyền”.
Bà Pelosi im lặng, nhưng ông trợ lý ngồi bên cạnh liền cầm tấm ảnh chụp Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng đưa lên, rồi hỏi: “Ông có thấy tấm ảnh này không?”. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bình tĩnh trả lời rằng: “Đây là việc làm sai trái của một cán bộ của chúng tôi và chúng tôi đã xử lý nghiêm khắc rồi. Nhưng các ông có biết, hôm đó, tại phiên tòa, ông Lý cũng buông những lời lẽ khó nghe như thế nào không? Vì những lời lẽ ấy nên cán bộ chúng tôi mới có vi phạm như thế. Nhưng dù gì đi nữa, cán bộ của chúng tôi sai, chúng tôi đã phải xử lý. Ngay tại Mỹ, cảnh sát Mỹ cũng sai phạm như đánh người, đánh dân, có những hành động sai trái trên đường phố. Tôi nghĩ rằng, sai trái này chỉ là cá biệt. Không phải là chủ trương của lãnh đạo, chúng ta phải xử lý, làm cho tốt hơn”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc nhóm AUKUS công bố kế hoạch trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ:
Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới là mục tiêu chung của mọi quốc gia và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này.
Năng lượng nguyên tử, hạt nhân cần được sử dụng, phát triển vì mục đích hòa bình và phát triển kinh tế – xã hội của các nước. Việc sử dụng và phát triển năng lượng nguyên tử, hạt nhân phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người và môi trường. Chúng tôi mong rằng các quốc gia sẽ có trách nhiệm tích cực đóng góp vào mục tiêu chung này vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Liên quan tới câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận trước thông tin Nhật Bản muốn thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với ASEAN, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
Việt Nam đánh giá cao những tiến triển mạnh mẽ và thực chất trong quan hệ ASEAN – Nhật Bản, đóng góp tích cực cho mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng.
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước ASEAN và Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hai bên phát triển lên tầm cao mới, hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản trong 2023.
The Cuong/theo Tạp chí Đông Nam Á.