Seatimes – Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh ra ở xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tuy sinh ra ở đất biển nhưng cuộc đời binh nghiệp của ông, đưa ông trở thành Anh hùng LLVTND và sau này là một vị tướng lại là bộ binh, gắn liền với miền Trung khói lửa, với miền đất biên cương phía Bắc của Tổ Quốc. Nhưng phải chăng bởi là một người con của biển nên ông luôn có những ký ức rất đẹp về biển.
Những ký ức đó không chỉ là những ngày bình yên khi sóng vỗ dạt dào, không chỉ là những buổi tìm được những con cá biển, không chỉ là những khi ông cùng bạn bè dọc theo bờ biển quê hương. Mà đó còn là những trận bão làm biết bao mái nhà bị bão cuốn phăng, căn nhà xiêu vẹo trong bão lớn. Có những trận như đại hồng thủy, vỡ đê… biển hiền hòa đấy nhưng cũng không phải không có lúc dữ dội, không phải không có lúc trở nên cuồng nộ, hung hãn với con người. Có những nỗi đau khắc sâu vào ký ức, có lẽ đây cũng là một phần động lực, để sau này ông có duyên với công tác tìm kiếm cứu nạn và đề xuất phương châm 4 tại chỗ trong ứng phó thiên tai.
Mỗi khi nói về biên đảo, về biển quê hương ông lòng ông lại lại rộn ràng “Biển trời bao la, đẹp như gấm hoa, nước mây muôn màu, những con tàu ra Bắc vào Nam ….Biển trời bao la, đã sạch bóng thù, từ Bắc vô Nam cờ sao tưng bừng, người Việt Nam đón Xuân về…” đó là lời ca khúc Bài ca thống nhất của nhạc sĩ Võ Văn Di do NSND Thu Hiền thể hiện rộn ràng cảm xúc của người chiến thắng vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức, Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ.
Khi ông đảm nhận vị trí Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sau là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và quan trọng là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn Trung ương trong ba nhiệm kỳ nên ông có rất nhiều chuyến đi công tác đến các đảo. Không chỉ đến đảo để kiểm tra, truyền thụ kinh nghiệm, để hướng dẫn các chiến sĩ trên đảo và để chia sẻ những khó khăn, vất vả của lính đảo, gửi gắm tình cảm, niềm khích lệ, động viên tới những chiến sĩ nơi đảo xa và những ngư dân đang ngày đêm bám biển, ông còn đến đảo với một sự say mê.
Ông luôn tâm sự với mọi người, “Quê hương ta một dải. Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”, Tổ quốc Việt Nam với chiều dài bờ biển hơn 3.260km, trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam, là 10 trong số các quốc gia có chiều dài bờ biển nhất so với diện tích lãnh thổ và có nhiều quần đảo xa bờ. Để giữ gìn chủ quyền biển đảo không phải một sớm một chiều, đó là một chặng đường đấu tranh lâu dài bởi chúng ta đã đi qua hơn 4.000 năm lịch sử, và công cuộc giữ biển cần bền bỉ, cần kiên cường. Bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng cần phải kiên quyết, quả cảm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Rằng: Lòng ta chung một Cụ Hồ. Lòng ta chung một Thủ Đô. Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam.”. Đúng vậy, ngay từ khi ngồi học trên ghế nhà trường mỗi học sinh đã được học thuộc lòng Bài thơ “Học đi em”, lời răn dạy chúng ta hãy yêu Tổ quốc mình như dòng máu chảy trong mỗi con người, không gì có thể chia rẽ được”.
Nói về biển đảo, ông kể, Tôi có rất nhiều ký ức về biển đảo của Tổ quốc như: Đảo Bạch Long Vĩ; huyện đảo Cồn Cỏ – đảo “thép” giữa trùng khơi; Huyện đảo Lý Sơn; Đảo An Bang – Vị trí tiền tiêu khắc nghiệt ở Trường Sa; Đảo Phan Vinh thuộc Quần đảo Trường Sa; Đảo An Bang là bãi đá ở Quần đảo Trường Sa; Đảo Cô Lin là đảo đá chìm thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa); Quần đảo Thổ Chu thuộc huyện Phú Quốc, những ký ức về biển đảo luôn là một phần ký ức khó quên với tôi.
