Seatimes – Ngày 13/3/2023, Chính quyền Tổng thống Mỹ J.Biden đã phê duyệt dự án khai thác dầu khổng lồ Willow ở bang Alaska, sau khi công bố các biện pháp bảo vệ hơn 16 triệu mẫu (Anh) (6,5 triệu ha) đất và nước trong khu vực này. Được biết, Dự án Willow hiện đang vấp phải sự phản đối từ các nhóm hoạt động về môi trường.
Theo ước tính, dự án trị giá 8 tỷ USD do Tập đoàn năng lượng dầu thô lớn nhất tại Alaska là ConocoPhillips thực hiện và được triển khai trên một vùng hoang sơ rộng khoảng 23 triệu mẫu Anh ở North Slope thuộc bang Alaska.
Nếu dự án này được thông qua sẽ cung cấp khoảng 600 triệu thùng dầu thô trong vòng 3 thập kỷ tới. Tuy nhiên, mặt trái là việc này cũng sẽ làm phát thải ra môi trường khoảng 278 triệu tấn khí thải carbon. Vì vậy, dự án này được cho là sẽ gây ảnh hưởng cho 500 cư dân hiện đang sinh sống trong khu vực còn hoang sơ này.
Các nhóm hoạt động về môi trường từ lâu đã lên án kế hoạch này. Họ cho rằng điều này sẽ làm suy yếu các cam kết của Chính quyền Mỹ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Lượng khí thải của dự án sẽ tương đương với lượng khí thải mà 66 nhà máy nhiệt điện than mới tạo ra trong một năm.
Tuy nhiên, dự án Willow của ConocoPhillips nhận được sự hỗ trợ từ ngành dầu khí và nhiều quan chức Mỹ. Những người ủng hộ dự án thì cho rằng, dự án Willow sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 2.500 lao động và mang lại doanh thu lên tới 17 tỷ USD cho Chính phủ liên bang. Hơn nữa, sau khi được Tổng thống J.Biden phê duyệt, dự án còn giúp tăng cường an ninh năng lượng trong nước trong bối cảnh giá khí đốt biến động do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine.
Động thái trên được đưa ra sau khi Chính quyền Tổng thống J.Biden ngày 12/3 tuyên bố sẽ hạn chế các hoạt động cho thuê khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Alaska. Kế hoạch sẽ cấm khoan trên diện tích 3 triệu mẫu (Anh) ở biển Beaufort, Bắc Băng Dương, đóng cửa phần còn lại của vùng biển liên bang không cho phép thăm dò dầu khí.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ sẽ ban hành biện pháp mới để bảo vệ cho hơn 13 triệu mẫu (Anh) trong Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia Alaska. Khu vực này là nơi tọa lạc tại hồ Teshekpuk, cao nguyên Utukok, sông Colville, đầm phá Kasegaluk và Khu vực đặc biệt Vịnh Peard – là nơi sinh sống của gấu xám, gấu Bắc Cực, tuần lộc caribou và các loài chim di cư.
Willow là dự án khai thác dầu quy mô lớn hiếm hoi được công bố trong những năm gần đây tại Mỹ. Ngành công nghiệp dầu nước này đã chuyển trọng tâm sang các dự án nhỏ hơn, rẻ hơn và nhanh hơn bằng cách khai thác mỏ đá phiến ở phía Tây Nam.
Từng là vùng đất của Nga, Alaska trở thành tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ.
Alaska vào thời điểm trước thế kỷ 19 thuộc về chủ quyền của nước Nga cho đến thời Nga Sa Hoàng Alexander II thì lịch sử vùng Alaska thay đổi. Thế kỷ 19 là thế kỷ của các cuộc chiến liên tiếp xảy ra giữa các cường quốc Âu Châu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga. Vào năm 1863, nền kinh tế của Nga hoàng thời điểm đó cũng đang hết sức khó khăn. Vì thế Nga Hoàng Alexander II đã bán rẻ Alaska cho nước Mỹ. Từ đó, Alaska trở thành tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ, có đường biên giới xa nhất về phương Bắc. Là một bang của nước Mỹ nhưng Alaska không nằm tiếp giáp với biên giới Hoa Kỳ. Một phần của dải đất Alaska gối đầu lên dãy núi Humatisi của Canada, ba mặt còn lại hướng ra biển, nằm kề mũi Vladivostoc của Nga.
Alaska được mệnh danh là miền đất vàng của Mỹ, từ xa xưa nghề khai thác vàng ở Alaska đã rất phát triển. Mỗi năm bang này cung cấp hơn 62.000 tấn vàng nguyên chất cho ngân khố nước Mỹ. Ở đây có những mỏ vàng lộ thiên nằm cách mặt đất chỉ vài ba mét. Khi Nga hoàng quyết định bán Alaska cho Mỹ, Nga hoàng cũng không biết Alaska là một “hũ” vàng của đất nước đồng thời là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất thế giới.
Nước Mỹ bắt đầu khai thác đất ở Alaska từ năm 1870. Cũng như vàng, dầu lửa ở đây đủ cung cấp cho nền công nghiệp Mỹ phát triển trong 100 năm nữa. Các nhà máy lọc dầu được bố trí hợp lý, nằm sát bờ biển. Vàng và dầu đã khiến Alaska trở thành vùng đất quý báu nhất của nước Mỹ. Bên cạnh đó nghề đánh cá cũng mang lại cho Alaska nguồn thu không nhỏ, hơn 1,8 tỷ USD mỗi năm. Đời sống của dân cư Alaska là sự pha trộn giữa cuộc sống thổ dân với nhịp sống công nghiệp và hiện đại của đa số dân Mỹ.