Trước đây, khi tôi còn giữ cương vị Thứ trưởng bộ Quốc phòng, vào mỗi dịp dẫn đầu đoàn của bộ Quốc phòng đi kiểm tra, tham gia tìm kiếm cứu nạn các đơn vị ở đảo, tôi đã có nhiều kỷ niệm sâu sắc với cán bộ chiến sĩ và nhân dân ở đó.
– Đảo Bạch Long Vĩ
là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, quân và dân huyện đảo Bạch Long Vĩ đã anh dũng kiên cường bám trụ đảo, đánh 118 trận, bắn rơi được 23 máy bay Mỹ, hứng chịu hơn 3.000 tấn bom đạn trong chiến tranh chống Mỹ, được mệnh danh là đảo tiền tiêu anh hùng, là chiến hạm không bao giờ chìm. Quân dân trên đảo đã nhận một bao đường vượt kế hoạch 6 triệu tấn do tự tay Chủ tịch Cuba Fidel Castro đóng gói và gửi tặng. Đáp lại tình cảm của Cuba, quân và dân đảo Bạch Long Vĩ cũng gửi tặng lại ông một mảnh xác máy bay Mỹ có khắc chữ “Bạch Long Vĩ”. Và đảo Bạch Long Vĩ được phong là “Đảo anh hùng”. Tôi nhớ nhất chuyến đi vào năm 1995 khi ông tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương, khi đó tôi là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đó cuộc sống trên đảo còn vô cùng gian khó, chỉ có một số gia đình ở, còn chủ yếu là lực lượng bộ đội địa phương, lực lượng bảo vệ ở cây hải đăng. Về sau, đã đưa một đại đội thanh niên xung phong ra đảo. Và đưa bộ đội địa phương, bộ đội công binh ra xây dựng đảo, đưa người dân ra, để thành lập 1 làng ở đó, có cả bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng và người dân. Giờ đây đã xây dựng cầu cảng, bến thuyền để thuyền bè của bà con đánh cá về đó tránh bão, nơi hậu cần nghề cá, cứu hộ cứu nạn… đã trở thành một huyện đảo phát triển cả về kinh tế và quốc phòng.
– Huyện đảo Cồn Cỏ
Thời kỳ đơn vị ở Quân khu 4, tôi đã có nhiều lần đến thăm và ở lại trên đảo Cồn Cỏ – đảo “thép” giữa trùng khơi là hòn đảo anh hùng. Đây là hòn đảo tiền tiêu có vị trí trọng yếu của đất nước. Bởi đây là tuyến đầu, là tiền tiêu của Tổ quốc. Nơi đây trong chiến tranh, bao nhiêu bom đạn bắn xong ở miền Bắc khi về sân bay và hạm đội đều trút hết xuống xuống đảo Cồn Cỏ. Là một điểm rất ác liệt nhất, nơi giáp ranh giữa chiến trường và hậu phương. Thời bình, đây cũng là nơi đầu sóng ngọn gió, nơi phải gánh chịu rất nhiều những hậu quả của thiên tai. Nhưng chính nơi đây cán bộ và chiến sỹ đã vượt qua gian khó và vươn lên giữa biển khơi của hòn đảo này.
– Huyện đảo Lý Sơn
Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý. Đây là huyện đảo có vị trí chiến lược, có rất nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Tôi đã nhiều lần ra đảo Lý Sơn để kiểm tra và giúp đồng bào trong công tác phòng chống thiên tai, những lúc đấy chỉ là sóng dữ, là triều cường. Những khi trời yên, biển lặng ôi đẹp làm sao, những chuyến tàu của đồng bào đánh cá như những cột mốc chủ quyền thấp thoáng nhưng bền bỉ, vững chãi ngoài biển khơi. Và cuối ngày, những đoàn tàu thuyền ấy lại tập hợp ở đây, làm cho không khí trở nên tấp nập và ồn ào. Cám ơn những người dân này đang góp phần lớn trong việc gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
– Đảo Phan Vinh thuộc Quần đảo Trường Sa
Trước đây có tên là Hòn Sập, sau được đổi thành Phan Vinh, tên của Thuyền trưởng tàu Không số Nguyễn Phan Vinh, người đã anh dũng hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ trên đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đảo Phan Vinh là phần nổi trên vành san hô của một rặng san hô vòng lớn hơn. Thực thể này thuộc cụm đảo Trường Sa của quần đảo Trường Sa và nằm cách đảo đá Tốc Tan khoảng 14 hải lí (25,9 km) về phía tây bắc. Đảo Phan Vinh là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Hiện tại Việt Nam đang kiểm soát đảo này như một phần của thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trên rặng san hô vòng này Việt Nam đã xây dựng trạm radar 44 ở đảo Phan Vinh A nhằm tăng cường giám sát các hoạt động của nước ngoài ở Trường Sa.
Khi tôi ra thăm đảo vào năm 1996, đảo hầu như chưa có gì. Cuộc sống ở nơi này rất vất vả, gian nan không có đất canh tác, không có nước. “Mưa ơi mưa ơi đảo nhỏ cần mưa/Mưa ơi mưa ơi chúng tôi là mưa…”. Sau này anh em đưa đất, đưa rau ra trồng phục vụ ăn uống, nhu cầu thiết thực của lính đảo. Phủ xanh đảo là cây phong ba và cây bàng vuông là loài cây chịu gió và nắng nơi đảo này. Mùa mưa, các chiến sĩ phải hứng nước mưa, xây bể chứa nước mưa để dự trữ nước ngọt cho sinh hoạt hàng ngày. Và giờ đây công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt đơn giản hiệu quả đã làm cuộc sống của quân và dân trên đảo đã gần giống như đất liền. Đảo đã trở thành đảo Anh hùng,
– Đảo An Bang – Vị trí tiền tiêu khắc nghiệt ở Trường Sa.
Đảo An Bang thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, là một hòn đảo nhỏ trong cụm đảo khu vực 4. Đảo có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và phát triển kinh tế biển giữa quần đảo Trường Sa với khu vực nhà giàn DK1. An Bang là chốt tiền tiêu bảo vệ vùng biển đảo phía Nam Trường Sa. Đảo gặp rất nhiều khó khăn khi tàu cập bến vì ở đây dòng chảy sâu, nước xiết, thường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong, sóng dữ nên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đây rất kiên cường về ý chí, vững vàng về tư tưởng và có sức khỏe dẻo dai. Đảo thành lập một đội quân đặc biệt, gọi là “đội cảm tử”, gồm những chiến sĩ rất giỏi về bơi lội, chịu trách nhiệm đón đưa khách và vận chuyển hàng hóa, kéo xuồng để giúp những chuyến tàu thuyền vào, ra đảo được an toàn. Việc bơi ra bắt dây, kéo xuồng lên bờ hoặc đẩy xuồng xuống biển về lại tàu lớn, đòi hỏi các thành viên “đội cảm tử” phải biết chớp thời cơ giữa hai con sóng để thực thi nhiệm vụ, nhằm tránh rủi ro. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực tự cường, chắt chiu từng giọt nước ngọt để trồng cây, nay trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát của các loại cây bàng vuông, phong ba, muống biển…
Năm 1995 – 1996 tôi ra còn chưa thể liên lạc bằng điện thoại, chủ yếu liên lạc bằng thư từ chuyển ra đảo thông qua những chuyến đi. Con tàu titan, tàu cứu hộ đưa chúng tôi ra đảo cũng mang theo rất nhiều thư từ cùng với những tình cảm từ đất liền gửi cho chiến sỹ ngoài đảo.
Thời điểm đó, trong mấy năm liền tôi đã đi nghiên cứu 21 đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa, phải nói rằng cuộc sống của anh em bộ đội và bà con nhân dân ngoài đảo lúc đó cực kỳ vất vả, khó khăn và thiếu thốn tình cảm”. Nhưng quan trọng hơn là tinh thần đoàn kết, kiên cường của mỗi con người Việt Nam trên đảo và vẫn một điều trăn trở đó là làm thế nào để mang rau ra đây trồng. Biển trời mênh mông, ngắm hoàng hôn trên đảo mà thêm yêu Tổ quốc, quyết giữ vững chủ quyền biển đảo của quốc gia.
– Đảo Cô Lin thuộc Quần đảo Trường Sa
Nằm cách bán đảo Cam Ranh 313 hải lý, ở 90 45’ 00” vĩ độ Bắc, 1140 15’ 19” kinh độ Đông, cách đảo Sinh Tồn 8 hải lý về phía Đông Bắc, cách đảo Len Đao 7 hải lý về phía Tây Nam, phía Nam cách đảo Gạc Ma 4 hải lý.