Ở Alaska quanh năm suốt tháng có lễ hội. Mỗi cộng đồng dân cư đến sinh sống tại Alaska lại mang đến mảnh đất này một sắc thái văn hóa khác nhau. Ở đây có trẻ em gốc Nga, gốc Nhật Bản, gốc Canada và cả những người da đỏ, da đen từ Nam Mỹ và châu Phi di cư tới. Nhà thờ ở Alaska có thể hành lễ cho cả người theo đạo Thiên chúa lẫn người theo các giáo phái khác. Dường như nằm tách biệt khỏi nước Mỹ nên Alaska là bang bình yên nhất, không có nhiều vụ nổ bom, ám sát, bắn súng… thiên nhiên và con người vùng đất vàng này đều hoà hợp, thân thiện.
Juneau, thủ phủ Alaska State.
Là một khu vực băng tuyết quanh năm, ngoài trữ lượng vàng và dầu lửa, Alaska còn có kỹ nghệ du lịch đã giúp cho Alaska dần dần được thế giới biết đến như là một trong 100 thắng cảnh nổi tiếng nhất thế giới.
Juneau, một thành phố nhỏ bé nằm khuất trong con đường hành lang Stephen nối liền với con sông Taku. Từ xa xưa, đây là khu vực nổi tiếng về sự đánh bắt cá Salmon. Nhưng sau cơn sốt đi tìm vàng bùng nổ vào cuối thế kỷ 19, nhiều đoàn người đã đổ xô về đây tìm “mỏ vàng,” họ đã biến nơi đây thành một thị trấn trao đổi hàng hóa và tạm dung thân. Nhờ thế, các quán ăn (saloons) và tu viện cũng dần phát triển theo, biến nơi đây thành thị trấn nhỏ mang tên Harrisburg. Nhưng ít lâu sau, tên thị trấn được đổi thành Juneau và trở thành thủ phủ của Alaska vào năm 1906.
Bình minh vào tháng mùa Hè, mặt trời hiện lên vào khoảng 4 giờ 30 phút sáng và mặt trời hoàng hôn từ giã bạn vào lúc 11 giờ 30 phút đêm. Đêm ngắn ngày dài cho du khách bớt thời gian ngủ và thêm thời gian ngắm nhìn các thắng cảnh thiên nhiên mà tạo hóa đã để lại cho con người.
Thắng cảnh ở Juneau thì phải kể đến khu băng tảng Mendenhall Glacier và thác nước Nugget Falls. Alaska có rất nhiều khu vực băng tảng, nếu bạn thích không gian của băng tảng (Glacier) thì bạn có thể lang thang cả tháng trời ở Alaska để khám phá những vùng không gian lạnh giá của các Glacier ở đây. Còn nếu bạn không tự tin vào sức khỏe của bạn thì có lẽ thắng cảnh Mendenhall Glacier và Glacier Bay bên Chichagof Island cũng đủ để bạn tự hào là đã đến được Alaska, đã được thưởng thức nét đẹp không gian của các Glacier nơi đây! Nhất là khi đến khu vực Glacier Bay, du thuyền di chuyển rất chậm để du khách có nhiều thời gian thưởng ngoạn trọn vẹn nét đẹp và hùng vĩ của các glacier bên rặng núi Fairweather Range.
Nói về cái đẹp của không gian băng tảng (Glacier) thì có lẽ ngôn ngữ nói và viết không đủ sức diễn tả hết cái đẹp của nó. Chỉ có cặp mắt và tâm của bạn mới cảm nhận được hết những nét đẹp của thiên nhiên mà tạo hóa đã ban phát cho trái đất này. Một vài tấm ảnh hay một vài đoạn video clips chỉ cho bạn nhìn thấy một góc rất nhỏ của nơi bạn đã đến.
Sau thủ phủ Juneau và Glacier Bay, chuyến hải hành còn đưa bạn một thị trấn nhỏ bé khác. Đó là Skagway nằm ở cuối Upper Lynn Canal. Skagway không xa lắm với biên giới với Canada. Đó là tiểu bang British Columbia và khu tự trị Yukon. Các không gian Núi-Hồ-Băng tuyết của vùng đất này cho người thưởng ngoạn cảm nhận được sự hùng vĩ của những rặng núi non bên cạnh những dãy hồ thơ mộng.
Những rặng núi hình thù khác nhau bên cạnh những hồ nước trong xanh lặng lờ trong một ngày nắng đẹp chắc chắn sẽ làm bạn ngẩn ngơ lặng người trước phong cảnh hữu tình của hồ Emerald Lake xanh biếc. Hồ không lớn lắm nhưng màu nước xanh lam ngọc thạch và không gian thoáng rộng của hồ gợi tôi nhớ về hồ Yamdork trên Tibet và hồ nước muối Laguna Awa Calientes ở Chile, những hồ nước được cho là có màu sắc đẹp lạ lùng trên trái đất.
The Cuong/theo Tạp chí Đông Nam Á.