Là đảo chìm nên nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nước mưa chứa trong bể. Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm, song nhờ các biện pháp sử dụng nước ngọt tiết kiệm, khoa học và phù hợp trong sinh hoạt cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin đã thực hiện tốt công tác trồng rau xanh và chăn nuôi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như đảm bảo yêu cầu về sức khỏe.
Cán bộ chiến sỹ sống trong ngôi nhà kiên cố nổi trên đảo, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc nhà đánh dấu chủ quyền mang tên đảo Cô Lin, người lính Trường Sa đã không tiếc máu xương của mình giữ vững chủ quyền lãnh thổ, hòn đảo nhỏ nhưng anh hùng này.
– Quần đảo Thổ Chu thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
Gồm nhiều đảo lớn nhỏ, chìm nổi. Trong đó nổi bật với 8 đảo lớn có hình dáng, diện tích khác nhau là đảo Hòn Cao Cát, Hòn Mô, Hòn Cao, Hòn Từ, Hòn Nước, Hòn Keo Ngựa, Hòn Nhạn và Thổ Châu, người dân địa phương gọi là Thổ Chu. Quần đảo này nằm ở địa đầu Tây Nam của nước ta, cách mũi Cà Mau khoảng 160 km về phía Tây Bắc và cách thị xã Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 220 km. Quần đảo này mang nét đẹp của bãi biển hoang sơ, hàng dừa êm ả soi bóng và nụ cười thân thiện của ngư dân. Ngư dân người Việt sinh sống tại đảo Thổ Chu từ thế kỉ 18.
Ngày 10 tháng 5 năm 1975, Khmer Đỏ tiến chiếm đảo Thổ Chu, bắt và đã giết hại 528 người dân. Ngày 24 tháng 5, Việt Nam khởi sự tấn công và thu hồi lại đảo vào ngày 27 cùng tháng. Năm 1977, một lần nữa Khmer Đỏ tấn công đảo này nhưng đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Nơi đây hơn 500 đồng bào ngã xuống máu nhuộm thêm vào nước biển xanh, mất mát đau thương lắm. Tôi đã ghé Bãi Ngự, nơi tàu thuyền cập bến ra vào tấp nập, nước trong veo nhìn tận đáy. Bãi biển mang dáng vẻ đẹp hoang sơ, êm đềm với những hàng cây phong ba, bàng vuông cổ thụ, những hàng dừa tuyệt đẹp.
Thổ Chu là tiền tiêu phía Nam của Tổ quốc, sau rất nhiều lần ra đảo tôi ngắm từ vị trí của ngọn hải đăng, tuy không cao, tầm chiếu sáng chỉ dao động trong khoảng 12 hải lý nhưng ngọn hải đăng này tọa lạc tại một trong những nơi cao nhất của đảo (167m) nên tại đó, có thể quan sát gần như toàn bộ đảo với những ngọn núi, mái nhà ẩn hiện dưới rặng dừa, với bãi biển hiền hoà và những chiếc thuyền thúng nối đuôi dài tít tắp. Xa xa, về phía biển, những chấm nhỏ li ti sẽ hiện nguyên hình là những chiếc tàu lớn đang lênh đênh giữa trời biển để đánh cá và bảo vệ chủ quyền phía Tây Nam của Tổ quốc.
Trong những chuyến đi thăm và kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu nơi biển đảo, điều khiến tôi nhớ và cảm động nhất là các cán bộ, chiến sĩ đều hứa với những hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người đã cống hiến hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, hứa với đất liền, hứa với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và nhân dân ở hậu phương cứ yên tâm, anh em cán bộ chiến sĩ ngoài biển đảo luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
(Các cán bộ, chiến sỹ và người dân trên các đảo như cây phong ba trước đầu sóng ngọn gió, gìn giữ vùng đất thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam. Nơi đây, giữa muôn trùng sóng cả, quân và dân các huyện đảo ngày đêm kiên cường bám trụ, vượt qua mọi khó khăn gian khổ không thể làm nhụt ý chí tiến công, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các anh trong nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Không xa đâu Trường Sa ơi, Không xa đâu Trường Sa ơi, Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